Tiếp tục nâng cao năng lực ngành công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Thứ sáu, 23/09/2022 22:31
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, thương mại của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ngày 23/09, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII - năm 2022.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo tình hình hoạt động của ngành Công Thương tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, từ năm 2021 đến nay dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá xăng, dầu, nguyên liệu đầu vào tăng, song dưới sự điều hành sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự chỉ đạo quyết liệt của các tỉnh, thành phố, sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thuận của toàn thể Nhân dân, các chỉ tiêu chủ yếu về công nghiệp, thương mại của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và 09 tháng năm 2022 đã lấy lại đà tăng trưởng.

Lĩnh vực sản xuất ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Chỉ số sản xuất công nghiệp của hầu hết các tỉnh trong vùng đều tăng trưởng cao, trong đó có 13 tỉnh tăng trên 10%, có 5 tỉnh, thành phố xếp trong tốp 10 của cả nước. Hoạt động thương mại tiếp tục được duy trì ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 1.787.000 tỷ đồng, 09 tháng năm 2022 đạt gần 1.613.000 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những chỉ tiêu đạt được của ngành Công Thương từ năm 2021 đến nay. Đồng thời, chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hội nghị cũng đã đưa ra các nhận định, phân tích, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp trong 03 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm nhấn mạnh, hội nghị tạo cơ hội để tỉnh cùng với các tỉnh, thành trong khu vực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành. Đồng thời, tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

 Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII - năm 2022

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng thông tin đến các đại biểu kết quả phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực công nghiệp, thương mại nói riêng của tỉnh. Là một tỉnh nằm ở vị trí “cửa ngõ” của khu vực Bắc Trung bộ, có vai trò là “cầu nối” giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Nam, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thanh Hóa có những thuận lợi và khó khăn riêng, song được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp, tạo điều kiện của các tỉnh bạn, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát, khống chế dịch COVID-19, vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Tỉnh Thanh Hóa mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Công thương đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh. Đồng thời, mong muốn được hợp tác có hiệu quả với các tỉnh, thành bạn để cùng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, thương mại của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, có được những kết quả đáng ghi nhận đó là do sự nỗ lực phấn đấu, phát huy thành tựu những năm trước, khắc phục khó khăn, chủ động trong công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh của ngành Công Thương, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các địa phương khu vực phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của ngành Công Thương. Trên cơ sở đó, để hoàn thành mục tiêu năm 2022 các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tập trung thực hiện các giải pháp, như: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới./.

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực