leftcenterrightdel

Bài 3: Ngư dân Quảng Bình “đưa rác vào bờ”, bảo vệ môi trường biển sau chuyến ra khơi

(ĐCSVN) - Từ một xã vùng biển có lượng rác trôi nổi nhiều, đến nay, xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường biển. Ngư dân cũng đã ý thức hơn việc đưa rác về bờ sau mỗi chuyến ra khơi.

"Nhức nhối" rác thải nhựa

Là quốc gia biển, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế để phát triển nền kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia có lượng lớn rác nhựa thải ra biển hàng năm. Bởi vậy, quản lý rác thải nhựa đại dương để hướng đến nền kinh tế biển xanh và “vươn ra biển lớn”, cần phải hành động khẩn cấp, mạnh mẽ và kịp thời hơn trong việc chống rác thải nhựa, chuyển đổi theo xu hướng phát triển kinh tế biển xanh. 

Là tỉnh ven biển miền Trung với đường bờ biển dài, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình có nhiều thôn, xã hội tụ đầy đủ các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển xanh, trong đó phải kể đến xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Nằm ở phía Đông thành phố Đồng Hới, xã Bảo Ninh có diện tích tự nhiên 1676,33 ha, có chiều dài bờ biển là 12km và 8km bờ sông rất thích hợp cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. 

Hiện toàn xã có tổng 2.679 hộ với 10.952 nhân khẩu, sống tập trung tại 8 thôn gồm: thôn Mỹ Cảnh, Đồng Dương, Sa Động, Trung Bính, Hà Dương, Hà Thôn, Hà Trung, Cừa Phú. Bảo Ninh được ví như một đại công trình thi công khách sạn, nhà hàng để phát triển du lịch, nên đi kèm với đó là lượng rác thải xả ra môi trường cũng khá lớn.

Xã Bảo Ninh có lợi thế tiếp giáp với bờ biển dài và sông Nhật Lệ nên có nhiều nhà hàng dịch vụ phục vụ khách du lịch, với khoảng 20 nhà hàng ở khu Quảng trường và 45 nhà hàng quán ăn ở 4 thôn phía bờ sông. Những hoạt động kinh doanh này là một trong những nguồn góp phần dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải xả ra bờ sông, bờ biển; trong đó rác thải nhựa tập trung nhiều ở 4 thôn từ Sa Động, Đồng Dương, Mỹ Cảnh, Trung Bính.

leftcenterrightdel
Để phát triển kinh tế biển xanh, việc quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề cấp bách.

Mặc dù ở địa phương việc thu gom rác được thực hiện bởi Công ty Môi trường đô thị thành phố nhưng theo ước tính lượng rác thu gom chỉ đạt khoảng 70%, phần còn lại tập trung ở các bãi tắm tự phát, các điểm bờ sông Nhật Lệ.

Theo người dân và chính quyền nơi đây, với 45% người dân làm nghề đi biển, thời gian của người dân xã Bảo Ninh phần lớn ở trên biển nên rất ít được tham gia các cuộc truyền thông về môi trường, xử lý rác thải do địa phương tổ chức. Toàn xã có khoảng 207 tàu thuyền đánh bắt thủy sản và cũng là một trong những nguyên nhân góp phần xả ra môi trường biển lượng rác thải nhựa rất lớn.

Cũng theo thông tin từ các chủ tàu thuyền nơi đây, mỗi tháng tàu thuyền ra khơi một lần, thông thường một chuyến đi biển họ phải mang đi khoảng 5 thùng mì tôm, 2 thùng nước ngọt, 1 thùng bò húc, 2 thùng nước yến, túi ni-lon đựng thức ăn khoảng 30 cái, 1 thùng bánh kẹo khoảng 10 gói, 1 thùng sữa, muối, mì chính và nhiều vật dụng đựng/bao gói bằng nilon. Bởi vậy, toàn bộ rác thải nhựa sau sử dụng nếu không có biện pháp thu gom, khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển.

Thực trạng trên cho thấy tình trạng rác thải trên địa bàn xã Bảo Ninh là vấn đề đáng quan tâm và cần được giải quyết kịp thời.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Người dân xã Bảo Ninh thu gom rác của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi
 

Từ thực tế này, mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ” đã được triển khai. Mô hình được Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tài trợ và được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Môi trường Bền vững (SEEDS) cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh thực hiện.

Mô hình bắt đầu được triển khai từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cho ít nhất 50% thuyền viên đội thuyền đánh bắt thủy hải sản tham gia thu gom rác thải nhựa vào bờ và bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho người dân xã Bảo Ninh thực hiện tái sử dụng lưới hỏng, rách đan thành các túi đựng đa mục đích (túi lưới đựng thực phẩm cho người đi chợ, túi đựng rác cho các tàu thuyền ra khơi,..) nhằm giảm thiểu rác thải nhựa từ ngành đánh bắt thủy hải sản.  

Sẵn sàng "đưa rác vào bờ" sau chuyến ra khơi

Chia sẻ về những hoạt động hiệu quả từ mô hình “đưa rác vào bờ”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh cho biết, với bình quân 7-8 người trên một tàu, toàn bộ rác thải trên tàu nếu không có biện pháp thu gom thì khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm môi trường biển. Từ thực trạng đó, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn và làm giảm rác thải ra môi trường biển.

Chỉ trong 3 tháng thực hành các nhóm đã thu được khoảng 7500 chai, lon nhựa các loại và khoảng 200kg túi nilon. Số lon, chai nhựa được các nhóm thuộc chi hội phụ nữ các thôn thu gom sau các chuyến tàu đi biển về, số tiền bán được từ rác tái chế Hội Phụ nữ đã thu được khoảng 18 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ nghèo trong xã Bảo Ninh.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Ngư dân xã Bảo Ninh thu gom lưới hỏng, rác ở biển vào bờ. 
 

Ngoài ra, để triển khai tốt mô hình, với sự hỗ trợ kinh phí từ dự án WWF - Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và tập huấn kỹ thuật đan túi lưới đựng thực phẩm, túi lưới đựng rác thải nhựa trên tàu thuyền từ việc tái sử dụng các loại lưới phế liệu cho 75 hội viên, phụ nữ. Đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, thu hút 200 người tham gia.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã cử các chị trong Ban Chấp hành Hội trực tiếp đến vận động 100 chủ tàu thuyền ký cam kết mang rác thải nhựa và lưới hỏng về bờ cho chị em thu gom để tái chế, bán phế liệu đóng góp xây dựng quỹ tình thương; gắn bảng nội quy thu gom rác thải nhựa trên các tàu thuyền; thành lập tổ hợp tác đan vá lưới, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho chủ tàu thuyền; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đan túi lưới từ các loại lưới hỏng cho hội viên phụ nữ để tái sử dụng.

Ngoài mô hình trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ  xã Bảo Ninh còn thực hiện mô hình "Nhà sạch, ngõ đẹp" trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở chia nhóm cùng nhau đến vận động từng nhà, giải thích và hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt. Sau khi làm điểm ở các thôn Đồng Dương và Mỹ Cảnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động 100 hộ mua và sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh. Đến nay, các hộ gia đình trong 8 thôn đã trang bị 2.035 thùng, trong đó có 895 thùng tái chế.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Người dân tích cực thu gom rác ở biển vào bờ
 

Cùng với việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động bảo vệ môi trường, Hội đã tham gia các hoạt động phát triển sinh kế cho phụ nữ, tích cực bảo vệ môi trường biển thông qua hoạt động thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ: "Trước đây, khi chưa triển khai mô hình, lượng rác khu vực bờ sông, bờ biển trôi nổi rất nhiều nhưng nay đã giảm đáng kể. Ngư dân đã có ý thức đưa rác về bờ. Các lon, chai nhựa sau mỗi chuyến đi biển đều được mang về. Người đi tắm biển cũng ý thức hơn, bỏ rác đúng nơi quy định, khiến bờ biển sạch, đẹp hơn. Với nhiều cách làm hay, thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh đã góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ, người dân về giữ gìn môi trường sông, biển".

Chia sẻ về việc mô hình đã mang lại lợi ích trong việc bảo vệ môi trường cho người dân vùng biển, anh Đào Quang Thới -  một người dân sống ở khu vực này cho biết:  Từ khi triển khai mô hình, người dân ở đây đã có ý thức hơn rất nhiều về việc đưa rác về bờ. Nhờ vậy mà cảnh quanh xung quanh các bãi biển, bãi tắm trở nên sạch sẽ hơn hẳn. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan, đồng thời cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân vùng biển chúng tôi.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Ngư dân gắn bảng nội quy thu gom rác thải nhựa trên các tàu thuyền. 
 

Như vậy, có thể thấy sau nhiều tháng triển khai, từ những thứ như lưới hỏng, lưới rách mang từ khơi về, người dân xã Bảo Ninh đã đan hơn 500 sản phẩm túi lưới đựng thực phẩm đi chợ, túi đựng rác phát cho các chủ tàu biển. Phấn khởi vì cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa thiết thực, các ngư dân trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã có ý thức hơn trong việc thu gom rác thải nhựa, không vứt rác xuống sông, xuống biển nữa mà thu gom đưa vào bờ.

Được biết, cùng với mô hình trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh còn thường xuyên tổ chức ra quân thu gom rác thải trên các bãi biển, lắp đặt 15 thùng rác ở các bãi biển thường xuyên có du khách tập trung đông, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ nói riêng và nhân dân nói chung về ý thức giữ gìn môi trường biển.

Bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý hợp phần đô thị giảm nhựa của Dự án cho biết: "Nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa, WWF - Việt Nam đang triển khai Chương trình Đô thị Giảm nhựa. Đây là một sáng kiến có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự ô nhiễm từ rác thải nhựa tại các đô thị ven biển.

Tại Việt Nam đã có thành phố và địa phương cam kết tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa, gồm: Thành phố Phú Quốc và thành phố Rạch Giá - tỉnh Kiên Giang, quận Thanh Khê – thành phố Đà Nẵng, thành phố Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên, thành phố Tân An - tỉnh Long An, Huyện A Lưới và thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên-Huế, thành phố Hà Tĩnh - tỉnh Hà Tĩnh và gần đây nhất là huyện Côn Đảo - tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Chương trình Đô thị Giảm nhựa của WWF là một Chương trình có tầm nhìn dài hạn với mong muốn xây dựng năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không còn rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, thông qua truyền thông và giáo dục, triển khai các hoạt động nhằm chặn tối đa lượng rác nhựa bị thất thoát ra môi trường, đồng thời tăng cường việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng nguồn tài nguyên từ rác trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

leftcenterrightdel
Ngư dân đan lưới mới để thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến đi biển

Tại Việt Nam, với một phần nguồn lực kỹ thuật và tài chính thông qua Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, Chương trình Đô thị Giảm nhựa đã và đang mang đến các thực hành và các giải pháp tốt nhất trong quản lý rác thải nhựa từ khắp nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ hỗ trợ xây dựng hình ảnh địa phương giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển bền vững kinh tế biển thông qua các kênh truyền thông khác nhau trên toàn quốc và quốc tế./.

(Còn nữa)

Bài 1: Kinh tế biển xanh – nền tảng cho sự phát triển bền vững

Bài 2: Bà Rịa – Vũng Tàu: Bảo vệ cửa biển bằng cấu kiện lắp ghép

Bài 4: “Phao cứu sinh” cho người dân vùng biển miền Trung

Bài 5: Phát triển kinh tế biển xanh - góc nhìn từ các chuyên gia quốc tế

Bài 6: Đại biểu Quốc hội “hiến kế” phát triển kinh tế biển xanh

Bài 7: Phát triển kinh tế biển xanh cần có tầm nhìn và giải pháp trọng tâm, trọng điểm

Bích Liên
10/06/2022 15:13