Thủ tướng: Bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người dân là trên hết

Thứ hai, 19/07/2021 14:35
(ĐCSVN) – Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Nội triển khai các biện pháp quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã đề ra. Trong đó, xác định mục tiêu trước mắt là ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, quyết tâm bảo vệ bằng được an toàn, an ninh cho nhân dân, bảo đảm sức khỏe, an ninh, an toàn cho người dân là trên hết, trước hết.
Quang cảnh buổi làm việc. 

Sáng 19/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với thành phố (TP) Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội.

Xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, bước đầu, TP đã thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, TP đã chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang chủ động tấn công theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tổ chức thực hiện tốt việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly các ca nghi nhiễm và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm. Thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên mấy ngày gần đây, cùng với sự bùng phát dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; tại địa bàn TP đã phát sinh một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, gây rất khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, TP đã tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả đến nay cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng TP đang đứng trước những thách thức rất lớn, trong đó, lớn nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng; hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển… Trong khi đó, tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các địa phương trên cả nước trong thời gian qua là phải đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. 

Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, Hà Nội đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kìm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh. Và xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ, Ban, ngành Trung ương đối với các kiến nghị, đề xuất của TP; hỗ trợ TP có thêm nguồn lực, cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để Thủ đô phòng, chống dịch thắng lợi, tạo điều kiện để phát triển nhanh và bền vững.

Quyết tâm cao nhất để thực hiện “mục tiêu kép”

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 06h00 sáng 19/7), Hà Nội ghi nhận 681 ca mắc (255 ca phát hiện ngoài cộng đồng tại 24 quận, huyện; 187 ca F0 là trường hợp đã được cách ly tập trung; 198 ca mắc trong bệnh viện Trung ương và 32 ca mắc là người nhập cảnh đã được cách ly). TP Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, TP đã tổ chức tiêm được 210.868 mũi tiêm vaccine cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân tại các khu công nghiệp và các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. TP xác định tiêm chủng là giải pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững để đạt được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Nhằm triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVD-19 trên quy mô lớn để chủ động phòng chống dịch, TP đã xây dựng phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với mục tiêu được nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất nhưng phải đảm bảo an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, nguy cơ cao lây nhiễm và bùng phát dịch trong cộng đồng, TP đã khẩn trương ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND ngày 18/7/2021, theo đó, áp dụng ngay các biện pháp: yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu; dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu…

Về tình hình kinh tế - xã hội, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, GRDP Quý II tăng trưởng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức tăng chung cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Duy trì không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. 13.172 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4%, 5.821 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 79%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 125.562 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán Trung ương giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ.

Thành phố đã triển khai thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ Nghị định của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, TP đã hoàn thành tốt các nội dung công tác Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc. 

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cho biết, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến phức tạp. Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2021, cụ thể: Kịch bản 1 (kịch bản điều hành): Tăng trưởng quý III đạt 8,59%, quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,5%; kịch bản 2: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, phục hồi chậm. GRDP cả năm 2021 dự kiến đạt 6,5-7,0%.

Song song với dự kiến kịch bản tăng trưởng, Thành phố tập trung triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt là tập trung cao độ thực hiện quyết liệt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu quý III đạt khoảng 60%, quý IV đạt 100% kế hoạch vốn đã giao.

Tại buổi làm việc, TP Hà Nội đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, thông qua một số nội dung cụ thể. Trong đó, cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ TP Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỷ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng

TP Hà Nội cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô; các tuyến đường sắt đô thị…

Các bộ, ngành luôn đồng hành với Thủ đô

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, các bộ trưởng cũng ghi nhận, đánh giá cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP Hà Nội trong thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả phát huy vai trò và sức mạnh của hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch COVID-19; duy trì phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội. Các bộ trưởng khẳng định luôn đồng hành với Thủ đô trong quá trình phát triển.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Hà Nội đã triển khai trong thời gian qua. Nhưng Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm vì đã xuất hiện một số ca không rõ nguồn lây nên Hà Nội cần quan tâm hơn nữa để kiểm soát tốt. Theo đó, Hà Nội cần nâng cao hơn một  mức trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt chuẩn bị cho các kịch bản phòng dịch khi TP Hồ Chí Minh đang là một bài học.

Hà Nội cần tập trung truy vết song song phát hiện các trường hợp lây nhiễm ngoài cộng đồng. Đẩy mạnh truy vết bằng cách, đối với tất cả các trường hợp đi đến cơ sở y tế và có biểu hiện sốt, ho, khó thở đều phải xét nghiệm triệt để… Đồng thời, Hà Nội cần chuẩn bị kịch bản để thực hiện 200.000 xét nghiệm/ngày. Có thể huy động các lực lượng của Trung ương đóng trên địa bàn cùng tham giao vào công tác xét nghiệm. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện phối hợp với Hà Nội tập trung điều trị các bệnh nhân nặng cho Hà Nội. Đồng thời, sẽ cung cấp cho Hà Nội khoảng 1 triệu liều vaccine để đảm bảo hoạt động của trung tâm đầu não chính trị của đất nước - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu nêu 6 thách thức đang làm Hà Nội chậm lại. Đó là chưa phát huy khai thác hết tiềm năng lợi thế; chưa thực hiện hết được cơ chế chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Hà Nội; việc tổ chức quy hoạch theo luật quy hoạch hiện còn chậm; cơ cấu kinh tế chưa có đột phá, giá trị gia tăng còn thấp; thách thức về quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng; ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là thách thức với Hà Nội. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hà Nội cần tập trung 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành kinh tế, tập trung phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh, đi đầu trong chuyển đổi số; chủ động nghiên cứu biên pháp huy động được các nguồn lực. Về kiến nghị của Hà Nội liên quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan tuyến vành đai 4, Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ việc triển khai nhanh và sớm tuyến này. Về dự án này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý giao nghiên cứu tiền khả thi. Đây là tuyến quan trọng kết nối, liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển của Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đồng tình với những kiến nghị của TP Hà Nội về việc di dời một số trụ sở các cơ quan xây trường công lập; hoàn thiện chính sách thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập… Đáng chú ý, Bộ trưởng cũng đồng tình về việc việc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP Hà Nội và định mức phân bổ chi ngân sách nhà nước cho thành phố. Tuy nhiên cần phải nghiên cứu sâu về vấn đề này vì so với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang có tỷ lệ cao hơn. Dự kiến năm 2022, TP cần nhiều hơn nữa nguồn lực để phát triển, do đó, thành phố cần có phương án để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Trên dưới một lòng, huy động sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng với Hà Nội để giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc vì sự phát triển của Thủ đô. Thủ tướng cũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, các vấn đề phát sinh từ thực tiễn giúp Hà Nội tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Thủ tướng đề nghị Hà Nội triển khai các biện pháp quan trọng để hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra. Trong đó, xác định mục tiêu trước mắt, ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, quyết tâm bảo vệ bằng được an toàn, an ninh cho nhân dân, bảo đảm sức khỏe, an ninh, an toàn cho người dân là trên hết, trước hết.

“Thành phố chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công. Hệ thống chính trị cơ sở phải được phát huy tối đa. Cấp ủy, tổ chức đảng là hạt nhân phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong phòng chống dịch” – Thủ tướng nói.

Trong phòng chống dịch COVID-19 không được chủ quan, lơ là; không được mất bình tĩnh, mất kiên định, kiên trì khi tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn. Thành phố cần chuẩn bị kịch bản cao hơn cho tình huống dịch diễn biến còn phức tạp và kéo dài, có khả năng tấn công cao vào các khu đô thị và nơi tập trung dân cư lớn, nơi giao lưu và đầu mối, các khu công nghiệp… Hiệu quả chống dịch đã có nhưng phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn, đảm bảo ngăn chặn, đẩy lùi không cho dịch bệnh phát triển. Phải bảo vệ bằng được các khu công nghiệp, chữa được bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa các ca tử vong. Tại những nơi an toàn vẫn duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nội thực hiện Chỉ thị 15, 16 phải rất nghiêm. Thực hiện cách ly là rất quan trọng, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trong cách ly giữa người với người, giữa xã, phường với nhau. “Phong tỏa hẹp nhưng phải chặc chẽ, xét nghiệm rộng nhưng phải kỹ càng. Tiêm vắc xin phải kịp thời, hiệu quả, an toàn, khoa học. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ việc thực hiện 5K và ứng dụng công nghệ rộng rãi” Thủ tướng đề nghị.

Nhấn mạnh đến yếu tố phát triển văn hóa để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, phát triển văn hóa cần cố gắng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, các giải pháp phát triển văn hóa, con người Thủ đô hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước, "Thành phố vì hòa bình".

Ngoài ra, Hà Nội phải làm thật tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực để phát triển, gồm cả nội lực và ngoại lực, nguồn lực tinh thần và vật chất. Trong đó nguồn lực bên trong là quyết định, là chiến lược lâu dài nhưng không thể thiếu được nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá; tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cá thể hóa trách nhiệm trên cương vị, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; tạo điều kiện cho từng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nhiệm vụ, giải pháp được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình thực hiện mọi nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, huy động sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng trong bất cứ thời điểm nào.    

Riêng về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội khẩn trương xử lý dứt điểm, hoàn thành dự án sớm nhất có thể.

Thủ tướng chỉ đạo TP Hà Nội phải tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp sát với thực tế, có tính khả thi, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP. Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; nâng cao năng lực sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên... thông qua hệ thống các Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định của Trung ương.…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực