Xử lý những căng thẳng về thanh toán trong dịp cuối năm

Thứ bảy, 02/01/2010 11:02

Trong những tuần cuối năm 2009, trên thị trường tiền tệ đã xảy ra tình trạng căng thẳng khả năng thanh toán tại một số ngân hàng thương mại, nhất là trong các ngày từ 20 đến 25-12, một số ngân hàng phải nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ bằng việc cho vay tái cấp vốn, đây là biện pháp cuối cùng để tăng thanh khoản cho các ngân hàng trên thị trường mở.

Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, tình hình thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Ðiều này thể hiện ở việc lãi suất thị trường liên ngân hàng đã giảm, dấu hiệu cho thấy khả năng thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.

Giám đốc Ban nguồn vốn của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, tình hình được cải thiện là do NHNN đã đưa vốn ra thị trường mở, nâng quy mô giao dịch cho mỗi phiên giao dịch. Trước đây, mỗi phiên số tiền được đưa ra chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 tỷ đồng, thì nay đã tăng lên 12 đến 15 nghìn tỷ đồng/phiên. Thời hạn tăng vốn trên thị trường được kéo dài từ một tuần lên hai tuần. Số phiên giao dịch cũng tăng lên hai phiên giao dịch một ngày, thay vì trước đây chỉ có một phiên vào 10 giờ sáng. Có thể nói, thị trường mở là nghiệp vụ cơ bản của Ngân hàng T.Ư để luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế, thông qua đó gián tiếp điều tiết lãi suất. Ðây là công cụ được sử dụng phổ biến và thường xuyên, là biện pháp kinh điển để giúp điều tiết dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, khi xảy ra tình trạng căng thẳng của các tổ chức tín dụng có ý kiến cho rằng, NHNN có lúc chưa duy trì nhịp nhàng việc bơm, hút vốn trên thị trường. Như việc NHNN bán ra một lượng ngoại tệ cho các ngân hàng và thu về một lượng lớn tiền đồng, nhưng lại chưa đưa ra kịp thời lượng tiền phù hợp thông qua thị trường mở. Ðồng thời lãi suất cơ bản tăng lên, các loại lãi suất khác cũng tăng lên kịch trần, làm cho một số ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn về thanh khoản.Việc này dẫn đến những phản ứng dây chuyền cho cả hệ thống, tác động đến tâm lý chung của toàn thị trường, khiến cho các ngân hàng trở nên thận trọng khi giao dịch trên thị trường chuyển nhượng vốn.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại đã bộc lộ sự yếu kém về quản trị thanh khoản, trong việc quản lý các nguồn tiền ra vào. Việc tham gia trên thị trường liên ngân hàng, phần lớn là do trụ sở chính, nơi tập trung các đầu mối thông tin của toàn hệ thống để có thể bao quát nguồn tiền ra vào của một ngân hàng. Nhưng ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tình trạng là một số chi nhánh cũng tham gia thị trường liên ngân hàng, vay tiền của các tổ chức tín dụng khác mà chủ yếu là các ngân hàng cổ phần. Ðến thời điểm cuối năm là lúc phần lớn các tổ chức tín dụng có nhu cầu rút tiền khiến cho ngân hàng này có những thời điểm khó khăn phải được trợ giúp từ NHNN và các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn khác. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng nằm trong danh sách những ngân hàng năng lực quản trị kém trong huy động vốn và khả năng chi trả.

Một biểu hiện khác nữa được cho là ngân hàng thiếu vốn, đó là, mặc dù các khách hàng có nhu cầu vốn trong thời điểm cuối năm, nhưng các ngân hàng lại thắt chặt không cho vay, hoặc là lãi suất bị đẩy lên quá cao. Một cán bộ lãnh đạo ngân hàng thương mại quốc doanh cho biết, ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thống đốc về việc "phanh" lại tốc độ tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, một số nguồn tin phản ánh, các ngân hàng vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn đầu vào, mặc dù lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư và doanh nghiệp tăng cao đến gần 10,5%/năm nhưng vẫn chưa hấp dẫn người gửi tiền. Tình trạng vốn của các ngân hàng khó có thể cải thiện cho đến sau Tết Nguyên đán, cho dù NHNN sẵn sàng cho vay tái cấp vốn chỉ cải thiện tình trạng thanh khoản của NHTM trong ngắn hạn. Những ngân hàng thừa vốn cũng chưa sẵn sàng cho khách hàng vay vì họ còn dành cho vay các ngân hàng khác trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, chi phí thấp và an toàn hơn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mặc dù đã bị khống chế 12%/năm, nhưng vẫn có tình trạng vượt rào thông qua các loại phí khiến cho lãi suất bị đẩy lên đến 14 - 15%/năm, chủ yếu ở những ngân hàng cổ phần. Ðây cũng là một rào cản khiến cho việc tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng ngày càng trở nên khó khăn. Vụ trưởng Chính sách tiền tệ NHNN Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp trên cơ sở thực hiện các mục tiêu Chính phủ đặt ra, hỗ trợ thị trường ở mức thích hợp để bảo đảm ổn định. Theo ông Bảo, tín dụng trong những tháng đầu năm 2010 sẽ vẫn còn những áp lực, nhưng sẽ giảm căng thẳng so với những tháng cuối năm 2009.

Có thể nói, những căng thẳng về thanh khoản vào dịp cuối năm gần như đã là thông lệ theo quy luật cung - cầu, khi chi tiêu gia tăng, dòng tiền đổ vào lưu thông sẽ lớn. Ðể điều tiết dòng tiền này một cách nhịp nhàng đòi hỏi cơ quan quản lý phải hết sức uyển chuyển, theo dõi sát sao diễn biến tình hình thị trường và ứng biến kịp thời thông qua sử dụng các nghiệp vụ đã có trên thị trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực