Xuất khẩu thủy sản đạt 1,69 tỷ USD trong quý I/2021

Thứ tư, 14/04/2021 14:00
​(ĐCSVN) - Trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

 Trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 1,69 tỷ USD

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: KV)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2021 ước đạt 685 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm 53,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), trong tháng 1/2021, nước này đã nhập khẩu 10.127 tấn phile cá tra đông lạnh trị giá 24,8 triệu USD, tăng 46,7% về lượng và tăng 27,5% so với tháng 1/2020. Giá trung bình nhập khẩu của cá tra phile đông lạnh ở mức 2,45 USD/kg, thấp hơn 13,1% so với tháng 1/2020.

Bên cạnh đó, trong tháng 1/2021, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 69.653 tấn tôm trị giá 601,6 triệu USD, tăng 7% về lượng và 6% về giá trị so với tháng 1/2020. Giá bình quân nhập khẩu tôm đạt 8,63 USD/kg, giảm 0,69% so với tháng 1/2020. Mặc dù đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến các nhà hàng nhưng khối lượng và giá trị nhập khẩu tôm và cá tra của Mỹ vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng đã bắt đầu cho thấy những chuyển biến khả quan với nhu cầu mua cá thịt (chủ yếu từ 800gr trở lên) sôi động hơn từ phía các đơn vị gia công trong khi nguồn cá nguyên liệu đến kích cỡ thu hoạch không nhiều. Mức giá tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 2.000 đ/kg so với tháng trước, dao động từ 21.000-22.000 đ/kg.  

Trên thị trường cá giống, nguồn cung vẫn đang ở mức thiếu hụt nhẹ so với nhu cầu thả mới có xu hướng tăng lại của các công ty. Hiện một số doanh nghiệp lớn vừa mua thêm giống thả lại, trong khi phía hộ nuôi tình hình thả mới cũng nhiều hơn. Giá cá giống mẫu 30 con/kg tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện ở mức 31.000-33.000 đ/kg, tăng 3.000-5.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 2.

Với thị trường tôm nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng, giá có xu hướng giảm ở một số cỡ do nguồn cung tăng. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg ở giữ ổn định mức 260.000 đ/kg, cỡ 30 con/kg giảm 40.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 2, xuống còn 190.000 đ/kg, cỡ 40 con/kg giảm 10.000 đ/kg xuống 130.000 đ/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg ổn định ở mức 115.000 đ/kg.

Hiện nay mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ mới đã bắt đầu nhộn nhịp do các yếu tố thời tiết, độ mặn… cơ bản đáp ứng yêu cầu. Dự báo trước mắt giá tôm nhiều khả năng ở mức cao đến giữa quý II, nhưng về lâu dài sẽ rất khó đoán, bởi còn phụ thuộc vào tình hình cung – cầu thị trường và diễn biến của dịch COVID-19.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, với thị trường Australia - một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới có mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng, dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng mạnh, trong đó tôm là mặt hàng chủ lực.

Với việc Australia là một nước thành viên trong CPTPP, tất cả các sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đều ở 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực nên rất thuận lợi cho xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Australia cần đảm bảo tuân thủ những yêu cầu của thị trường này do Australia là một trong những quốc gia có các yêu cầu về tuân thủ an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, kiểm dịch khắt khe hơn so với những thị trường khác.

Với thị trường Nhật Bản, dự báo, nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới sẽ tăng mạnh ở nhóm hàng thủy sản đông lạnh, đóng hộp dễ chế biến tại nhà và có mức giá trung bình. Do vậy, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tôm có cỡ phù hợp đang có lợi thế. Ngoài ra, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang dần gây được ấn tượng với người tiêu dùng Nhật Bản, do đó, đây là thời điểm để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới Nhật Bản bởi có mức giá phù hợp./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực