TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Thứ ba, 08/02/2022 19:03
(ĐCSVN) - Theo Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021, ngành nông nghiệp của Thành phố này đã tập trung thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020 - 2030.
Trồng rau trong nhà lưới ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Sở NN và PTNT TPHCM) 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nên giá trị sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản giảm mạnh, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả, GRDP nông lâm thủy sản ước đạt 8.086 tỷ đồng, giảm 13,68% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,06%), giá trị sản xuất ước đạt 18.674,7 tỷ đồng (giảm 13,71% so cùng kỳ, cùng kỳ tăng 1,68%). Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp ước đạt 498 triệu đồng/ha (giảm 9,7% so cùng kỳ). Năng suất lao động ước đạt 138,2 triệu đồng/người/năm (giảm 8,5% so cùng kỳ). Giá trị sản xuất các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, hoa cây cảnh, bò sữa, lợn, tôm nước lợ, cá cảnh - sản phẩm tiềm năng) đạt 12.444,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,6% so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Hiện toàn Thành phố có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 54% tổng diện tích tự nhiên; khoảng 50.000 người lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ năm 2020 về trước, tăng trưởng bình quân của ngành đạt 5,5%, góp phần thúc đẩy cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế sản xuất đã phát sinh nhiều vướng mắc khiến ngành chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Được biết, thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề luôn được TP Hồ Chí Minh quan tâm đầu tư, phát triển. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nhiều hình thức tổ chức liên kết sản xuất được hình thành hoạt động ngày càng hiệu quả đã góp phần đưa ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ tăng bình quân 5,5%/năm. Việc chuyển đổi đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thu nhập và đời sống của người nông dân, góp phần tham gia phát triển nông nghiệp Thành phố trở thành nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Hiện nay, cơ bản các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đều có thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, nông dân Thành phố tích cực tham gia các phong trào thi đua, học tập nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp nhu cầu của thị trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố cũng đã góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân nông thôn, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi. Hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng bộ. 100% hộ dân tại các huyện, quận được tiếp cận và sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia... Để phát triển nông nghiệp, Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, trong đó có các chương trình vay vốn ưu đãi. Qua công tác tuyên truyền các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo chủ động vay vốn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, tạo động lực hỗ trợ các hộ xóa đói giảm nghèo, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển của Thành phố, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi chất lượng tốt, sản lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Thành phố, Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện để rà soát, nắm bắt nhu cầu đào tạo nghề của người dân cũng như nhu cầu đào tạo, tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhờ làm tốt công tác phối hợp trong tập huấn, tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, người dân đã dần nhận thức được vai trò của việc học nghề là nhằm nâng cao thu nhập, có việc làm ổn định. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang phát triển những mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Năm 2022, chủ đề của ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, cải thiện môi trường đầu tư nhằm hỗ trợ hiệu quả các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, với mục tiêu: thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực. Phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn Thành phố, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh. Triển khai thực hiện hiệu qủa chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, triển khai các giải pháp trọng tâm: thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng, thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Phát triển khoa học công nghệ - ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân cùng góp phần xây dựng đô thị thông minh của Thành phố; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống của Thành phố. Phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025./..

K.V(t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực