Tuổi đã cao, con lại bị nhiễm chất độc da cam, nhưng mỗi ngày, ông Tám vẫn miệt mài chăm sóc hơn 2ha cao su, hồ tiêu, lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Ông trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, thoát nghèo ở xã Bom Bo.
Tháng 8/1961, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Tám tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Có sức khỏe, dũng cảm, mưu trí, không ngại gian khổ, anh được chọn làm chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn 6, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cuối tháng 12/1971, một lần Nguyễn Văn Tám cùng tổ trinh sát nắm tình hình địch chuẩn bị càn quét vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để phục vụ tác chiến, khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, anh vấp phải mìn và bị 12 vết thương.
Vợ chồng cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Tám. Ảnh: Duy Hiển
Ông Tám nhớ lại: “Giữa cánh rừng rậm rạp, tôi đang tìm con đường mòn, bỗng một tiếng nổ chát chúa, đất đá tung lên mù mịt. Tôi và đồng đội nhanh chóng nằm rạp xuống đất. Đưa tay sờ xuống chân và thân mình, thấy máu, tôi biết mình bị thương và nghĩ mình không thể sống được… Thế nhưng được đồng đội băng bó, cứu chữa, chuyển về tuyến sau điều trị kịp thời, khi vết thương thuyên giảm, tôi lại xung phong trở lại đơn vị chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam”.
Năm 1977, rời quân ngũ, ông Tám lập gia đình với bà Dương Thị Loan, cùng ở xã Bom Bo. Hoàn cảnh khó khăn, song ông Tám không hề trông chờ vào chế độ chính sách của Nhà nước. Ông cần mẫn tự khai hoang bãi đất trống khô cằn với nhiều hố bom, được hơn 2ha đất để trồng sắn, ngô, hoa màu. Năm 1981, sinh người con Nguyễn Mạnh Thế không may bị mất trí nhớ, khiến cuộc sống gia đình ông càng khó khăn vất vả. Không có trí nhớ, nhiều lần Nguyễn Mạnh Thế còn đuổi đánh ông và người thân. Đi khám bệnh, biết con bị mất trí nhớ là do ảnh hưởng chất độc da cam, ông vẫn nhẫn nại, kìm nén vết thương lòng, không một lời kêu than và tích cực lao động sản xuất. Năm 1999, ông còn chủ động tìm hiểu kỹ thuật và trồng được hơn 2ha cao su, hồ tiêu.
Công việc của ông luôn bận rộn từ sáng sớm đến tối ở ngoài vườn. Nhiều lần vết thương tái phát phải nhập viện, song ông vẫn vui vì chính mảnh đất ông đã chiến đấu, hy sinh một phần xương máu, đã đem lại cuộc sống tốt đẹp. Chăm chỉ lao động, năm 2016, trừ chi phí, gia đình ông thu lợi hơn 40 triệu đồng. Các con của ông cũng khôn lớn, trưởng thành.
Không chỉ làm kinh tế cho gia đình, ông Tám còn tích cực vận động đồng đội, bà con trong thôn, ấp chuyển đổi cây trồng, đồng thời gương mẫu thực hiện tốt phong trào của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Bom Bo.
Thấy nhiều hội viên còn nghèo, năm 2007, ông Tám còn đề xuất Hội CCB xã thành lập “Quỹ đồng đội giúp nhau vượt khó”. Theo đó, mỗi hội viên tự nguyện đóng góp 3 triệu đồng xây dựng quỹ (được tổng cộng gần 50 triệu đồng) dùng xoay vòng cho hội viên nghèo vay vốn 3-5 triệu đồng/năm, không tính lãi để phát triển kinh tế.
Những năm qua, Hội CCB xã Bom Bo đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Kinh nghiệm, cách làm này của Hội CCB đã được cấp ủy, chính quyền xã Bom Bo chỉ đạo nhân rộng./.