Tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ sáu, 11/09/2020 15:17
(ĐCSVN) – Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là quá trình không có điểm kết thúc, do vậy, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục tập trung để triển khai các nội dung của Chương trình...

Thanh Oai (Hà Nội): Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao

Xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước

Khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Giải quyết tốt nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới

leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị.

Sáng 11/9, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức hội nghị giao ban quý III/2020. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU chủ trì hội nghị.

Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân đã đạt những kết quả nổi bật. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6/2020 là 56.512,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách thành phố 20.911 tỷ đồng, ngân sách huyện là trên 29.275 tỷ đồng; ngân sách xã gần 1.456 tỷ đồng.

Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là trên 4.812 tỷ đồng, trong đó đóng góp nhân dân bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng là gần 1.977 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là trên 2.037 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là gần 800 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố Hà Nội đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân… Riêng năm 2020, Thành phố đã huy động được gần 11.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 11.215 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 581 tỷ đồng. Thành phố đã bố trí 250 tỷ đồng ủy thác cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao kết quả người dân.

Thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, 355 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 92,9% số xã), 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm, còn 0,69%; sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến để thực hiện 3 nội dung trong thời gian tới: Công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) dự kiến diễn ra cuối tháng 9/2020; kết quả triển khai xây dựng “Đề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô” và kết quả triển khai xây dựng “Đề án nghiên cứu khoa học xây dựng nội dung chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân, cụ thể hoá triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội”.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, về tiến độ triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2020-2025, thực hiện nhiệm vụ được giao, Học viện đã xây dựng kế hoạch, tập trung vào phân tích thực trạng, xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, thể chế và chính sách… cho nông nghiệp và nông thôn Thủ đô. Đề tài cũng xây dựng khung phân tích cho đề án của Chương trình 02 theo hướng xanh, an toàn và bền vững... nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 Hà Nội có 40% số xã đạt NTM nâng cao và 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu hoàn thiện xây dựng Đề án vào tháng 12/2020 để làm tiền đề triển khai Chương trình 02 của nhiệm kỳ mới ngay từ năm 2021. Đồng thời, Học viện xây dựng khung cho đề án Chương trình số 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới Hà Nội theo hướng xanh, an toàn và bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng 2026-2030, tầm nhìn 2050.

Đề cập đến tiến độ triển khai Đề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) và xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Mục tiêu đề án hướng tới phát triển nông thôn Thủ đô bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, có kinh tế - xã hội phát triển, khoa học công nghệ 4.0 được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng làng quê được giữ gìn và phát huy, an ninh trật tự được bảo đảm, quản trị nông thôn từng bước được nâng cao…Để thực hiện Đề án đúng tiến độ, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị thành phố phê duyệt kế hoạch lập đề án và bố trí kinh phí thực hiện. Đồng thời 2 huyện Đan Phương và Thường Tín chỉ đạo 2 xã điểm phối hợp trong quá trình thực hiện.

Đối với Hội thảo liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức vào cuối tháng 9/2020. Nội dung hội thảo tập trung đánh giá thực trạng; trưng bày, giới thiệu thành tựu nghiên cứu khoa học, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong triển khai những nội dung của Chương trình 02, nhờ đó cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại hội nghị giao ban 6 tháng đến nay đã được triển khai đạt kết quả tốt mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu một số định hướng lớn trong công tác nghiên cứu và triển khai các đề tài, đề án, trong đó, phải xác định nông nghiệp, nông thôn Thủ đô có tính đặc thù, có giá trị cao và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai…

Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, thực hiện các nội dung: Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân và hoàn thành mục tiêu có 1.000 sản phẩm OCOP. Cụ thể, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,12%; có thêm ít nhất 4 huyện đạt chuẩn NTM để đến cuối năm 2020 có ít nhất 10 huyện đạt chuẩn NTM; 13 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 368/382 xã (chiếm 96,6%) và 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 23 xã.

“Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, cần bám sát các tiêu chí từ xã lên phường, từ huyện lên quận để tiệm cận với tiêu chí đô thị. Đặc biệt, chú trọng các vấn đề về môi trường nông thôn, nhất là phân loại, thu gom, xử lý rác thải; mục tiêu cuối cùng là nhân dân khu vực nông thôn được thụ hưởng, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao” – đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ.

Đối với đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2020-2025, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội đồng chủ trì với Học viện Nông nghiệp triển khai thực hiện. Đề tài nghiên cứu trên cơ sở định hướng quy hoạch Thủ đô, một số huyện sẽ phát triển thành quận, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây đặc sản có giá trị cao; xây dựng NTM nâng cao, tiệm cận với tiêu chí đô thị. Đề tài là bộ khung để Thành ủy Hà Nội triển khai Chương trình 02 giai đoạn 2020-2025.

"Chương trình số 02-CTr/TU vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng đòi hỏi cao hơn. Hà Nội hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở 100% xã, huyện; 40% xã NTM nâng cao; 20% xã NTM kiểu mẫu; 5 huyện phát triển thành quận", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh xây dựng NTM là quá trình không có điểm kết thúc, do vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan, thỏa mãn mà cần tiếp tục tập trung để triển khai các nội dung của Chương trình, tạo tiền đề cho giai đoạn tới phải nâng cao một bước cả về số lượng và chất lượng…/.

Tin, ảnh: Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực