Xuất khẩu thủy sản năm 2021 hưởng nhiều lợi thế từ FTA

Thứ ba, 23/02/2021 16:00
(ĐCSVN) - Năm 2021, ngành thủy sản vẫn được đánh giá là hưởng nhiều lợi thế từ các FTA, nhưng để có thể chinh phục được đa dạng thị trường thì cần tạo ra sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức.
Xuất khẩu thủy sản năm 2021 hưởng nhiều lợi thế từ FTA. (Ảnh: Đ.T) 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2020, sản lượng thủy sản của cả nước đạt 8,4 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2019, trong đó nuôi trồng chiếm 54% với gần 4,6 triệu tấn, khai thác chiếm 46% với trên 3,8 triệu tấn. Xuất khẩu thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2019, trong đó thủy sản nuôi (tôm, cá tra) chiếm 62% với 5,2 tỷ USD, thủy sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD.

Dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Theo đó các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biến, cua ghẹ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu, cá ngừ và mực, bạch tuộc giảm nhẹ. Dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường, nhưng các nước nhập khẩu chính thủy sản Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản giảm nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam (giảm 3-6%), trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể (+10%) nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong quý III (với mức tăng trưởng 10% đến 13%).

Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thủy sản lại bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước và cước phí vận tải lại đội lên nhiều lần khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ và sụt giảm.

Năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Sau một năm doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 600 triệu USD, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2020. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Theo VASEP, năm 2021 xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ đạt trên 9,4 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2020.

Đánh giá những cơ hội của ngành thủy sản trong 2021, VASEP phân tích, năm 2020, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8%. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng.

Dù vậy, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA, và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ có thị trường Mỹ và Trung Quốc duy trì được tăng trưởng dương, mức tăng lần lượt là 13% và 5%. Riêng thị trường EU, dù sụt giảm nhưng lại ghi nhận sự bứt phá đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2021, ngành thủy sản vẫn hưởng nhiều lợi thế từ các FTA, nhưng để có thể chinh phục được đa dạng thị trường thì cần tạo ra sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức. Cụ thể như sản phẩm chủ lực tôm xuất khẩu, khi khó giảm giá thành thì buộc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm tương đồng đến từ các quốc gia khác như Ấn Ðộ, Indonesia… Hay như cá tra, cần đa dạng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng từng quốc gia, khu vực.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực