VEPR: Kinh tế Việt Nam 2020 dự báo tăng trưởng 5,3%

Thứ tư, 17/06/2020 19:22
(ĐCSVN) – Do tác động của dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của COVID–19 sẽ rơi vào quý II. Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020.

 

Hình ảnh tại  Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 (Ảnh:M.P)

Đó là thông tin do PGS.TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tại buổi Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 do VEPR và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam phối hợp tổ chức.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020 được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam cùng kinh tế thế giới trong những tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài.

Trên cơ sở đó, hệ thống thuế của Việt Nam có thể bị bào mòn nhanh chóng dưới áp lực cạnh tranh quốc tế. Vì thế, Báo cáo năm nay với tựa đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển” tập trung nhận định, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam.

Báo cáo năm nay đi sâu vào phân tích và đánh giá hệ thống thuế tại Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới, từ đó chỉ ra các cơ hội, thách thức của hệ thống tài khóa trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Về tổng quan kinh tế Việt Nam 2019 tại báo cáo, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 chứng khiến không ít những thành tựu, tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra. Theo đó, tăng trưởng GDP đạt 7,02%, vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng là hai khu vực công nghiệp và xây dựng (50,4%) và khu vực dịch vụ (45%).

Kết thúc năm, cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,9 tỷ USD, gấp gần 2 lần mức thặng dư của năm 2018. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong khi Trung Quốc dẫn đầu thị trường nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 8,1% và 6,3% so với năm 2018.

Thâm hụt ngân sách và nợ công cũng có sự cải thiện nhất định. Mức thâm hụt ngân sách của năm 2019 ước tính vào khoảng 209,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, thấp hơn so với mức dự toán đã được Quốc hội phê duyệt hồi đầu năm (3,6%). Thị trường tiền tệ, vốn và tỷ giá đều có sự ổn định và nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Thành, những thành công kể trên đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu hay việc làm ngày càng phụ thuộc vào khu vực, thậm chí là một vài doanh nghiệp FDI.

Khối doanh nghiệp tư nhân còn dưới mức tiềm năng và phải chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước. Không gian chính sách cho chính sách tiền tệ dần bị thu hẹp bởi sức ép lạm phát gia tăng cũng như bởi những cam kết đối với tỷ giá.

Trước những  vấn đề trên, đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khắc phục thiếu sót trong nước.

Bên cạnh đó, ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn.

Đề cập đến, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn, ông Thành nhận định, điều này phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng Tư và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng Sáu, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối của năm.

Tuy nhiên, đại diện nhóm nghiên cứu VEPR cho rằng các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của COVID–19 sẽ rơi vào quý II. Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020. Với các kịch bản trung tính và bi quan, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III, thậm chí là quý IV năm 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam có được lợi thế rất lớn so với nhiều quốc gia khác là đã kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Tuy vậy, việc hồi phục tăng trưởng kinh tế không phải là điều dễ dàng khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

Hiện tại, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt, điều cần thiết nhất mà Việt Nam nên làm là sắp xếp lại cấu trúc của nền kinh tế nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng để tạo nền tảng bền vững cho tăng trưởng dài hạn.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực