Ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Thứ tư, 26/01/2022 13:38
(ĐCSVN) –Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Giải pháp ưu việt này đã góp phần đưa kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Đó là nhận định của ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những kết quả hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng (Ảnh: PV) 

Phóng viên (PV): Trong năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia song quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trưởng. Vậy xin ông có thể điểm qua một số kết quả nổi bật trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ?

Tham tán Bùi Trung Thướng: Có thể nói, trong năm vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới điêu đứng, trao đổi thương mại giữa các quốc gia bị hạn chế. Mặc dù vậy, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục đà tăng trưởng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 12,08 tỷ USD tăng 37,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,715 tỷ USD, tăng 20 % và nhập khẩu từ Ấn Độ 6,369 tỷ USD tăng 58,6%. Dự kiến kim ngạch thương mại hai nước cả năm 2021 lần đầu tiên đạt trên 13 tỷ USD.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong 11 tháng (từ tháng 1 đến hết tháng 11/2021), có rất nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng như chất dẻo nguyên liệu tăng 263,1%; hóa chất tăng 166,4%; cao su tăng 148,5%; than đá tăng 128,1%.

Xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Ấn Độ; Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng vị trị thứ hai đạt 750 triệu USD giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn vẫn duy trì được tốt độ tăng trưởng cao như xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 600 triệu USD tăng 60,4% so với 11 tháng của năm 2020; xuất khẩu sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép và kim loại thường khác đạt 586,7 triệu USD tăng gần 40% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng dệt may, sơ xợi dệt các loại, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre cói thảm cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Về nhập khẩu, có 26 trong tổng số 31 nhóm ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với năm 2020. Nhập khẩu sắt thép các loại từ Ấn Độ có kim ngạch lớn nhất đạt 1,28 tỷ USD tăng 21,3 % so với cùng kỳ năm trước, riêng mặt hàng này chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ; nhập khẩu Ngô, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng trưởng đột biến so với các năm trước, giá trị nhập khẩu hai nhóm ngành hàng này đạt 550 triệu USD, chiếm gần 10% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng khác có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh như kim loại thường tăng 275%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 173%; nhập khẩu quặng và khoáng sản tăng 124%; nhập khẩu bông và giấy các loại đều tăng 124%.

PV: Được biết, trong hai năm trở lại đây, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ bị hạn chế do dịch COVID-19, cơ quan Thương vụ đã có những giải pháp gì để tiếp tục làm cầu nối giúp doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy trao đổi kinh tế - thương mại song phương, thưa ông?

Tham tán Bùi Trung Thướng: Xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ chính của hệ thống cơ quan Thương vụ ở nước ngoài bên cạnh công tác nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đoàn và thực hiện chức năng theo luật cơ quan đại diện. Qua công tác xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ biết được, nắm được thông tin thị trường, nhu cầu, yêu cầu, cơ hội kinh doanh từ đó thúc đẩy giao thương.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch COVID-19 đã làm cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức truyền thống, gặp mặt, trao đổi trực tiếp. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ được tổ chức tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam sang Ấn Độ vào tháng 12/2021 là hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư lớn nhất được thực hiện trong 2 năm qua với sự hiện diện của hơn 300 doanh nghiệp tham dự trực tiếp và hơn 500 doanh nghiệp tham dự trực tuyến, đồng thời, được phát trực tiếp trên các ứng dụng trực tuyến như CIIhive, Youtube, Facebook…

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Ấn Độ vào tháng 1/2020 (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ) 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngay từ tháng 4/2020, Thương vụ Ấn Độ là một trong những thương vụ đầu tiên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến sử dụng phần mềm Zoom meeting về các lĩnh vực tiềm năng hợp tác giữa hai nước: dược phẩm, nông sản, dệt may, xây dựng, công nghệ thông tin, đồng thời tiến hành các hoạt động kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước.

Đến cuối tháng 12/2020, khi tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ được kiểm soát, Thương vụ bắt đầu tổ chức hoạt động kết nối giao thương kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp tại các điểm cầu ở Việt Nam và Ấn Độ.

Sau các chương trình của Thương vụ Ấn Độ, mô hình này đã được nhân rộng và đến nay hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến đã mang lại nhiều kết quả tích cực hơn.

Sau khi Ấn Độ kiểm soát được làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế được hoạt động trở lại, từ tháng 7/2021, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Đại sứ quán, Thương vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các đoàn công tác đi công tác tại các bang, trung tâm thương mại, công nghiệp của Ấn Độ để trao đổi tìm hiểu thông tin, đồng thời kết nối với phía Việt Nam thông qua trực tuyến.

Thương vụ cũng thực hiện kết nối trực tiếp các doanh nghiệp hai bên có nhu cầu về các mặt hàng cụ thể; đồng thời xây dựng các nhóm làm việc trên các ứng dụng WhatsApp, Viber, Zalo để hỗ trợ, trao đổi và cung cấp thông tin; đồng thời tham gia tổ chức các gian hàng trực tuyến để giới thiệu các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam tại các hôi chợ, triển lãm trực tuyến do các đơn vị của Ấn Độ tổ chức như các mặt hàng dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin.

Trong 2 năm qua, Thương vụ Ấn Độ tổ chức, tham gia, phối hợp trên 100 cuộc xúc tiến thương mại tực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tuyến với các phạm vi, lĩnh vực phong phú đa dạng, đã góp phần nhất định trong việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước và đạt kết quả ấn tượng như tôi đã trao đổi ở trên.

Điểm nhấn trong năm 2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ là đơn vị đầu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mua thuốc điều trị Covid 19 từ Ấn Độ như Remdesivir, Molnupiravir, ngay trong thời điểm thuốc này còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và đến nay đã chứng minh được hiệu quả của thuốc này đối với khả năng tiêu diệt vi-rút. … góp phần vào công tác phòng chống đại dịch của đất nước đạt kết quả cao.

PV: Ấn Độ là một thị trường lớn, tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, vậy theo ông, để chiếm lĩnh cũng như giữ được vị thế tại thị trường này, các doanh nghiệp của Việt Nam phải chú trọng đến những vấn đề gì? 

Tham tán Bùi Trung Thướng: Đây là một câu hỏi khá rộng và khó. Tuy nhiên để chiếm lĩnh và giữ được vị thế tại một thị trường nước ngoài thì nhất thiết phải có chiến lược lâu dài với thị trường đó. Có nghĩa là phải đầu tư, xác định làm ăn lâu dài, không chụp giật, không ăn xổi ở thì.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển thị trường; không vì lợi nhuận trước mắt mà giảm giá, hoặc chấp nhận các điều kiện thanh toán nhiều rủi ro hoặc thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần hiểu thị trường Ấn Độ, văn hóa kinh doanh tại Ấn Độ, hệ thống phân phối, hệ thống ngân hàng, luật pháp Ấn Độ. Nhìn chung, Ấn Độ là thị trường rộng lớn, nhu cầu hàng hóa đa dạng, mỗi tầng lớp trong xã hội hoặc vùng miền có nhu cầu và thị hiếu khác nhau; là thị trường không khó tính như các thị trường phương Tây nhưng thủ tục khá phức tạp, yêu cầu sự kiên trì, kiên nhẫn. Doanh nhân Ấn Độ là những người kinh doanh giỏi, hiểu biết pháp luật quốc tế, khả năng giao tiếp và đàm phán bằng tiếng Anh tốt, thậm chí hay sử dụng tiếng Anh cổ đa nghĩa, do vậy doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng và nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán. Luật pháp và các quy định của Ấn Độ tương đối phức tạp. Một trong những bài học thành công trong kinh doanh tại Ấn Độ là cần có người bản địa để hỗ trợ.

PV: Hợp tác kinh tế - thương mại được coi là một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Vậy theo ông, hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay?

Tham tán Bùi Trung Thướng: Theo tôi, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ, trước hết về phía Chính phủ hai nước cần: tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa, không vì dịch bệnh mà tạo ra các khó khăn, rào cản cho lưu chuyển hàng hóa nội địa và tại các cảng quốc tế; hạn chế tạo ra các rào cản không cần thiết, gây khó khăn cho xuất nhập khẩu hai nước, tuân thủ quy định tại hiệp định thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN; tạo điều kiện mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản hai nước; tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước như dược phẩm, công nghệ thông tin, dệt may, chế biến nông sản.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thương vụ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại Việt Nam - Ấn Độ (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ)

Đối với Hiệp hội ngành hàng, Phòng thương mại, Công nghiệp và cơ quan xúc tiến thương mại cần tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cả trực tiếp và trực tuyến; thành lập những nhóm làm việc theo từng ngành hàng để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, giải đáp thông tin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại.

Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm đối tác, tham dự các chương trình xúc tiến thương mại do cơ quan nhà nước hoặc hiệp hội ngành hàng tổ chức. Riêng với doanh nghiệp Việt Nam, cần tăng cường sự hiện diện pháp nhân tại Ấn Độ.

PV: Năm 2022 là dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, vậy thưa ông cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ sẽ xây dựng triển khai các hoạt động thiết thực gì để chào mừng sự kiện ý nghĩa trên?

Tham tán Bùi Trung Thướng: Để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, chúng tôi đang lập kế hoạch phối hợp với các Cơ quan xúc tiến thương mại, Hiệp hội ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tổ chức 50 chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hàng hóa – sản phẩm.

Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ thanh long tại Ấn Độ nhằm giải quyết đầu ra cho nông dân trồng thanh long Việt Nam và khai thác tiềm năng tại thị trường Ấn Độ, Thương vụ dự kiến phối hợp với các chuyên gia, trường Đại học, văn phòng luật sư tổ chức 50 buổi đào tạo chuyên đề về cách thức tiếp cận thị trường Ấn Độ nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin về thị trường Ấn Độ, các lĩnh vực quan trọng qua hình thức trực tuyến, mỗi tuần 1 chủ đề.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang có kế hoạch xây dựng cẩm nang thông tin thị trường giới thiệu về tất cả các ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Ấn Độ và cơ hội hợp tác kinh doanh với Việt Nam. Hiện chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng trang thông tin thị trường, website giới thiệu về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ. Đồng thời Thương vụ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng xã hội để thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực