Xuất khẩu tháng đầu năm của các tỉnh phía Nam: Khởi sắc trong nhiều ngành hàng

Thứ tư, 27/01/2010 13:56

(ĐCSVN)- Mặc dù Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nhưng các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đã đẩy mạnh khối luợng hàng xuất khẩu trong tháng 1/2010, khiến cho các chỉ số xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh…

Bình Dương: Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 780 triệu USD

Tháng 1/2010, Bình Dương đạt kim ngạch xuất khẩu trên 780 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 12 trước đó, tăng 79,2% so cùng kỳ năm 2009. Trong khi hàng thủy sản và nông sản khác tăng từ 3% đến 4,2% thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng mạnh.

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da, điện tử, chế biến gỗ có thêm nhiều đơn hàng từ đối tác nước ngoài, đã tập trung năng lực để phát triển sản xuất, tuyển thêm nhiều lao động như Công ty TNHH công nghiệp gỗ Kaiser VN (666 lao động); Công ty cổ phần giày Thái Bình(488 lao động) ; Công ty CP chế biến gỗ Pisico Đồng An ( 403 lao động), Công ty TNHN Điện tử Foeter VN ( 374 lao động); Công ty TNHH Sung Hyun Vina ( 248 lao động); các công ty Triumph International, Công ty may mặc Hungwah, công ty CP kỹ nghệ gỗ Trường Thành tuyển trên 100 lao động.v.v.

An Giang: Xuất khẩu thuận lợi đẩy giá lúa gạo thu mua lên cao

 

 Xuất khẩu thuỷ sản vẫn là thế mạnh của các tỉnh phía Nam
(Ảnh: Quý Trọng)

Trong tháng 1/2010, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 49,2 triệu USD, tăng 58% so cùng kỷ. Các doanh nghiệp cũng tranh thủ xuất được 1,163 triệu USD mặt hàng sắt thép, mì ăn liền, bách hoá tổng hợp... Tháng đầu năm, xuất khẩu thuận lợi đã đẩy giá lúa gạo thu mua cho nông dân tăng 69% so cùng kỳ, với giá dao động từ 5.800 đồng - 6.000 đồng/kg, luá Jasmine 6.600 đồng/kg và giá cá tra cũng tăng lên 15.000 đồng - 16.000 đồng/kg thịt trắng, 13.500 đồng - 14.000 đồng/kg cá thịt vàng, cá basa 22.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg tuỳ chủng loại...

Năm 2010, An Giang phất đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 850 triệu USD. Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh tăng cường công tác xúc tiến thị trường, chủ động mở rộng các thị trường lớn như Châu Âu, Châu Phi, Trung Quốc và ASEAN, chuyển hướng xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, mặt hàng tiềm năng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu thô. Tỉnh còn chủ động làm cầu nối tổ chức liên kết chặt chẽ cho các doanh nghiệp và nông, ngư dân để sản xuất nguyên liệu sạch, an toàn chất lượng cao, khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ cho nhu cầu sản xuất.

Trà Vinh: Hướng đến xuất khẩu và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản

Trà Vinh đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu, phấn đấu năm 2010 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 140 triệu USD theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Tỉnh tập trung sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm địa phương có lợi thế như: Thủy sản đông lạnh, gạo, sản phẩm từ trái dừa…; các mặt hàng có giá trị cao như: Hóa chất, bản kẽm, vật tư ngành in…

Cùng với việc cụ thể hóa các qui định, các chính sách để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất, chế biến các mặt hàng địa phương có thế mạnh, tiềm năng lớn và tham gia trực tiếp xuất khẩu, Trà Vinh ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đầu tư nâng cấp các nhà máy chế biến các mặt hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu; triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng vùng lúa chất lượng cao rộng 50.000 ha. Tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi phục vụ xuất khẩu ở cả 3 vùng nước: mặn, ngọt và lợ; trong đó, chú trọng mở rộng diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, bán thâm canh; nuôi cua, nghêu, sò…ở vùng nước mặn, lợ; nuôi tôm càng xanh và loài cá có giá trị cao ở vùng nước ngọt.

Cà Mau: Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 2.507 tấn

Cà Mau đề ra nhiều giải pháp tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu đặc biệt là mặt hàng tôm đông lạnh. Trong những tháng mùa khô đầu năm 2010, tỉnh chú ý công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống cung cấp cho người nuôi; tập trung đầu tư những tiểu vùng thủy lợi khép kín, thi công hoàn thành những dự án, công trình thủy lợi quan trọng, bức xúc nhằm chủ động, điều tiết nguồn nước đáp ứng nhu cầu nuôi tôm.

Hiện, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở Cà Mau hoạt động trên dưới 30% công suất do thiếu nguyên liệu, tình trạng này sẽ được cải thiện sau Tết Nguyên đán Canh Dần nhờ thu hoạch vụ tôm - lúa, tôm nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao và tôm nuôi công nghiệp.

Tháng đầu năm, Cà Mau chế biến hàng thủy sản xuất khẩu 2.507 tấn; kim ngạch xuất khẩu gần 24 triệu USD, đạt 3,4% kế hoạch năm, tăng 54,6% so với cùng kỳ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực