Xuất khẩu tôm Việt Nam: Vượt khó, tạo đà phát triển

Thứ ba, 05/01/2010 16:57

Ảnh: Internet

Năm 2009 là một năm đáng ghi nhận đối với ngành tôm Việt Nam bởi kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2009, xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 190.000 tấn, trị giá trên 1,5 tỉ USD, tăng 7,4% về lượng và 0,73% về giá trị so với năm 2008. Đây là mặt hàng thuỷ sản duy nhất tăng trưởng trong năm 2009.

Năm 2009 là năm được đánh giá là cực kỳ khó khăn cho ngành thủy sản. Người nuôi tôm khốn đốn không chỉ vì dịch bệnh, thời tiết thất thường mà còn vì đầu ra ngày càng khó khăn. Có thời gian doanh nghiệp chế biến phải tồn kho khoảng 40.000 tấn tôm sú đông lạnh, không thể bán được vì thị trường thế giới có xu hướng chuyển sang sử dụng tôm thẻ chân trắng. Có lúc tôm thẻ chân trắng chiếm 80% thị phần tôm đông lạnh, đẩy con tôm sú vào thế cực kỳ khó khăn.

Đặc biệt, trong năm 2009, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, 6 tháng đầu năm, giá tôm sú rớt xuống mức thấp nhất trong 10 năm Do giá giảm mạnh, các hộ nuôi đã bỏ trống khoảng 30% diện tích, cộng thêm tình trạng tôm chết do bệnh càng khiến cho sản lượng toàn vùng sụt giảm. Tuy nhiên, giữa năm 2009, nhu cầu thị trường về tôm sú trên thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, càng về cuối năm đơn đặt hàng càng nhiều để phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch khiến cho nguồn tôm nguyên liệu càng khan hiếm.

Đến nay, giá tôm sú nguyên liệu đã tăng trở lại, loại 20 con/kg, có giá gần 150.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 110.000-120.000đồng/kg, tăng bình quân 20.000 - 30.000 đồng/kg so với tháng 6. Hiện nay đang là thời điểm giá tôm sú nguyên liệu cao nhất trong năm. Năm nay được đánh giá là năm không chỉ trúng mùa mà còn trúng giá. Khoảng 80% hộ nuôi đều có lãi, bình quân đạt từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/hộ. Cá biệt có nhiều hộ thu lợi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu tôm vào 82 thị trường; trong đó, 10 thị trường chiếm hơn 80% cả về khối lượng lẫn giá trị gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Canađa, Anh và Bỉ. Tôm sú vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm trên 75% giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm. Thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Ôxtrâylia đang trở thành những thị trường hết sức tiềm năng với doanh số tăng đáng kể, chiếm gần 20% thị phần xuất khẩu. Thị trường Đức cũng là một thị trường rất đáng chú ý trong năm 2009, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của 10 nước Châu Âu cộng lại.

Theo dự báo của ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), sang năm 2010, tôm sú vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong khi xuất khẩu tôm thẻ chân trắng sẽ tăng gấp đôi lên 500 triệu USD, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn. Việt Nam có thể sẽ có lợi thế ở thị trường tôm chân trắng cỡ nhỏ do có nguồn lao động. Kim ngạch xuất khẩu tôm sú dự kiến sẽ đạt 1,4 tỉ USD. Theo ông Hoè, sang năm mới, giá thành tôm sú sẽ tác động trực tiếp lên xuất khẩu chứ không phải là thị trường. Năm 2010, tôm Việt Nam sẽ là lựa chọn của các nhà nhập khẩu Nhật Bản trong khi Hàn Quốc sau khủng hoảng sẽ là thị trường quan trọng đối với tôm Việt Nam.

Về phương hướng xuất khẩu thủy sản năm 2010, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng, các địa phương cần tiếp tục đầu tư cho vùng sản xuất nguyên liệu. Các địa phương phải có được những chương trình, đề án, dự án đầu tư sản xuất đủ nguồn nguyên liệu, nếu không đủ thì phải nhập nguyên liệu nhưng là nhập có tổ chức và kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá cả đầu vào; tiếp đến là phải tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt công tác xúc tiến thương mại và cần có chiến lược rõ ràng như giữ thị trường truyền thống: EU, Mỹ, Nhật, Nga và mở rộng một số thị trường mới là Trung Đông và Nam Mỹ.

Các địa phương cần rà soát lại diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đảm bảo các điều kiện cho các vùng nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh. Mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp, nuôi sinh thái. điều chỉnh quy mô sản xuất theo hướng thị trường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi đầu tư nâng cao năng lực các các cơ sở sản xuất giống chất lượng và sạch bệnh, đủ cho sản xuất; đầu tư hạ tầng thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản tập trung; phát triển các hình thức liên kết giữa ngư dân và doanh nghiệp.

Một tin vui nữa cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là các mặt hàng tôm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản có thể sẽ được hưởng thuế suất chỉ còn 0% do Việt Nam đã tiến hành đàm phán hiệp định với Nhật Bản về xuất nhập khẩu thủy sản. Theo đó, phía Nhật Bản sẽ giảm hoàn toàn mức thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm tôm Việt Nam. Đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực