Vĩnh Long: Giá trị thu hoạch ngành thủy sản đạt trên 1,3 tỷ đồng/ha/năm

Thứ năm, 08/10/2020 15:03
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, sau 5 năm thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2016- 2020, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích nuôi thủy sản của tỉnh này đã tăng từ 994,47 triệu đồng/ha năm 2013 lên trên 1,3 tỷ đồng/ha năm 2019…
 Nuôi thả cá bè ở Long Hồ- Vĩnh Long. (Ảnh: K.V)

Như vậy, giá trị thu hoạch ngành thủy sản của Vĩnh Long đã tăng trên 312 triệu đồng/ha/năm. Theo đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản biến động không đáng kể (cao nhất là 2.386ha năm 2016; thấp nhất 2.233ha năm 2019), nhưng diện tích nuôi thủy sản lồng bè tăng mạnh, đến năm 2019 đạt 368.000 m3/lồng bè, gấp 2,76 lần thể tích nuôi năm 2013. Sản lượng nuôi trồng tăng từ 107.716 tấn năm 2016 lên 128.500 tấn năm 2020 (tăng 19%).

Có được kết quả trên là do Vĩnh Long đã tập trung phát triển các loại thủy sản chủ lực là cá tra và cá nuôi lồng bè, đồng thời phát triển đa dạng các đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá lóc, lươn đồng,...

Các mô hình liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản được thực hiện mạnh mẽ tạo thuận lợi cho ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm thủy sản.

Vĩnh Long cũng phát triển nuôi thâm canh các loài thủy sản ruộng muối có giá trị kinh tế cao như: cá bông lau, cá trê vàng, tôm càng xanh, cá ngát, cá chình… tại các huyện có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn như Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân. Tỉnh cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích người nuôi thủy sản áp dụng sản xuất theo mô hình nuôi tiên tiến để đảm bảo sản phẩm an toàn thực phẩm.

Tỉnh hỗ trợ người nuôi thủy sản tìm đầu ra cho sản phẩm, ký kết các hợp đồng bao tiêu với các đơn vị phân phối sản phẩm thủy sản như chợ đầu mối, hệ thống phân phối ở các trung tâm thương mại và siêu thị; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời, thực hiện ứng dụng quy trình nuôi tiên tiến.

Để giúp các hộ nuôi thả thủy sản, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ cơ sở nuôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh cấm trong sản xuất góp phần quyết định chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở nuôi làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định, đồng thời cam kết không sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa lũ, kịp thời thông báo người nuôi kiểm tra khâu neo đậu lồng, bè để chủ động phòng, tránh thiệt hại; Đồng thời, người nuôi cũng đã đa dạng hóa các đối tượng nuôi để tránh rủi ro trong tiêu thụ./..

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực