TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp khai thông hàng hóa

Thứ sáu, 23/07/2021 21:21
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều chợ trên địa bàn phải dừng hoạt động, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hoá, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
leftcenterrightdel

Hàng hóa siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đầy đủ, giá cả hợp lý. (Ảnh minh họa: PV)

Đến nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động và có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động (3 chợ đầu mối và 202 chợ truyền thống). Để giảm quá tải tại các siêu thị, mới đây Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đã kết hợp với Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ xây dựng Bảo Yến mở các điểm bán hàng lưu động trên xe buýt để phục vụ người dân thành phố. Đây là mô hình mới thích nghi với tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Trong ngày thí điểm đầu tiên khá thuận lợi, Công ty cung cấp được khoảng 700-800 kg hàng. Tiếp đó, Công ty quyết định triển khai 5 xe buýt với 10 điểm bán, dự kiến tăng cường cung cấp 2 tấn hàng/ngày, trong đó, đa phần là rau xanh, gạo, trứng…  Để minh bạch giá, bên ngoài các phương tiện xe buýt này có những tấm biển ghi rõ là hàng hóa bình ổn, ghi từng loại hàng, giá cả rõ ràng để người dân chọn lựa. Công ty bán hàng với mục tiêu hỗ trợ nên giá khá thấp và hầu như không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. 

Cùng với đó, trong những ngày cách ly theo Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức với tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại và 120.700 quả trứng. Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện. Viettel Post tổ chức 340 điểm bán với lượng hàng hóa là 256 tấn; VN Post tổ chức 198 điểm bán với 198 lượt xe, lượng hàng hóa là 50 tấn và 10.000 quả trứng.

Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, hiện đã có 3 chợ đầu mối cùng hơn 2/3 chợ truyền thống trên địa bàn TP tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Việc cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân TP do đó đã chuyển sang tập trung vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… làm gia tăng áp lực cung ứng cho những kênh này và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch.

Trước tình hình trên, TP đã có chủ trương giao Sở Công Thương TP xem xét thực hiện mở cửa một số chợ truyền thống an toàn, thí điểm cho mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… trên địa bàn nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hoá, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối với các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động thì chỉ được mở trong điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch; có biện pháp kiểm soát hướng dẫn lưu lượng, mật độ tiểu thương bán hàng, mật độ người đi chợ đảm bảo 5K. Các chợ tổ chức mua bán tránh tiếp xúc tối đa giữa tiểu thương và người mua, khuyến khích bán hàng đồng giá; chia tần suất đi chợ 2-3 ngày/lần cho mỗi gia đình và phát 10 hoặc 15 thẻ đi chợ trong 30 ngày.

TP cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm có cơ chế mở hoạt động trở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để bảo đảm chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy việc lưu thông hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Cùng với đó, để thuận tiện cho hàng hóa lưu thông vào TP, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn hướng dẫn cho phép phương tiện chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện. Đây là biện pháp kịp thời để khai thông hàng hóa từ các tỉnh lân cận vào cung cấp kịp thời cho TP./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực