Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, y tế

Thứ ba, 05/07/2022 19:04
(ĐCSVN) – Gần 200 doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đã tham dự Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế diễn ra ngày 5/7 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh liên kết hợp tác, hướng đến phát triển bền vững mối quan hệ thương mại...
Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM Trần Ngọc Liêm (Ảnh: Đình Đại)

Ngày 5/7, tại TP Hồ Chí Minh, Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh  phối hợp với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh, ngành dược Ấn Độ đã và đang là công xưởng về thuốc của thế giới, do đó, có nhiều cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong lĩnh vực dược phẩm và y tế.

Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh liên kết hợp tác đa dạng nhóm ngành khác trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực dược phẩm và y tế như chăm sóc sức khỏe, du lịch y tế... để hướng đến phát triển bền vững mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp và hai nước.

Hiện nay, Ấn Độ đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 về giá trị trong ngành này. Những công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Australia... và doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, nhất là sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.

Còn thống kê, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam hiện đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân với giá trị tiêu thụ thuốc bình quân đầu người khoảng 64 USD/năm. Đồng thời, thị trường ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và trở thành điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM Trần Ngọc Liêm cho biết: trong suốt những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam - Ấn Độ luôn được hai nước quan tâm và củng cố không ngừng trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, giai đoạn hậu COVID-19 là giai đoạn “vàng” để Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu, sản xuất trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, da giày và dược phẩm …

Ấn Độ đang đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 về giá trị. Những công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Australia,... Ấn Độ hiện xếp thứ 3 trong số các nhà cung cấp mặt hàng này cho Việt Nam và là mặt hàng chủ lực của Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam năm 2021 với trị giá đạt trên 267 triệu USD Việt Nam mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt là sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.

Đại biểu hai nước Việt Nam và Ấn Độ tham dự Hội nghị (Ảnh: Đình Đại) 

Theo ông Trần Ngọc Liêm, hiện nay có khoảng 300 doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong đó có nhiều công ty dược phẩm lớn như Sun Pharma, Natco, Mylan… Tuy nhiên, chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiêp hai nước trong ngành dược phẩm. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực.

Ông Trần Ngọc Liêm cũng cho biết, gần đây, Việt Nam cũng đã sửa đổi các quy định để doanh nghiệp Ấn Độ được tự do tham gia các gói thầu cung cấp thuốc và dược phẩm cho các cơ sở y tế công lập với những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược, chính phủ Việt Nam đã có các ưu đãi đối với đầu tư sản xuất thuốc, vaccine, khuyến khích nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, sản xuất thuốc mới…

Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm và y tế, ngoài được cập nhật thông tin cơ chế chính sách, tiềm năng thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh... cộng đồng doanh nghiệp hai bên còn được hỗ trợ gặp gỡ, giao thương trực tiếp./.

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực