Xuất khẩu nông sản mang đến “hơi thở” mới cho nông nghiệp Sơn La

Thứ năm, 06/08/2020 16:59
(ĐCSVN) – Là một địa phương có diện tích trồng cây ăn quả vào loại lớn nhất miền Bắc, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thu được những thành công bước đầu trong việc tìm kiếm thị trường để nông sản “xuất ngoại”. Xuất khẩu nông sản đã thực sự mang đến “hơi thở” mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh miền núi vốn còn nhiều khó khăn này.

 

 Bà con xã Na Bó, huyện Mai Sơn thu hái xoài xuất khẩu. (Ảnh: Nguyễn Nga).


Những tín hiệu tích cực...

Những năm gần đây, cứ đến dịp tháng 7 hàng năm là người dân nhiều huyện của tỉnh Sơn La lại nô nức vào mùa thu hoạch nhãn. Từ một loại nông sản chỉ trồng tự phát, phục vụ chủ yếu tự cung tự cấp, những năm gần đây, việc trồng nhãn đã được tỉnh chú trọng nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Hàng loạt kỹ thuật sản xuất tiến bộ đã được ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La tổ chức tập huấn, chuyển giao để giúp người dân nâng cao giá trị của quả nhãn. Có thể kể đến ở đây đó là kỹ thuật tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel; cách sử dụng chế phẩm sinh học; quy trình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP...

Anh Lò Văn Pinh ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã vui vẻ chia sẻ, những năm trước, người dân trong xã chủ yếu canh tác ngô, sắn và các cây lương thực khác nên đời sống bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây nhãn thì bà con đã có được nguồn thu ổn định hơn rất nhiều. Nhãn không chỉ được bán trong nước mà còn được xuất đi nước ngoài nên thu nhập của bà con ai cũng phấn khởi, yên tâm gắn bó với cây nhãn.

Được biết, tính đến năm 2020, diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La đạt khoảng 17.292 ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn. Trong đó, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn... đang không ngừng tăng lên; nhãn được cấp mã số vùng trồng cũng ngày càng mở rộng. Tới nay, có 207,6 ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Australia; 2.415 ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chỉ tính riêng tại huyện Sông Mã đã có 7.114 ha nhãn, dự kiến năm nay huyện sẽ tiêu thụ và xuất khẩu trên 40.000 tấn nhãn; từ đầu vụ nhãn 2020 đến nay, toàn huyện đã xuất khẩu hơn 80 tấn sang thị trường Trung Quốc.

Cùng với nhãn, xoài cũng là loại trái cây có sản lượng xuất khẩu tương đối lớn của tỉnh Sơn La. Diện tích cây xoài toàn tỉnh hiện vào khoảng 15.177 ha, diện tích cho sản phẩm 9.868 ha, sản lượng ước đạt 47.502 tấn. Hiện diện tích xoài trên địa bàn tỉnh đã được cấp 59 mã số vùng trồng phục vụ công tác xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khác với diện tích 1.377,26 ha, sản lượng đủ điều kiện xuất khẩu ước đạt 16.229,9 tấn, trong đó: 14 mã số vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ và các nước khó tính với diện tích 111,28 ha, sản lượng ước đạt 1.223 tấn; 45 mã số vùng trồng xoài để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 1.266 ha sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Mới đây, hơn 30 tấn xoài chất lượng cao của nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) đã chính thức lên đường xuất sang Hoa Kỳ. Sự kiện này đã khẳng định thương hiệu sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh Sơn La, đồng thời góp phần quảng bá, đẩy mạnh kích cầu tiêu thụ nông sản. Ngoài xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong đợt này, ngay từ đầu vụ xoài năm 2020, huyện Mai Sơn đã thực hiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng 1.600 tấn.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu sự tác động lớn của đại dịch COVID-19, song giá trị sản xuất nông nghiệp của Sơn La vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất khẩu ước đạt 52 triệu USD.

Coi trọng an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ

Tìm hiểu được biết, với phương châm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững, tỉnh Sơn La luôn xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của người dân mà còn là tiêu chí hàng đầu để xuất khẩu nông sản đi các nước, nhất là những thị trường khó tính. Vì vậy, việc bảo đảm ATTP đã trở thành là hoạt động thường xuyên liên tục của các vùng trồng cây ăn quả ở Sơn La. Theo đó, bên cạnh hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm ATTP trong quá trình canh tác, sản xuất; tỉnh Sơn La còn chú trọng hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng thực phẩm... Từ đó, bảo đảm các nông sản làm ra phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định nhà nước về ATTP.

Các cơ quan, ban ngành như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn... cũng thường xuyên cập nhật các quy định của các thị trường nước ngoài về ATTP để thông tin kịp thời đến người sản xuất. Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh Sơn La cũng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các đơn vị không chấp hành đúng quy định về thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP; coi trọng nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện công tác đảm bảo ATTP...

Chị Bùi Thị Văn ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cho biết, đúng là sản xuất theo quy trình an toàn không xử dụng các loại hóa chất thì cây trồng phát triển chậm hơn nhưng bù lại là trái cây trồng ra luôn bảo đảm các quy định của phía công ty thu mua để xuất khẩu. Hơn nữa, sản xuất theo quy trình an toàn còn giúp bảo vệ sức khỏe của chính người trồng cây như chúng tôi nên mọi người đều bảo nhau thực hiện đúng quy trình, không lén lút dùng các loại thuốc kích thích, thuốc hóa học bón cho cây.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cùng các đại biểu tham quan tại một hoạt động xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản. (Ảnh: Nguyễn Nga). 

Song song với đó, để nông sản Sơn La thu được những thành công trên con đường “xuất ngoại”, một kinh nghiệm quan trọng là UBND tỉnh Sơn La và các địa phương, các ngành đã đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, tìm kiếm và mở rộng thị trường. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đã có trên 100 sự kiện quảng bá hàng nông sản Sơn La được tổ chức với các quy mô khác nhau. Tiêu biểu là Tuần lễ nhãn và nông sản Sơn La tại Hà Nội; Lễ hội mận Mộc Châu; Ngày hội nhãn Sông Mã; Ngày hội xoài Yên Châu... Đây chính là cơ hội để nông sản Sơn La được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản... Nhờ vậy, đến nay thị trường xuất khẩu nông sản của Sơn La đã ngày càng được mở rộng tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Anh, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản

Theo đồng chí Lò Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để đẩy mạnh xuất khẩu, trong thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới hàng hóa chất lượng cao. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, các đơn vị đầu mối mở rộng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: Nhãn, xoài, thanh long, bơ, chanh leo, na... Đồng thời, các địa phương, các đơn vị trong tỉnh sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm nông sản đến các thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên tổ chức các tuần hàng, tham gia các hội chợ trong tỉnh cũng như các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh tại Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản cũng như xây dựng các nhà máy chế biến nông sản để đảm bảo tính ổn định và bền vững./.

Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực