TP Hồ Chí Minh phải chủ động phòng chống dịch, không để tình huống xấu xảy ra

Thứ ba, 16/11/2021 19:22
(ĐCSVN) – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần chủ động hơn, giải quyết hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của mình với tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp để cùng nhau cố gắng vượt qua các trở ngại.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: Tự Trung)

Ngày 16/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khóa XV đơn vị số 10 và đơn vị số 2 đã tiếp xúc cử tri trên địa bàn Thành phố nhằm báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Trong buổi sáng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 đã tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng với tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 tiếp xúc cử tri quận 1, 3, Bình Thạnh.

Sau dịch bệnh TP. Hồ Chí Minh cần lấy lại vị thế (Nguồn: vtvgo.vn) 

Cử tri các quận, huyện đánh giá cao kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV vừa qua, trong đó có sự điều hành linh hoạt của Quốc hội trong chất vấn và trả lời chất vấn. Cử tri cũng bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Thành phố quan tâm hơn nữa đến các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị xem xét tiêm vắc- xin cho học sinh để học sinh sớm quay trở lại trường học và tiêm mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Một vấn đề nữa cũng được cử tri quan tâm đó là nâng cao chất lượng y tế cơ sở, xem xét có giải pháp tăng cường nhân lực, vật lực cho lực lượng cơ sở này, nhất là bác sĩ có chuyên môn.

Phát biểu khi tiếp xúc với cử tri, Chủ tịch nước cho rằng đợt dịch thứ tư vừa qua đã để lại hậu quả nặng nề cho đất nước, nhất là đối với TP Hồ Chí Minh khi có hơn 17.000 người tử vong, kinh tế - văn hóa - xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng, người dân thất nghiệp, nhiều trẻ bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ với những mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao tinh thần nỗ lực của hệ thống chính trị và đặc biệt là người dân Thành phố đã kiên cường, đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo cùng với sự hỗ trợ của các ngành từ trung ương, địa phương để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế - văn hóa - xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Ban Bí thư đã quyết định tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 vào ngày 19/11 tới.

Chủ tịch nước tặng quà cho UBND quận 1 nhân buổi tiếp xúc cử tri (Ảnh: Hoàng Triều)

Với kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hết sức nỗ lực để có nguồn vắc- xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm cho Nhân dân. Trao đổi với cử tri về việc khắc phục hậu quả COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước cho rằng những tổn thất nặng nề do dịch bệnh gây ra có thể phải khắc phục trong thời gian dài, kéo dài đến năm 2022, đầu năm 2023, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm phát sinh hằng ngày của TP Hồ Chí Minh vẫn trên dưới 1.000 ca.

“Chúng ta phải tiếp tục giải quyết hậu quả của dịch bệnh trong một thời gian dài, không phải năm nay, năm 2022 mà có thể sang cả năm 2023 mới khôi phục các hoạt động trở lại bình thường. Trong bối cảnh dịch bệnh ở châu Âu đang rất nặng nề, ở TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 1.000 ca nhiễm thì chúng ta không thể chủ quan”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cho rằng TP Hồ Chí Minh cần có đánh giá để biểu dương, đề nghị khen thưởng những nghĩa cử cao đẹp, những đóng góp, qua đó góp phần giúp Thành phố vượt qua dịch bệnh, như lực lượng tuyến đầu, lực lượng tại chỗ, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp… thiện nguyện, làm nhiều việc cứu dân. Theo Chủ tịch nước, tinh thần tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Do đó, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng để tinh thần này càng lan tỏa, thấm sâu trong Nhân dân.

Trong giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19, Chủ tịch nước yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19, nỗ lực bao phủ vắc-xin, hạn chế tối đa các trường hợp trở nặng và tử vong. Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân hiểu hiểu tình hình dịch bệnh hiện nay, không lơ là chủ quan, luôn luôn thực hiện 5K.

Chủ tịch nước đề nghị TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội; thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ; cần cụ thể hóa "mục tiêu kép" thành mục tiêu nhỏ, cụ thể ở chính quyền các cấp.

Chủ tịch nước cho rằng cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động hơn, giải quyết hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của mình với tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp để cùng nhau cố gắng vượt qua các trở ngại. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch lần thứ 5 có thể xảy ra. Trong đó, việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình phải được quan tâm một cách thấu đáo, không để tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên phải chuyển động mạnh mẽ, nhanh chóng phục hồi kinh tế với tinh thần "khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba", vượt qua khó khăn, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành thành phố gương mẫu, phát triển với tốc độ cao. "Chúng ta phải nhanh chóng khắc phục những bất cập để hình ảnh TP Hồ Chí Minh tỏa sáng trên mọi phương diện", Chủ tịch nước lưu ý.

Theo Chủ tịch nước, TP Hồ Chí Minh nên hướng tới nền kinh tế sáng tạo, trong đó chú ý hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các cải cách sâu, rộng, điều hành kịp thời. Bên cạnh đó là tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội cho phát triển; triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, có chương trình nhà ở an toàn, sản xuất an toàn cho người dân.

* Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 10 sáng ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã trao đổi về một số trọng tâm trong công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi bên lề hội nghị (Ảnh: Tự Trung)

Theo Chủ tịch UBND Thành phố, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã vượt qua đỉnh dịch – giai đoạn khó khăn nhất nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Thành phố không được chủ quan, lơ là mà phải tiếp tục kiểm soát dịch để ổn định đời sống và mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Với tinh thần đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch trên 3 trụ cột: phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và an sinh xã hội.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho biết, khi dịch được kiểm soát, TP Hồ Chí Minh đã mở dần các hoạt động kinh tế - xã hội theo nguyên tắc an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa tới đó. Việc phục hồi không chỉ tạo ra doanh thu, tăng trưởng mà còn là công ăn việc làm, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, đến nay, TP Hồ Chí Minh đang cơ bản phục hồi dần. Cụ thể, gần 100% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoạt động trở lại, quy mô hoạt động từ 70-90% tùy ngành.

Tuy nhiên, các cơ sở ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là các ngành dịch vụ chưa đạt công suất tối đa như mong muốn. Bởi, việc này phụ thuộc vào thị trường, đầu vào, lao động và các điều kiện khác như vốn để tổ chức lại sản xuất.

Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, cùng với các chính sách của Trung ương, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Thành phố đang hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chia làm 2 giai đoạn: từ nay đến giữa năm 2022 là giai đoạn phục hồi và từ giữa năm 2022 trở đi là giai đoạn phát triển.

Đề cập đến vấn đề được nhiều người dân quan tâm là mở cửa lại trường học, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng với một thành phố có 1,7 triệu học sinh như TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế Thành phố chuẩn bị các điều kiện có thể mở lại trường học. Trong tuần này, Thành phố sẽ làm việc với ngành giáo dục, ngành y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực