Triển khai chương trình đầu tiên dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ năm, 23/09/2021 16:48
(ĐCSVN) – Chương trình đầu tiên dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tích hợp của nhiều chính sách liên quan đến công tác dân tộc đã và đang triển khai, được thực hiện song song cùng 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đồng thời có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng.

Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Đề án) tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

 Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo tới dân tộc thiểu số (Ảnh: chinhphu.vn)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 để triển khai thực hiện Đề án; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 và nhiều văn bản để triển khai thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa có được Quyết định đầu tư Chương trình và vẫn còn 03 văn bản quan trọng làm cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình gồm 02 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chưa được ban hành.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình đầu tiên dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tích hợp của nhiều chính sách liên quan đến công tác dân tộc đã và đang triển khai, được thực hiện song song cùng 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và có ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng.

Theo đó, đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu thực hiện theo đúng Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, trong đó vốn đầu tư là 50.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 54.954 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, thực hiện theo đúng Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và cơ quan liên quan đề xuất cụ thể phương án huy động, bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện Chương trình, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, hoàn thành trong quý IV/2021.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục rà soát, quyết định các đơn giá, định mức theo đúng quy định của pháp luật để làm căn cứ triển khai thực hiện Chương trình, hoàn thành trong tháng 10/2021.

Về các dự án sử dụng nguồn vốn ODA để xây dựng cầu dân sinh và đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn, thực hiện theo đúng chủ trương đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Về đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ cho 03 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Thường trực giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét tổng thể các địa phương cần hỗ trợ trên cả nước trong quá trình xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, đề xuất phương án hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương liên quan làm rõ nguyên tắc, tiêu chí xác định các nội dung chi và nguồn vốn thực hiện theo quy định hiện hành đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau của các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai, các bộ, ngành và địa phương liên quan có trách nhiệm rà soát kỹ để tổ chức thực hiện bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với các Chương trình, dự án, Đề án khác và nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.

Ủy ban Dân tộc tiếp thu ý kiến, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông,… để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; hoàn thành trước ngày 27/9/2021./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực