Xem xét lại tư duy vùng trong sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản

Thứ ba, 14/09/2021 17:18
(ĐCSVN) - Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự lúng túng trong thời gian qua trong sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, bài học đặt ra là phải xem lại tư duy vùng.

Ngày 14/9, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung – cầu nông, thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh”. Tọa đàm có sự tham gia của nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và các tỉnh, thành phía Nam.

 Nhiều nhà máy sản xuất nông sản tại các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19
(Ảnh: Trần Cao)

Sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp khó vì COVID-19

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất, lưu thông hàng hóa của 19 tỉnh phía Nam, Cần Thơ cũng không ngoại lệ.

"Việc tổ chức sản xuất đầu vào, thu hoạch, tiêu thụ nông sản đều bị ảnh hưởng do thực hiện Chỉ thị 16 với quy định "ai ở đâu ở yên đó". Các thương lái thu mua, các công ty phân phối, chợ đầu mối… gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển. Mặc dù có kênh bán hàng online, thương mại điện tử nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn lớn" - ông Hồng phản ánh.

Trong khi đó, do áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" để phòng chống dịch, các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long gặp rất nhiều khó khăn về việc tổ chức sản xuất, năng suất, tâm lý của người lao động và gia tăng nhiều chi phí.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tỉnh hiện đang thu hoạch các loại nông sản vụ hè thu; thanh long chín rộ nhưng Trung Quốc đóng cửa, đồng thời, trong nước, nhiều tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 khiến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng rất lớn.

Một khó khăn triền miên đó là do đóng cửa chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn và các chợ truyền thống nên tác động rất mạnh bởi Long An tiêu thụ nông sản ở kênh này là chính. Các nhà máy sản xuất đã giảm công suất đến 90%. Đặc biệt, mô hình “3 tại chỗ” đối với các cơ sở giết mổ gặp nhiều vấn đề. Hầu hết các cơ sở giết mổ trong địa bàn tỉnh không đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có 3 cơ sở có thể đáp ứng nhưng hiện nay cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, theo bà Khanh, việc thương lái rút lui khỏi thị trường cũng ảnh hưởng lớn tới tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, Trung ương đã có những chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong khâu vận chuyển. Riêng Bến Tre, từ khi được tháo gỡ, khâu vận chuyển đã cải thiện đáng kể.

Để hỗ trợ kịp thời cho nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh, hàng tuần, ban lãnh đạo tỉnh họp giao ban trực tuyến với các huyện, các xã để kịp thời nắm bắt thông tin người bán, người mua, triển khai bán hàng qua thương mại điện tử. Đoàn thanh niên hội phụ nữ, hội nông dân… cũng hỗ trợ tích cực nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Cảnh, lượng nông sản chờ thu hoạch của tỉnh hiện đang còn khá lớn. Bến Tre còn trên 35.000 tấn cây ăn quả, 300 triệu trái dừa ăn quả, 140 triệu trái dừa công nghiệp cùng sản lượng lớn thủy hải sản như tôm, nghêu sò…cần được tiêu thụ.

Xem xét lại tư duy vùng trong sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản

Trên cơ sở phân tích những khó khăn hiện tại, tại Tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên những kiến nghị để cùng gỡ khó cho tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam. Bà Định Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho rằng, quan điểm chống dịch trên hết là đúng nhưng phải song song với duy trì lưu thông, hàng hóa. Cùng đó cần xem xét, đánh giá lại phương án “3 tại chỗ” cho cơ sở giết mổ vì tại một địa điểm mà vừa nuôi nhốt, giết mổ vừa đưa con người vào thì không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn con người cũng như vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, Long An đã triển khai tiêm vắc-xin mũi 1 đạt gần 100%. Do vậy, bà Khanh đề xuất nên chăng áp dụng thẻ xanh, vàng… để doanh nghiệp bắt tay khôi phục sản xuất? Nếu không, việc kéo dài giãn cách sẽ khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi.

Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, để sớm khôi phục sản xuất cần có sự thống nhất quan điểm liên kết giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu bởi nông sản thì chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc 1 ngày chất lượng đã khác. Ông Thiện cũng đề xuất sau Tọa đàm, Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành để có sự thống nhất thực hiện chung trong vấn đề này.

Về phương án sản xuất, theo ông Thiện, “3 tại chỗ” hay “4 tại chỗ” không thể kéo dài vì bất tiện và chi phí cao. Vì vậy, đề nghị ngành y tế đưa ra định hướng dịch tễ để trên cơ sở đó mở rộng sản xuất, từng bước tháo gỡ “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ”.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sự lúng túng trong thời gian qua cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính. Đây là thử thách về tư duy liên kết vùng.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác. Bài học đặt ra là phải xem lại tư duy vùng. Bên cạnh đó, thương lái cũng có vai trò quan trọng trong hệ thống lưu thông. Do đó, cần tư duy lại trong thời gian tới làm sao để tạo được sự liên lạc thông suốt.

Tại Tọa đàm, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, nuôi trồng thủy sản… cung ứng cả nước. Lúa đã chín phải được gặt hái, thu mua hoặc tạm trữ. Tôm, cá đến mùa thu hoạch mà không được thu hoạch thì chất lượng giảm sút. Ở góc độ nào cũng phải bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa xử lý được những vấn đề này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chủ trương để xử lý những khó khăn cơ bản này.

Nghị định 55 và 116 đã giải quyết căn cơ cho cơ chế ưu tiên, nguồn lực cho vùng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tập trung toàn bộ nguồn lực cho Đồng bằng sông Cửu Long. Về chính sách chung cho toàn bộ doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và chưa có điều kiện trả nợ.

Với diễn biến phức tạp của dịch trên diện rộng, mới đây, Thông tư 14 tiếp tục được ban hành để phù hợp điều kiện thực tế hiện nay. “Chúng tôi nhận định, nếu tháng 9 này, kinh tế cơ bản phục hồi được thì Thông tư 14 cơ bản xử lý được những khó khăn của doanh nghiệp. Nếu diễn biến phức tạp hơn, ngành ngân hàng sẽ cập nhật chính sách kịp thời. Chúng tôi thể hiện quan điểm rất rõ ràng là nhà nước luôn sát cánh cùng doanh nghiệp” – Ông Đào Minh Tú cho biết./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực