Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn

Thứ sáu, 20/11/2020 22:26
(ĐCSVN) - Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc xây dựng bộ tiêu chí cho đầu bếp Việt Nam với những tiêu chuẩn rõ ràng hơn trong kỹ thuật chế biến món ăn là rất cần thiết để phát triển ẩm thực Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hướng tới đưa Việt Nam trở thành "Bếp ăn thế giới".

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Đầu bếp Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn.

Tại hội thảo, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: Đối với Du lịch Việt Nam, có nhiều thứ hay nhưng một thứ hấp dẫn chưa được khai thác nhiều là ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã có dấu ấn, được nhiều báo chí thế giới ca ngợi. Vấn đề là phát triển như thế nào để truyền tải nhanh nhất giá trị của ẩm thực Việt Nam với thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội thảo

Nước ta hiện có khoảng 50.000 đầu bếp trực tiếp quản lý bếp ăn ở nhà hàng, khách sạn lớn, ngoài ra còn hơn 100.000 đầu bếp khác. Rõ ràng, số lượng là rất lớn, nhiều người đã trưởng thành, được vinh danh với nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta vẫn chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, chi tiết để xác định, đánh giá, xếp hạng các bậc nghề đầu bếp. Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí để xếp hạng để có đội ngũ đạt chuẩn… Theo Phó Chủ tịch Thường trực Vũ Thế Bình, việc xây dựng bộ tiêu chí cho đầu bếp Việt Nam với những tiêu chuẩn rõ ràng hơn trong kỹ thuật chế biến món ăn là việc rất cần thiết để phát triển ẩm thực Việt Nam một cách chuyên nghiệp, hướng tới đưa Việt Nam trở thành "Bếp ăn thế giới".

Tại hội thảo, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, đầu năm 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Hội đồng Tư vấn khoa học và đào tạo du lịch gồm 21 thành viên để từng bước xây dựng các bộ tiêu chuẩn nhằm thẩm định, đánh giá tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng lao động trong các doanh nghiệp của ngành du lịch. Hội thảo lần này được mở ra để từng bước xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho nghề chế biến món ăn. Nội dung cơ bản của Bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn đã đưa ra tiêu chuẩn cho 7 bậc trong nghề kỹ thuật chế biến để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận.

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, trong giai đoạn này có nhiều vướng mắc do có rất nhiều đầu bếp đã giữ hạng ở bậc 7 rất lâu năm (tức là bậc cao nhất theo quy định), họ mong muốn được chứng minh khả năng, trình độ ở mức cao hơn. Hơn nữa, đến nay, tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn 7 bậc và tiêu chuẩn chuyên gia nấu ăn 3 bậc được xây dựng hàng chục năm trước đây đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu thực tế.

Cũng theo bà Khanh, tại dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật chế biến món ăn do Hội Đầu bếp du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) xây dựng, hiện đang xếp đầu bếp theo 5 bậc, với các yêu cầu cụ thể cho mỗi bậc, trong đó có 4 nội dung là: Nhiệm vụ, hiểu biết nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ chuyên môn. Bốn nội dung này tương đồng với kết cấu của tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật tiêu chuẩn chế biến món ăn trước đây và bao quát được các nội dung cần có của mỗi bậc nghề.

Nếu dự thảo tiêu chuẩn nêu trên được ban hành và được áp dụng trong thực tế, chắc chắn trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ đầu bếp du lịch Việt Nam sẽ từng bước được nâng cao. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế cũng như đóng góp cho doanh thu của ngành du lịch./.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực