Tiếp tục rà soát, phân bổ vốn, quản lý tốt đầu tư công

Thứ sáu, 30/08/2019 19:28
(ĐCSVN) – Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 30/8, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh lưu ý: Bộ cần tiếp tục rà soát, phân bổ vốn, quản lý tốt đầu tư công; khắc phục hiện tượng dàn trải, lãng phí; giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó có nguồn lực đầu tư công nói chung.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: HNV)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, với trách nhiệm là đơn vị được giao xây dựng các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã nhận được sự tin tưởng của đại biểu Quốc hội nói riêng và của nhân dân nói chung. Bộ cũng đã phát huy khá hiệu quả vai trò tổ chức thực hiện các văn bản Luật, nhất là các Luật có liên quan tới ngành, lĩnh vực Bộ phụ trách…

Bộ tích cực đóng góp vào Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

“Những năm qua, Bộ đã góp phần quan trọng vào phát triển chung của đất nước, tham mưu chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là vốn FDI thế hệ mới, thu hút công nghệ tiên tiến, giảm thiểu khai thác tài nguyên thô, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với ngành công thương tổ chức nhiều diễn đàn doanh nghiệp trên thế giới, trong khu vực, các vùng địa phương, các hội nghị xúc tiến đầu tư hỗ trợ các địa phương…” – Phó Chủ tịch nói.

Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, Bộ cần tiếp tục rà soát, phân bổ vốn, quản lý tốt đầu tư công, khắc phục hiện tượng dàn trải lãng phí; giám sát đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trong đó có nguồn lực đầu tư công nói chung. Bộ phải điều phối chương trình kế hoạch các địa phương đảm bảo khách quan, hợp lý, công bằng; tiếp tục thực hiện các thể chế, văn bản xung quanh các nội dung đấu thầu, quy hoạch, các dự án lớn đồng thời chú trọng hơn tới mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; chú ý tới chiến lược quốc gia đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp 4.0…

Đặc biệt, với vai trò chủ trì Tiểu ban văn kiện lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới đây, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao 7 công việc quan trọng, hy vọng Bộ "tiếp tục phát huy hiệu quả, hiệu suất công việc, tham mưu, kiến nghị cho Đảng nhiều chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thời đại mới và phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam" - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu, Bộ cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong vai trò tham mưu trưởng của nền kinh tế, nhanh chóng khắc phục một số hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho Bộ.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khối lượng công việc của Bộ KH&ĐT là rất lớn. Đơn cử chỉ năm 2018, trong tổng số 85 nhiệm vụ giao các bộ, ngành, Bộ được giao 65 nhiệm vụ liên quan. “Chúng tôi luôn xác định tinh thần là cơ quan tham mưu quan trọng chất lượng nhất, làm thế nào để vạch khung khổ thể chế cạnh tranh nhất đáp ứng yêu cầu tốt nhất, thúc đẩy kinh tế chung” – Bộ trưởng khẳng định.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập giúp việc cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị, phục vụ nhiều hoạt động, công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập, xây dựng Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Tổ Biên tập, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Bộ Chính trị và Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho ý kiến. Trong 8 tháng đầu năm, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai hiệu quả Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban và Tổ Biên tập, tổ chức thành công 04 Hội nghị của Tiểu ban làm việc với các địa phương tại miền Bắc, Miền Trung - Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Thái Nguyên; Hội nghị xin ý kiến của nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: HNV)

Chuyển biến tích cực của Bộ trong 8 tháng 2019

Báo cáo chung về hoạt động của Bộ 8 tháng qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung thông tin, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội cơ bản diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực đều có bước tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung cũng như Bộ KH&ĐT nói riêng.

Trong đó, Bộ đã coi công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu, huy động và tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ tập thể, quyết tâm đổi mới, cải cách, dám nghĩ, dám làm, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội nhiều bộ Luật quan trọng, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư.

Bộ hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tháng, hằng quý, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, kịp thời báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và tham mưu những giải pháp, chính sách cụ thể, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025....

Đáng chú ý, liên tục trong 3 năm qua, Bộ đã chuyển đổi mạnh phương thức làm kế hoạch từ chỗ các bộ, ngành, địa phương đến làm việc tại trụ sở Bộ sang tổ chức làm việc theo vùng. Qua đó, đã tiết kiệm đáng kể chi phí về mặt nguồn lực cũng như thời gian cho các bộ, ngành, địa phương nhưng đồng thời tăng cường công tác phối hợp, tạo ra sự hiểu biết, trao đổi, chia sẻ, thống nhất, liên kết lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch.

Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Hệ thống văn bản pháp quy về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục được hoàn thiện. Những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp đã khuyến khích tinh thần khởi sự kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm, đạt hơn 90.000 doanh nghiệp.

Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều được tin học hoá, có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình cũng như tình trạng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên mạng. Hơn 70% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên cả nước đã được đăng ký qua mạng điện tử. Thời gian đăng ký doanh nghiệp hiện nay giảm xuống chỉ còn trung bình 2,18 ngày. Với những nỗ lực trên, lĩnh vực Gia nhập thị trường 14 năm liền đứng đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp .

Bộ cũng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động cần phối hợp với các đối tác phát triển để triển khai trong bối cảnh phát triển mới khi Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn ODA; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác song phương và đa phương để tranh thủ nguồn vốn ODA còn lại cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2019, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước, nhân danh Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết 49 Hiệp định vay với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 7,32 tỷ USD. Dự kiến kế hoạch năm 2020, Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước ký kết 07 Hiệp định với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 770 triệu USD. Đồng thời, Bộ đang nghiên cứu các giải pháp để tham mưu cho Chính phủ nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục đối với công tác đàm phán, ký kết, phê chuẩn các Hiệp định nhân danh Nhà nước theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, đảm bảo hài hòa thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.

Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, Bộ đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ; tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, 8 tháng qua, ngành thống kê đã triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng bao gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019; đánh giá lại tổng nguồn lực quốc gia; đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế theo hướng phản ánh đúng và đủ.

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh tới nội dung công tác chuyển đổi tư duy về chính sách, trong đó tập trung cho ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở cải cách mạnh mẽ vi mô, ngành kế hoạch và đầu tư luôn đi đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng quan điểm này, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Trần Hồng Quang đề cập thêm tới vai trò tổng hợp tham mưu chính sách của đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước phục vụ phát triển quốc gia, đáp ứng nhiệm vụ nghiêm ngặt là nâng tầm khu vực và quốc tế trong công tác xây dựng kế hoạch và quy hoạch phát triển...

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực