Xây dựng dữ liệu quốc gia về ngành nuôi chim yến

Thứ tư, 07/12/2022 21:55
(ĐCSVN) - Với việc được Bộ NN&PTNT giao xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sẽ giúp hình thành kênh giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua hệ thống cũng dễ dàng tiếp cận các thông tin, quy định mới,…

Đó là thông tin được ông Đỗ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết tại diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu” do Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức sáng 7/12 với điểm cầu chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

 Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: B.T)

Tại Diễn đàn, giới thiệu về công tác triển khai thực hiện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trên thế giới, TS. Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói, là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu trên thế giới.

Mục tiêu của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng, đồng thời, giúp chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Về thị trường Trung Quốc, TS. Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống sang thị trường này bao gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang.

“Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”, - TS. Phan Thị Thu Hiền cho hay.

Về vấn đề mã số vùng trồng, bà Huỳnh Kim Định, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay, tỉnh Vĩnh Long đã cấp 38 mã số vùng trồng. Sở NN&PTNT đã tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ tập huấn cho cán bộ địa phương, người dân thực hiện đúng những nội dung yêu cầu theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang xây dựng hướng dẫn cụ thể các bước xây dựng mã số vùng trồng để người dân làm căn cứ thực hiện. Do đó, bà Huỳnh Kim Định kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng để địa phương thuận lợi áp dụng, thực hiện hiệu quả.

Tại Diễn đàn, bà Trần Thị Thu Phương, đại diện Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã thông tin về hướng dẫn triển khai Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Theo bà Trần Thị Thu Phương, trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng nuôi chim yến, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về chăn nuôi, phù hợp với tập tính hoạt động của chim yến. Rà soát và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm và trên đàn chim yến tại địa phương; phối hợp với Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát tại các nhà yến thuộc chuỗi xuất khẩu. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, kết quả giám sát các bệnh cúm gia cầm, Newcastle tại địa phương,…

Ông Đỗ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Giống Vật nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, để hỗ trợ và phát triển ngành nuôi yến của Việt Nam, hướng đến việc đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chăn nuôi xây dựng dữ liệu quốc gia về số lượng nhà nuôi chim yến, sản lượng tổ yến sát với thực tế, có độ chính xác cao để phục vụ công tác quản lý, xuất khẩu; đồng thời chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan với Cục Thú y để cung cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hệ thống sẽ cập nhật dữ liệu liên tục, qua đó, hình thành kênh giao tiếp hai chiều giữa doanh nghiệp sản xuất và cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp thông qua hệ thống cũng dễ dàng tiếp cận các thông tin, quy định mới,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực