(LTS) – Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Đây được coi là công cụ “hợp pháp” để bảo vệ doanh nghiệp và cũng là tấm vé thông hành đưa nông sản Việt nhập làn “cao tốc EVFTA”.
Bài 1: Chỉ dẫn địa lý – “cú huých” đưa nông sản Việt ra biển lớn
(ĐCSVN) - Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải xây dựng được thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL)… để nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng các ưu đãi thuế quan mà các EVFTA mang lại, đồng thời là công cụ bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng hóa, nông sản Việt Nam. Đây cũng chính là “cú huých” đưa thương hiệu Việt vươn ra “biển lớn”.
Khơi thông “dòng chảy” nông sản Việt
Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo hộ CDĐL sẽ trao cho doanh nghiệp, tổ chức, địa phương quyền được “ngăn cấm” những người không có thẩm quyền sử dụng CDĐL, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Mặt khác, bảo hộ CDĐL để chúng không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.
|
|
Nhờ được bảo hộ CDĐL, nông sản Việt Nam dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. |
Việc duy trì chất lượng sản phẩm mang CDĐL không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải... CDĐL cũng được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm về mặt chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT (sở hữu trí tuệ) - CDĐL đã mang lại lợi ích cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, địa phương khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và thế giới.
Là một nước nông nghiệp đặc thù, Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn được xây dựng thương hiệu, bảo hộ CDĐL tạo uy tín, thương hiệu, góp phần phát triển kinh tế trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Theo Cục SHTT, tính đến 31/12/2020 Việt Nam đã bảo hộ 101 CDĐL, trong đó 6 CDĐL của nước ngoài và 95 CDĐL của Việt Nam. Số lượng CDĐL được bảo hộ tăng nhanh, năm 2007 chỉ có 10 CDĐL, đến năm 2020 số lượng CDĐL đã tăng 101 (gấp 10 lần). Tính đến nay đã có 49 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ, trong đó có 26 tỉnh/thành phố đã có từ 2 CDĐL trở lên như: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận và Bạc Liêu. Đặc biệt có nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang có từ 5 đến 7 CDĐL… Việc ngày càng nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng hàng hóa đó trên thị trường.
Có thể thấy sản thẩm chè Tân Cương, Phúc Linh của tỉnh Thái Nguyên là một minh chứng điển hình. Tại Hợp tác xã (HTX) nơi đây, sau khi sản phẩm chè được gắn logo và mang nhãn hiệu chè Tân Cương đã khẳng định được chất lượng, nguồn gốc và thương hiệu của sản phẩm. Việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT- CDĐL đã khiến bà con nơi đây mở rộng sản xuất, sản phẩm làm ra nâng cao sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hay thanh long Bình Thuận sau khi được bảo hộ CDĐL, những người sản xuất thanh long nơi đây đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất trái thanh long, cải thiện được chất lượng quả thanh long, góp phần cải thiện ngành nông nghiệp Bình Thuận.
Còn tại Quảng Ninh, sau khi được đăng ký CDĐL, chả mực Hạ Long cũng đã tăng giá 15% so với trước đây. Tương tự Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sau khi có CDĐL giá bán cũng tăng 30%… Bên cạnh đó còn nhiều sản phẩm khác sau khi được bảo hộ CDĐL, giá trị sản phẩm có sự thay đổi rõ rệt như: Mật ong bạc Hà của cao nguyên núi đá Đồng Văn giá bán tăng từ 250.000đ/lít lên tới 450.000đồng/lít; bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, Cam Vinh đã tăng lên hơn 50%...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam có rất nhiều đặc sản có giá trị cao nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm tuy có chất lượng tốt nhưng vì chưa được bảo hộ thương hiệu nên gặp phải nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường, giá tiêu thụ thấp khiến người sản xuất phải chịu nhiều thiệt thòi... Bởi vậy, xu hướng chung của thị trường hiện nay luôn đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ.
Việc bảo hộ CDĐL sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về những sản phẩm đặc biệt được sản xuất theo quy trình chặt chẽ, từ đó họ sẽ mua nhiều và kích thích được sản xuất. Đó là bước đầu tiên giúp xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm và giúp các đặc sản có thể đứng vững tại thị trường trong nước và “bay xa” ra các thị trường ngoài nước.
Cơ hội có vé “xuất ngoại”
Không chỉ bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu trong nước … những năm gần đây Việt Nam đã chú trọng định hướng, nâng cao số lượng nông sản được bảo hộ CDĐL tại nước ngoài. Đây cũng là vấn đề cấp thiết khi Việt Nam đã gia nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, tuân thủ theo các nguyên tắc của “sân chơi lớn” – EVFTA và đặc biệt để bảo vệ cho sản phẩm mang thương hiệu riêng của Việt Nam, tạo được tiếng vang trên thị trường thế giới.
|
|
Vải thiều Lục Ngạn được cấp CDĐL tại Nhật Bản khẳng định nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình, vươn xa ra thế giới. |
Có thể thấy, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu – EU (gồm 28 nước thành viên). Khi đã được bảo hộ tại EU, chỉ có sản phẩm nước mắm sản xuất, đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc mới đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng để được phân phối vào thị trường này với tên gọi “Phú Quốc”. Điều này đảm bảo người tiêu dùng mua được đúng sản phẩm có chất lượng đặc trưng, chính hiệu, giúp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tại thị trường EU.
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ CDĐL, lượng nước mắm xuất khẩu vào thị trường này đã tăng đáng kể, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại. Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada… Đặc biệt, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, dự kiến EU sẽ đồng ý bảo hộ cho 39 CDĐL của Việt Nam với các sản phẩm có thế mạnh khác nhau.
Trường hợp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là một minh chứng điển hình. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ CDĐL, quả vải nơi đây đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản…Gần đây nhất là ngày 12/3/2021, việc quả vải thiều Bắc Giang - sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.
Theo Bộ khoa học và Công nghệ, việc Nhật Bản bảo hộ CDĐL cho vải thiều Lục Ngạn cho thấy nền nông nghiệp Việt đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được điều kiện và tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.
Như vậy rõ ràng việc bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm đặc sản đang là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi, nâng cao giá trị hàng hoá trong nước, đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tạo cơ hội xúc tiến xuất khẩu cho các nông sản, đặc sản ra thị trường nước ngoài làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đưa nông sản Việt “vươn xa” ra thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải vượt qua. Từ câu chuyện nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại EU hay quả vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ CDĐL tại Nhật, mong rằng tới đây nông sản Việt Nam sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm để thêm nhiều sản phẩm đủ điều kiện, uy tín chinh phục thị trường “khó tính”.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. |
(Còn nữa)
Bài 2: Bảo hộ CDĐL nước ngoài - Cơ hội lớn cho “vựa vải” miền Bắc
Bài 3: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý – cơ hội cho nông sản Sơn La
Bài 4: Bảo hộ CDĐL, nhập làn "cao tốc hiện đại” – Khó vẫn phải làm
Bài 5: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới