leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Khi các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại sau đợt cao điểm chống dịch COVID-19 vừa qua thì vấn đề lớn nhất hiện nay chính là việc kéo người lao động trở lại làm việc. Thiếu công nhân, các doanh nghiệp cũng như địa phương cần chủ động, linh hoạt tìm giải pháp khi mở cửa sản xuất trở lại.

Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng

Khó khăn trong việc đi lại là một trong những nguyên nhân khiến người lao động ở các tỉnh chưa trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, trong khi nhu cầu lao động tại thành phố đang rất lớn. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 10 có hơn 6.000 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đăng ký hoạt động trở lại. Nhu cầu lao động ước cần khoảng 34.000 người, dự kiến đến cuối năm cần hơn 70.000 lao động.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian “rất khó khăn” đối với ngành dệt may. Ngành sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng, do đối tác phải chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại làm việc ngay.  

del

Theo kịch bản tích cực, Việt Nam cơ bản khống chế dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới” từ đầu tháng 10/2021, dự báo xuất khẩu năm nay đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, còn địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa thì xuất khẩu cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD. Còn ở kịch bản xấu, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp phong toả, giãn cách đến đầu tháng 12/2021. 

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi chia sẻ, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm theo thống kê ban đầu đang thiếu khoảng 1.000 công nhân. Hiệp hội đã báo cáo lên UBND TP Hồ Chí Minh và xin một cơ chế phối hợp giữa Thành phố với các tỉnh có công nhân, Hiệp hội sẽ đón công nhân trở về thành phố để cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Tại Bình Dương, từ những ngày đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Nhiều công ty lên kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất, nhưng chỉ có khoảng 50% số công nhân đăng ký trở lại làm việc. Số lượng công nhân ở lại làm việc thấp dẫn đến năng lực đáp ứng đơn hàng cho đối tác nước ngoài chỉ đạt 40 - 50% so với trước. Nguyên nhân chủ yếu là người lao động đã về quê hoặc tiếp tục xin nghỉ việc sau thời gian dịch bệnh.

del

Đánh giá về tình hình cung ứng nguồn lao động phục vụ khôi phục sản xuất từ tháng 10 đến cuối năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ cần khoảng 50.000 lao động để phục hồi sản xuất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, trong quá trình tiếp xúc cử tri ở tỉnh Bến Tre, gặp gỡ người lao động ở TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về Bến Tre và một số lao động khác về Trà Vinh, họ phản ánh không còn gì để sống, khó bám trụ được. Nhiều người lao động có con nhỏ, khó khăn đủ điều. Cho nên, việc trở về quê là nhu cầu thật sự của họ. Người lao động không phải không lưu luyến TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Đồng Nai bởi đây vốn là nơi mưu sinh, lập nghiệp của họ. Song, khi gặp khó khăn, những lao động này mong sự đùm bọc của quê hương để chờ đợi cơ hội khác. Điều này tạo hiệu ứng đám đông kéo nhau về quê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, khi người lao động về quê sẽ xảy ra tình trạng bất hợp lý về mặt cung cầu lao động giữa các địa phương. Tại một số địa phương lớn - thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Trong khi đó, với những công nhân đã về quê sẽ xảy ra tình trạng thiếu việc làm hoặc chưa bố trí được công việc ngay.

Xu hướng hiện nay chính là công nhân di chuyển từ tỉnh, thành phố lớn có dịch bệnh về quê - những nơi không có, hoặc sự lây lan của dịch bệnh còn hạn chế. Đây là một sức ép rất lớn đối với chính nơi người lao động trở về trong việc giải quyết đời sống, việc làm cho họ. Do đó, giữa các tỉnh cần tính toán đến việc trợ lực, liên kết với nhau để phục hồi thị trường lao động. Địa phương cần thống kê được chính xác số lượng người về và khả năng đáp ứng việc làm đối với nguồn lao động này.

Mặt khác, chính những địa phương đang thiếu hụt lao động cần có chính sách kêu gọi người lao động trở lại làm việc. Trong đó có thể liên hệ với những địa phương đang dư thừa, chưa bố trí được việc làm cho người lao động. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cánh hỗ trợ phòng, chống dịch tại khu công nhân ở, kêu gọi hỗ trợ giảm giá thuê nhà cho công nhân...

Nỗ lực thu hút lao động quay trở lại

leftcenterrightdel

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, để doanh nghiệp chủ động kế hoạch phục hồi sản xuất, địa phương cần tiếp tục phủ rộng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân để họ yên tâm trở lại nhà máy. Cụ thể, cần đẩy nhanh việc tiêm mũi 2 cho hơn 100.000 công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, công nhân làm việc trong các nhà máy tại TP Hồ Chí Minh đa phần là từ các tỉnh miền Tây nên họ chưa thể tự thân di chuyển vào thành phố để đến nhà máy làm việc. Do đó, cần có sự liên kết thống nhất, liên thông giữa các địa phương phía Nam để tạo sự thuận tiện trong việc dịch chuyển đi lại làm việc. Bởi nếu tỉnh này mở, tỉnh kia đóng thì cũng không tạo ra sức mạnh liên kết nội vùng và liên vùng.

TP Hồ Chí Minh đang từng bước quay lại trạng thái bình thường, “bình thường mới”. Tâm bão COVID-19 có lẽ đã đi qua, dù còn nhiều ngổn ngang và bất trắc, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Nhưng khi tái khởi động, vấn đề lớn nhất của thành phố có lẽ là nhân lực. Hàng trăm ngàn lao động đã về quê kể từ khi dịch bùng phát, và ngay khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng chục ngàn người đã có mặt tại các cửa ngõ để được hồi hương.

Khảo sát từ Bộ Công an cho biết hơn 2,1 triệu người, chiếm 60% tổng số lao động nhập cư ở TP Hồ Chí Minh và Long An, Bình Dương, Đồng Nai, có nguyện vọng về quê. Nếu tất cả nguyện vọng đều được đáp ứng, khó có thể tưởng tượng thành phố sẽ vận hành như thế nào trong “bình thường mới”. Hiện tại, chỉ số sử dụng lao động của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 37% so cùng kỳ năm ngoái. Thành phố không khác gì cỗ máy không có động cơ.

Nhìn vào thực tế những tháng phong tỏa vừa qua, lựa chọn của họ không quá khó hiểu. Họ - “động cơ” của nền kinh tế Thành phố, phải chen chúc sống trong những gian nhà trọ chật hẹp, nóng bức, không đủ điều kiện vệ sinh trong hàng tháng trời. Thu nhập không có, tiền nhà trọ vẫn phải nộp, lương thực khan hiếm và nếu có thì cũng với mức giá đắt đỏ không thể mua nổi. Những ai mang theo cả gia đình vào thành phố, cuộc sống còn cực khổ hơn gấp bội. Họ buộc phải chờ đợi vào các khoản hỗ trợ của chính quyền, mà như lãnh đạo thành phố thừa nhận, không phải lúc nào cũng kịp thời và đầy đủ.

Ở trong hoàn cảnh như vậy, điều người ta muốn là trở về nhà là lẽ thường. Về quê cũng có rủi ro, nhưng ít nhất họ đối diện với chúng cùng gia đình. Ở lại, phần lớn họ phải chống chọi một mình trong trò sự đe dọa của COVID-19. Trong số các doanh nghiệp quan ngại về thiếu lao động, có bao nhiêu đã hỗ trợ lao động của mình trong thời gian phong tỏa? Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, e là con số này là không nhiều.

Câu chuyện “đảm bảo nguồn cung lao động”, bởi thế, không phải đơn giản là chuyện mời gọi và giải quyết vấn đề di chuyển là xong. Không thể tiếp tục đối xử với người lao động như một đầu vào tư bản hay hàng hóa, khi cần thì mua, khi không còn nhu cầu thì bỏ mặc. Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung được hưởng lợi nhiều từ nguồn lao động giá rẻ. Nhưng những thành quả không được tái phân bổ đủ nhiều để đảm bảo phúc lợi tối thiểu cho người lao động: từ chính sách về nhà ở, điều kiện làm việc, y tế, cho đến giáo dục cho con em của họ. Khi khủng hoảng diễn ra, sức chống chịu của họ gần như bằng 0. Thử hỏi bạn sẽ chịu đựng được bao lâu nếu phải “phong tỏa” trong một căn phòng trọ rộng 10 mét vuông với 10 người hàng tháng trời?

del

Người lao động không thể không nhớ tới năm tháng đó khi quyết định có trở lại thành phố hay không. Khi bão đi qua, họ phải tiếp tục những lựa chọn mưu sinh. Ở TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế cả nước, sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng họ cũng phải cân nhắc trước những rủi ro và nếu thành phố và doanh nghiệp chưa có gì bảo đảm người lao động sẽ được đối xử tốt hơn đợt phong tỏa vừa qua thì quay lại làm việc không phải là lựa chọn dễ dàng. Bởi vậy, trước khi nói về thiếu hụt nguồn cung lao động, thành phố cần phải nói đến chính sách phúc lợi sẽ thay đổi như thế nào để giúp người lao động thực sự yên tâm đóng góp cho thành phố. Không thể chỉ hứa là sẽ “chăm lo chu đáo”, “không bỏ ai lại phía sau”, nhưng không đề cập tới các giải pháp cụ thể. Muốn người lao động “cứu” doanh nghiệp, phải cho họ thấy tấm lưới an sinh đỡ lấy họ trong bất trắc.

Tất nhiên, làm gì cũng cần có tiền, và một chính sách phúc lợi bao trùm hơn thì không hề rẻ. Đây lại là chuyện không phải thành phố muốn là được. Phúc lợi cho người lao động ở TP Hồ Chí Minh cũng là phúc lợi cho cả nước, bởi một phần thu nhập của họ được gửi về cho gia đình, gián tiếp góp phần kích thích phát triển kinh tế địa phương. Khi động cơ được bảo dưỡng tốt, đầu tàu sẽ vận hành trơn tru. Khi đầu tàu vận hành trơn tru, những toa tàu khác cũng sẽ đủ sức để đi đúng hướng trong chặng đường hồi phục nhiều khó khăn thời hậu COVID-19.

Lao động là tài sản của doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhận định, sau khi các tỉnh, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, để giữ chân và tuyển mới được lao động, doanh nghiệp cần có sự quan tâm đãi ngộ người lao động, quan tâm đến những người đang còn làm việc, những lao động đang nghỉ không lương, kêu gọi lao động trở lại làm việc để họ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất hàng thể thao MXP (Hà Nội), trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành nghề khác vẫn có thể làm việc trực tuyến được, thì ngành dệt may lại không. Chính vì vậy, trong những tháng vừa qua, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Dù vậy, công ty vẫn duy trì hỗ trợ người lao động, những ngày lễ vẫn có thưởng cho người lao động nhưng ở mức thấp hơn. Doanh nghiệp đã cam kết với người lao động phải giữ bằng được người lao động làm việc. Bởi, đối với nghề may, để đào tạo một người lao động lành nghề rất khó. Vì lẽ đó, Công ty luôn xác định, người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Do đó, kết quả kinh doanh năm nay có hoà hoặc lỗ vốn thì vẫn phải đảm bảo những chi phí tối thiểu để giữ chân người lao động.

del

Xác định người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp nên nhiều chính sách kêu gọi, vận động người lao động ở lại làm việc đã được triển khai, đáp ứng yêu cầu tái sản xuất khi TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại nền kinh tế. Mục tiêu trước mắt là ổn định công việc, cuộc sống của người lao động đang tham gia sản xuất, từ đó tạo được niềm tin đối với người lao động đã về quê tránh dịch để họ trở lại làm việc. Xác định rõ điều đó nên dù phải tạm ngưng sản xuất từ tháng 6, Công ty PouYuen Việt Nam vẫn duy trì trả lương cho người lao động. Thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn nhất vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội. Đây là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động.

Thống kê từ Ban Quản lý các Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất TP Hồ Chí Minh, đã có khoảng 31.000 lao động về quê. Để vận động số lao động này quay trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp đã thành lập Ban Truyền thông liên lạc, kêu gọi từng người lao động, thậm chí cả gia đình người lao động, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin như tiến độ tiêm vaccine, chế độ ưu đãi của doanh nghiệp.

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với người lao động đã về địa phương, sau khi tiêm vaccine mũi 1 chưa có cơ hội tiếp cận tiêm mũi 2, Ban Quản lý đã lên kế hoạch cho họ được tiêm mũi 2.

Lo lắng về an toàn sức khỏe bản thân là nguyên nhân khiến người lao động ngại quay trở lại làm việc thời điểm này, dù các doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội. Hiểu được tâm lý này, ngay sau đợt giãn cách, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư nâng cấp, cải tạo chất lượng y tế tại chỗ. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh khẳng định, trong công ty, nhà máy sẽ có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm tại chỗ định kỳ và đặc biệt có tủ thuốc điều trị COVID-19.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, để khắc phục vấn đề thiếu lao động hiện nay, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sát với nhu cầu, tâm lý, quyền lợi của người lao động. Theo đó, các địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội; doanh nghiệp cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, tăng cường tuyên truyền việc dịch chuyển về quê ồ ạt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh...

leftcenterrightdel

Bài 1: Lao động-vấn đề "đại sự" cho cả trước mắt và lâu dài

Bài 2: Nỗ lực nối lại chuỗi lao động bị "đứt gãy"

Bài 4: Chủ động ổn định chuỗi cung ứng nhân lực

Minh Phương
27/10/2021 17:12