leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang từng bước mở cửa kinh tế sau một thời gian dài “đóng băng” vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã lên kế hoạch khôi phục sản xuất nhưng lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân do một số lượng lớn người lao động đã đi về quê nhà trước đó. Để kêu gọi công nhân trở lại nhà máy, nỗ lực của doanh nghiệp thôi là chưa đủ, họ còn cần có sự chung tay của chính quyền địa phương.

“Giữ chân” người lao động, bảo vệ sản xuất

Với tình trạng việc làm chính thức bị thu hẹp, số lao động có việc làm phi chính thức quý II/2021 tăng 1,4 triệu người so cùng kỳ, lên 20,9 triệu người, chiếm 57,4% tổng số lao động có việc làm. Ủy ban Xã hội của Quốc hội chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động phi chính thức có việc làm hiện nay được ghi nhận là cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, đồng nghĩa việc gia tăng số người bị tước đi cơ hội có việc làm chính thức, rơi vào trạng thái dễ tổn thương do việc làm không ổn định, thiếu bền vững, thu nhập thấp, ít có cơ hội tham gia, thụ hưởng an sinh xã hội.

Trước việc dòng người đổ về quê từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và những tỉnh, thành phố từng là tâm điểm của dịch COVID-19 ngày càng nhiều, vấn đề đặt ra là làm gì để “giữ chân” người lao động ở lại, bảo đảm được nguồn nhân lực cho những trung tâm kinh tế này? 

leftcenterrightdel
Khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... nới lỏng giãn cách xã hội, đã có hàng chục ngàn người lao động ùn ùn kéo về quê  

Ở chiều ngược lại, các địa phương tiếp nhận “người hồi hương” cần nhìn nhận việc người dân đổ về quê hiện nay ra sao?  Đâu là mô hình kinh tế thích hợp để giải quyết việc làm cho những người lao động này?

Thực tế, từ ngày 1/10, sau khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, mỗi ngày có hàng chục ngàn người dân là những người lao động trên địa bàn ùn ùn kéo về quê. Phần lớn họ đều là những người lao bị mất việc làm và không có thu nhập trang trải cuộc sống để chờ đợi đi làm trở lại. 

Lượng người ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê lớn đồng nghĩa với việc các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch vì thiếu nguồn lao động. Theo thống kê, chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, số lượng lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất hiện chỉ khoảng 135.000 người, bằng 46% so trước đây. Trong khi TP Hồ Chí Minh đang có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đóng trên địa bàn, đem lại gần 1/5 giá trị sản xuất công nghiệp cho thành phố và là đầu tàu xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Tương tự, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiêp tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín cho biết, đã có nhiều người lao động về quê, cộng thêm với số lao động đang về và muốn về khiến các nhà máy chỉ còn khoảng 50% công nhân. Điều này đồng nghĩa với việc công suất sản xuất của doanh nghiệp giảm một nửa. Bình thường sau Tết Nguyên đán mọi năm, các doanh nghiệp vẫn bị thiếu khoảng 20-30% lao động, nhưng có thể được giải quyết trong ngắn hạn vì người lao động chủ yếu là dịch chuyển chỗ làm. Còn hiện nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, mong muốn của người lao động chủ yếu là về quê ở hẳn nên vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp sẽ kéo dài từ nay đến cuối năm. Chính vì vậy, vấn đề tuyển lao động cũng không dễ dàng.

leftcenterrightdel
 

Tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nhất là khi các doanh nghiệp đang dần phục hồi sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới” cần phải giải quyết ngay. Vì từ nay trở đi, các doanh nghiệp cần tăng công suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm. Và doanh nghiệp chỉ có thể tăng tốc sản xuất khi có đủ số lao động, nhất là các ngành như: da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

Việc cần làm lúc này là cần phân loại nhu cầu của người lao động để có phương án phù hợp nhất với những nhóm lao động vẫn mong muốn bám trụ lại thành phố. Cần quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động tự do, lao động thời vụ, lao động bị mất việc trong nhiều tháng... Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất để thực hiện mục tiêu kép “vừa sản xuất, vừa chống dịch”.

Các tỉnh, thành phố trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… những ngày gần đây cũng đã chủ động phối hợp doanh nghiệp và các địa phương để có kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc. Các địa phương này đã thực hiện đưa đón công nhân bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy theo mã QR của phương tiện giao thông và xe đưa đón của doanh nghiệp. Người lao động có thể đi bằng phương tiện cá nhân khi chấp hành tốt quy định của các địa phương. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố này cũng thiết lập khu tạm trú cho công nhân ngoại tỉnh trở lại làm việc tại những địa điểm gần với doanh nghiệp đang làm việc.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với những người lao động mong muốn về quê vì không còn lựa chọn nào khác, các địa phương cần phối hợp để hỗ trợ họ trở về an toàn. Thay vì lo ngại người lao động về quê có thể làm bùng phát dịch bệnh, các địa phương cần nhìn nhận cuộc di chuyển lao động quy mô lớn hiện nay chính là cơ hội nhằm khai thác tốt hơn nguồn lực lao động phục vụ cho nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông nghiệp nông thôn thông qua việc tham gia các chuỗi giá trị của các tổ hợp tác, doanh nghiệp tại địa phương.

Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025, trong đó có vấn đề “đại sự” là lao động, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV. Do đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể, toàn diện, dài hạn về kinh tế - xã hội, nhất là về lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, trợ giúp xã hội để thích ứng tình hình dịch COVID-19, phục hồi nền kinh tế và các quan hệ lao động bị đứt gãy, gián đoạn do giãn cách xã hội. Xây dựng các tiêu chuẩn lao động và cơ chế điều chỉnh các quan hệ lao động mới phù hợp tình hình dịch COVID-19. 

Dồn lực lo cho cả người ở lại và người về quê

Những ngày vừa qua, ngay khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng và không còn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những đoàn người lao động gốc gác miền Tây và các tỉnh phía Bắc làm việc ở đây đã ùn ùn trở về quê bằng xe máy. Trước đó, nhiều tỉnh thành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tổ chức đón công nhân từng làm việc ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… về quê nhà theo nguyện vọng của người lao động.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này có khoảng một triệu người lao động, trong đó hơn 174.000 người làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện Đồng Tháp đang triển khai đưa hàng ngàn người lao động tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh về quê.

Ông Mai Hữu Tín cho hay, đã có nhiều người lao động tại địa phương này đi về quê, nếu tính thêm những người đang có nguyện vọng tiếp tục hồi hương, sắp tới đây các nhà máy trên địa bàn có thể chỉ còn khoảng 50% lượng công nhân cơ hữu.

Còn theo ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, một doanh nghiệp có nhà máy sản xuất các thiết bị điện tại tỉnh Bình Dương chia sẻ, khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì việc giữ chân người lao động. Theo đó, công nhân không tham gia hoạt động sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” tại nhà máy vẫn được doanh nghiệp trả lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng. Do đó, ngay sau khi Bình Dương mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại, doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi kêu gọi các nhân viên quay lại làm việc. Dây chuyền sản xuất hiện tại của doanh nghiệp đang được khởi động lại và hoạt động hết công suất, xử lý khoảng 50% đơn hàng đang tồn đọng lại để kịp giao cho các đối tác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang tuyển dụng thêm khoảng 30% quy mô nhân sự để gia tăng năng lực sản xuất.

leftcenterrightdel
Đây là dịp các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chính sách cho công nhân 
 

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh cũng cho biết, tỉnh này đang đối mặt thực trạng công nhân rời đi để về quê sau thời gian dài dịch COVID-19 bùng phát. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã gợi ý để các doanh nghiệp đặt chỗ, thậm chí ứng lương trước để công nhân có thể làm việc ngay trong tháng 10.  Song công nhân vẫn nhất quyết về quê một thời gian rồi sẽ quay lại làm việc. Đây là dịp các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chính sách cho công nhân. Doanh nghiệp nào có chính sách tốt thì người lao động sẽ quan tâm. Ở Long An có Công ty TNHH Chingluh với hơn 35.000 công nhân. Trong ba tháng phải ngừng sản xuất, họ vẫn chấp nhận chi khoảng 270 tỷ đồng/tháng cho việc trả lương để giữ chân công nhân. Với chính sách như vậy thì người lao động sẽ hưởng ứng khi doanh nghiệp kêu gọi họ trở lại làm việc.

Với những doanh nghiệp không có tiềm lực về tài chính để trả lương cơ bản khi không sản xuất như các trường hợp nêu trên, vẫn có những phương thức riêng để thu hút công nhân trở lại làm việc. Ngoài việc trả lương như thông thường, doanh nghiệp có thể thưởng thêm một vài tháng lương cho người lao động gắn bó với công ty, giúp họ có một khoản chi phí trang trải cho cuộc sống sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh bùng phát. 

Các chuyên gia nhân sự cho rằng các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền trong dại dịch, nhưng những thiệt hại khi phải ngưng trệ sản xuất, trễ đơn hàng sẽ vẫn nặng nề hơn một khoản chi phí để hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại sản xuất. Thực tế cho thấy, trong tháng sáu vừa qua, các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang cũng đã có một thời gian phải dừng hoạt động vì bùng phát số ca lây nhiễm COVID-19. Để nối lại sản xuất, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, không ít nhà máy tại đây đã đưa ra các chính sách khuyến khích như tăng lương dài hạn hoặc một thời gian ngắn trong dịch cho người lao động, cung cấp cho người lao động bữa ăn miễn phí khi ở lại nhà máy để duy trì sản xuất…

leftcenterrightdel
 

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bên cạnh ưu tiên hàng đầu vẫn là thực hiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho công nhân thì các doanh nghiệp cần quan tâm đến chính sách tiền lương. Bởi tâm lý của người lao động sau khi về quê sẽ có sự so sánh về thu chi. Nhiều người chọn phương án ở lại quê nhà mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại chi phí không đắt đỏ, được gần gũi gia đình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc tại các tỉnh thành lớn. Không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là thu hút lao động quay trở lại sản xuất, có không ít ý kiến cho rằng để giữ chân lao động dài hạn, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng các khu nhà và có chính sách bán trả góp cho công nhân.

Không để doanh nghiệp phải tự xoay sở

Khó khăn là không ít, song ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ niềm tin rằng các doanh nghiệp FDI luôn có giải pháp để duy trì đơn hàng của họ. Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn các sản phẩm như điện thoại di động, hàng điện tử, dệt may. Theo ông, các doanh nghiệp lớn như: Samsung, Adidas, Nike... chuyển đơn hàng sang nước khác chỉ là tình thế tạm thời, còn tới đây họ sẽ có nhiều chính sách tốt để thu hút công nhân quay trở lại. Tuy lao động bị đứt gãy nhưng không trầm trọng như chúng ta lo. Mở cửa dần dần nền kinh tế sẽ đi liền với việc doanh nghiệp thu hút lao động trở lại, có nghĩa sản xuất đến đâu tìm kiếm lao động đến đấy. Thiếu hụt lao động trong những năm tiếp theo sẽ không xảy ra.

Ông Tiến dẫn chứng như ngành du lịch, 100% số người lao động vẫn đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp, qua đó giữ chân người lao động. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ có kế hoạch khôi phục hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, thu hút lao động phù hợp kế hoạch phát triển. 

Phó Vụ trưởng Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Huy Minh thì cho biết, tới đây thị trường lao động sẽ được tái cấu trúc. Để quá trình thu hút lao động trở lại nhanh hơn thì doanh nghiệp có thể tăng mức lương, thưởng, thêm chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp tới người lao động gặp khó khăn để họ ổn định đời sống, tìm công ăn việc làm trong giai đoạn tới.

Để thu hút thì các doanh nghiêp phải có kế hoạch mời gọi người lao động. Song đây cũng là khó khăn khi thời gian vừa qua, các doanh nghiệp luôn phải đối mặt với tình cảnh chi phí tăng cao. Vấn đề mời gọi lại lao động chỉ là ngắn hạn. Về dài hạn, các doanh nghiệp, địa phương phải chung tay giải quyết nơi ăn, chốn ở và sinh kế cho người lao động để họ coi nơi làm việc như quê hương thứ hai, gắn bó lâu dài, bền vững hơn.

leftcenterrightdel
 

Từ quá trình quan sát thực tế, PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm, muốn thu hút lao động trở lại thì Ngân sách Nhà nước phải chi nhiều hơn. Người lao động sẽ không sớm trở lại nếu điều kiện làm việc, đời sống còn khó khăn. Thời gian qua, Nhà nước cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh song vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức, còn với người lao động di cư tự do thì họ vẫn rất khó khăn, không có chỗ nào “bấu víu” nên đành về quê. 

PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng, để nối lại chuỗi lao động đứt gãy thì chính quyền phải phối hợp doanh nghiệp để làm. Vẫn biết rằng với doanh nghiệp thì đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn liên quan tới lợi ích sát sườn, song Nhà nước đừng để doanh nghiệp lo vấn đề “đại sự” này một mình. Theo đó, các bên liên quan cần phối hợp nhau để biết người lao động đang ở đâu, có tâm tư nguyện vọng ra sao... Quá trình phối hợp này cần được bảo đảm không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong dài hạn. Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng về việc tổ chức lại chuỗi lao động hậu COVID-19. Theo đó, chúng ta cần bàn luận một cách căn cơ vấn đề nhà ở cho người lao động. Doanh nghiệp hàng chục nghìn công nhân thì nhà ở sẽ giải quyết thế nào. Đây là công việc rất quan trọng trong số những nhiệm vụ phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm.

Bài 1: Lao động-vấn đề "đại sự" cho cả trước mắt và lâu dài

Bài 3: Linh hoạt giữ lao động ở lại

Bài 4 Chủ động ổn định chuỗi cung ứng nhân lực 

Minh Phương
26/10/2021 16:44