TP Tân An (Long An): Nâng tầm nông sản qua Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Thứ bảy, 10/07/2021 09:11
(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), TP Tân An, tỉnh Long An đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên địa bàn, giúp nâng tầm giá trị của hàng hóa nông sản.
Thu hoạch thanh long ở TP Tân An. (Ảnh: Hồng Hải) 

Có thể khẳng định, khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm thì mức thu nhập của người dân sẽ tăng lên; bà con nhân dân sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó sẽ có thu nhập ổn định.

Theo đó, TP Tân An có 3 sản phẩm là bưởi, thanh long và rau an toàn được chọn thí điểm thực hiện “Mỗi xã, phường sản phẩm ứng dụng công nghệ cao”. Tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện nhưng mỗi xã, phường của Thành phố đều đang có những cách làm phù hợp nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Trương Văn Phích, người dân phường 7, TP Tân An, qua công tác tuyên truyền và định hướng của các ngành chức năng Thành phố và phường, gia đình ông đã quyết định đầu tư trồng rau thủy canh với diện tích 2.000 mét vuông. Từ việc đưa các kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm rau màu của gia đình ông đã tăng năng suất, cùng với đó là chất lượng đã vượt trội so với trước đây. Qua đó, nhiều đơn vị đến thu mua, lợi nhuận bước đầu cao hơn so với trước khá nhiều.

Tại xã Bình Tâm, cây thanh long được đưa vào chương trình OCOP trong giai đoạn 2019-2020 với diện tích là trên 93 ha, tổng sản lượng hàng năm trên 1.000 tấn. Xã Bình Tâm đã chú trọng đến quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, chứng nhận VietGAP cho trên 15 ha.

Thực hiện chương trình OCOP, phường Tân Khánh, TP Tân An đã lựa chọn bưởi da xanh là cây trồng thế mạnh để tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Từ đó, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển trồng bưởi theo hướng hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc. Phường cũng đã thành lập được Tổ hợp tác Trồng bưởi công nghệ cao với 12 thành viên, diện tích 8 ha. Đây cũng là tổ hợp tác trồng bưởi đầu tiên của tỉnh Long An. Được biết, bưởi da xanh luôn có giá cao, bình quân, nông dân có thể thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha.

Đây cũng là các loại cây trồng giúp cho nông dân các xã giải quyết được bài toán khó trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Điều người dân và các doanh nghiệp, hợp tác mong mỏi, khi triển khai chương trình OCOP, các sản phẩm sẽ được bảo hộ, cùng với đó là xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm đi từ người sản xuất đến nơi tiêu thụ, với sự liên kết mật thiết giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) để nâng cao hơn nữa giá trị các loại cây trồng của địa phương.

Mô hình trồng rau thủy canh ở TP Tân An cho thu nhập cao. (Ảnh: Thanh Hiếu) 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, TP Tân An đã khuyến khích người dân sản xuất sản phẩm trái cây, rau màu sạch, an toàn theo hướng VietGAP. Người sản xuất phải không ngừng học hỏi để có kinh nghiệm phòng, chống bệnh cho cây trồng. Hội Nông dân, ngành nông nghiệp của Thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; đồng thời, tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành phố lân cận như TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,… từ đó phát huy thế mạnh của sản phẩm. Ngoài ra, cũng tham mưu cấp trên những định hướng phù hợp, chiến lược để hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất.

Thời gian qua, TP Tân An đã áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nên ngành nông nghiệp bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và an toàn sinh học. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn với bình quân thu nhập đầu người tăng qua mỗi năm, tạo tiền đề quan trọng để thành phố triển khai thực hiện chương trình OCOP.

Để Chương trình OCOP ở TP Tân An phát huy hiệu quả hơn nữa, ngành nông nghiệp Thành phố đang cùng các ngành liên quan, các cấp chính quyền xây dựng lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn; quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm địa phương theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới.

Chương trình OCOP ở TP Tân An không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố./..

B.Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực