leftcenterrightdel

Bài 4: Bảo hộ CDĐL, nhập làn cao tốc “hiện đại” – Khó vẫn phải làm

(ĐCSVN) – Khẳng định cơ hội đã có, "đường cao tốc" EVFTA đã mở, để vượt lên thách thức, thực hiện khát vọng vươn ra “biển lớn”, các chuyên gia cho rằng cần phải có quyết tâm cao, thay đổi tư duy và hành động trong việc khai thác, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm quốc gia, sản phầm chủ lực địa phương. Đây là một trong những nhiệm vụ trong tâm để đưa nông sản Việt đứng vững tại trị trường trong nước và vươn xa ra thế giới.

Cơ hội đi liền thách thức

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ-chỉ dẫn địa lý (SHTT-CDĐL) đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng không chỉ như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

leftcenterrightdel
Mận sạch, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Sơn La đang dần khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và một số nước trong khu vực. 

Với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, Việt Nam có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương. Chỉ trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã chú trọng phát triển thương hiệu của nông sản (thương hiệu cá nhân, thương hiệu cộng đồng) với mục đích bảo hộ và tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại dựa trên những lợi thế về điều kiện sản xuất.

Thông qua các chương trình, dự án phát triển tài sản SHTT do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN các tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần đăng ký bảo hộ CDĐL, nhãn hiệu thành công cho nhiều sản phẩm. Nhiều thương hiệu của Việt Nam đã từng bước chiếm lĩnh thị trường và vươn tầm thế giới như: nước mắm Phú Quốc, Cà phê Buôn Ma Thuột, Thanh Long Bình Thuận, vải thiều Bắc Giang…

Tất cả những thành quả đó khẳng định việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản gắn với đăng ký bảo hộ CDĐL ngày càng trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho nông sản đặc sản của Việt Nam.  

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp, tổ chức, địa phương nào cũng nhận thức được điều này, khiến cho công tác đăng ký bảo hộ quyền sở SHTT-CDĐL phải đối mặt với nhiều thách thức. Thậm chí, khi đã đăng ký bảo hộ được CDĐL rồi, nhưng có bảo vệ và phát huy được hiệu quả của loại tài sản trí tuệ này hay không cũng là câu hỏi đang được đặt ra.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại một số địa phương cho thấy việc bảo vệ và phát huy hiệu quả của loại tài sản trí tuệ này đang còn nhiều thách thức.

Tại hợp tác xã (HTX) chè Tân Cương Phúc Linh (tỉnh Thái Nguyên) sau khi sản phẩm chè của HTX được gắn logo và mang nhãn hiệu chè Tân Cương đã khẳng định chất lượng, nguồn gốc và thương hiệu của địa phương. Với việc đăng ký CDĐL, bà con nơi đây đã mở rộng sản xuất, sản phẩm làm ra nâng cao sức cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thành công của sản phẩm chè Tân Cương Phúc Linh (Thái Nguyên) là một minh chứng điển hình khi mang CDĐL.

Tuy vậy, như chia sẻ của ông Phạm Quốc Chính- Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên, việc đăng ký bảo hộ CDĐL cho các đặc sản của tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thủ tục đăng ký khá phức tạp, yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao… do đó, đòi hỏi sự quyết tâm “theo đuổi” đến cùng của lãnh đạo địa phương. Chưa kể, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ chức chưa đầy đủ về những yêu cầu khắt khe trong sản xuất khi đăng ký bảo hộ CDĐL.

Còn tại tỉnh Sơn La, nơi được biết đến là vùng trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Cây cà phê nơi đây được trồng từ hàng trăm năm trước - khi vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa cà phê vào trồng tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc, biến nơi đây trở thành khu vực sản xuất cà phê Arabica cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành cà phê tại Pháp vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được điều này. Do đó, để giúp người dân nhận diện được một sản phẩm đặc sản lâu đời, năm 2017 Sơn La đã đăng ký CDĐL cho sản phẩm cà phê Sơn La. Đến nay, sản phẩm cà phê Sơn La đã có tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Để khắc phục khó khăn này, nhằm khai thác hiệu quả những giá trị mà CDĐL mang lại, Sơn La luôn phải quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào trong sản xuất, cũng như tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy rõ thực tế là một nước nông nghiệp cộng thêm yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, Việt Nam có hàng nghìn nông sản đặc sản có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có chưa đến 10% sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL, đặc biệt việc bảo hộ CDĐL cho sản phẩm tại nước ngoài thì lại càng hiếm.

Theo dự báo của các chuyên gia, nếu không quan tâm xây dựng CDĐL thì nguy cơ hàng hóa của Việt Nam bị mất nhãn hiệu và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mất thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, việc không đăng ký CDĐL cho nông sản Việt ra thị trường nước ngoài thì các doanh nghiệp, địa phương có thể không lường trước được việc hàng hóa của mình có thể bị nước ngoài chiếm đoạt đăng ký trước, thậm chí có thể bị quy kết là hàng giả, hàng nhái. Những rủi ro này đều xuất phát từ việc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT- CDĐL ở nước ngoài. Rất nhiều trường hợp CDĐL nổi tiếng của Việt Nam đã bị lấy mất âm thầm nhưng doanh nghiệp vẫn không phát hiện ra.

Vụ việc CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng điển hình khi nhãn hiệu cà phê này được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam từ năm 2005 đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm cà phê trên toàn lãnh thổ nước này. Mặc dù lý lẽ thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta cũng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi “đòi” lại tên “Buôn Ma Thuột”. Tương tự rất nhiều trường hợp đã xảy ra với nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… 

Không chỉ khó khăn trong nhận thức, việc duy trì bảo vệ tài sản SHTT, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn có nhiều sản phẩm sau bảo hộ vẫn gặp khó khăn trong khai thác và phát triển thị trường. Nguyên nhân là do việc lựa chọn sản phẩm bảo hộ chưa phù hợp, sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu của thị trường tiêu thụ, chủ thể sản xuất có năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu…

Vải thiều Bắc Giang là một minh chứng cụ thể. Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm nay, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn của Bắc Giang được bảo hộ CDĐL tại Nhật. Trước đó, vải thiều nơi đây cũng đã được bảo hộ CDĐL tại các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Mỹ, Singapore, Australia… Đây là bước tiến lớn khẳng định thương hiệu, danh tính của nông sản Việt, mở ra cơ hội cho các nông sản này được xuất khẩu sang những thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới.

Tuy nhiên, chính quyền và người dân nơi đây vẫn không khỏi băn khoăn lo lắng, dù đã được bảo hộ CDĐL, nhưng làm sao để bảo vệ, phát huy và khai thác hiệu quả loại tài sản trí tuệ này- đang là bài toán mà Bắc Giang phải giải quyết.

leftcenterrightdel
 Quả xoài Yên Châu, nhãn Sông Mã của tỉnh Sơn La là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. (Ảnh: TL)

Vươn ra "biển lớn": Khó cũng  phải làm

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) khẳng định: Việc cấp CDĐL có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc; tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm…Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế trong những năm gần đây, dù số lượng CDĐL tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh của CDĐL để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. 

Ông Đinh Hữu Phí cũng cho rằng, ở cấp độ địa phương, các cơ quan quản lý chưa có sự phối hợp trong quá trình xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL, từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký CDĐL, đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai hoạt động khai thác CDĐL khi đã được bảo hộ. Do đó, để triển khai hiệu quả công tác bảo hộ CDĐL, các địa phương cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường, đưa CDĐL trở thành một dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của CDĐL; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý các hành vi xâm phạm về CDĐL.

Nhấn mạnh việc đăng ký CDĐL ở nước ngoài là vô cùng quan trọng, ông Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho hay: Theo đánh giá, số lượng sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL tại Việt Nam chỉ sau Thái Lan và đứng thứ hai sau các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên việc đăng ký bảo hộ CDĐL tại nước ngoài thì vẫn còn hạn chế.

Theo ông Minh, việc đăng ký bảo hộ CDĐL tại nước ngoài lại rất quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển sản phẩm Việt tại thị trường nước ngoài. “Thực tế nếu không đăng ký bảo hộ CDĐL ở nước ngoài thì việc sản phẩm của chúng ta khi xuất khẩu sẽ bị hàng rào xuất khẩu ngăn cản. Đây là vấn đề cần phải quan tâm tới đây, phải hướng dẫn, giúp các địa phương, làng nghề có các đặc sản tiến hành thủ tục đăng ký SHTT ra các nước có thị trường xuất khẩu mạnh”, ông Minh nêu rõ.

Theo TS Trịnh Văn Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp: Với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Vì vậy, diễn biến của thị trường quốc tế đòi hỏi Việt Nam cũng cần phải đa dạng hoá chiến lược xuất khẩu với các phương án: xuất khẩu sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng trung bình và phổ biến; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao dựa trên các đặc tính của sản phẩm Việt Nam, thông qua bảo hộ thương hiệu cộng đồng.

“Bảo hộ tên của các sản phẩm này thông qua các hình thức bảo hộ SHTT, CDĐL nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận…sẽ nhằm khai thác sự nổi tiếng là một cách làm tốt nhất hiện nay mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp các sản phẩm nổi tiếng khỏi bị lạm dụng danh tiếng trên thị trường trong và ngoài nước”, TS Trịnh Văn Tuấn cho biết.

Cho rằng để thúc đẩy hoạt động đăng ký bảo hộ quyền SHTT-CDĐL, bảo vệ và phát huy loại tài sản trí tuệ này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống từ Nhà nước, đến chính quyền địa phương, tất cả các hội nghề nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và các bên liên quan, ông Lê Văn Tri, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học - phân bón Fitohoocmon, Chủ tịch Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam cũng nêu rõ: Bản thân doanh nghiệp, các HTX sản xuất và người dân cần thiết phải liên tục cải tiến sản phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, có như thế mới giữ vững được thương hiệu. “Tôi nghĩ điều quan trọng nữa là phải không ngừng đổi mới, luôn luôn hoàn thiện… có những sản phẩm mình làm, mình xác lập quyền nhưng để tồn tại và phát triển thì phải hoàn thiện thêm nữa”, ông Tri chia sẻ.

Khẳng định, EVFTA như một tuyến "đường cao tốc" quy mô lớn, hiện đại, nối gần hơn giữa EU và Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng để có thể đi trên con đường cao tốc “hiện đại” đó vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi  EVFTA có những quy định mới, khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ; đồng thời, đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm hiểu rõ, có những phương án chuẩn bị tốt nhất để có thể tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó mang lại. 

leftcenterrightdel

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN. (Ảnh: T.K) 

Bên cạnh đó, với EVFTA vấn đề SHTT, đặc biệt là CDĐL, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất. Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với CDĐL và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.

Các chuyên gia cũng nhận định, các nguyên tắc về SHTT nói chung và bảo hộ CDĐL nói riêng trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương PTTP mà Việt Nam đã ký có nêu rõ: Nếu như có ai đó đã đăng ký CDĐL dưới dạng nhãn hiệu thì người đó có quyền chống lại các CDĐL khác. Vậy có thể khẳng định, để có thể bảo vệ thương hiệu và quảng bá sản phẩm đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế thì chỉ có thể bảo hộ SHTT và đăng ký CDĐL.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT khẳng định: “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị xây dựng các kế hoạch, quy trình hỗ trợ tài sản SHTT của địa phương, cùng với địa phương xác định các nhãn hiệu đăng ký. Hiện nhu cầu địa phương thì nhiều nhưng cần phải có lộ trình, ưu tiên thứ tự trước sau. “Trên thế giới hiện có khoảng hơn 10.000 CDĐL được bảo hộ, với giá trị giao dịch hàng năm ước tính đạt 50 tỷ USD. CDĐL đã và đang phát triển nhanh và trở thành công cụ giữ gìn quảng bá sản phẩm phát triển kinh tế-xã hội cho các quốc gia và Việt Nam không ngoại lệ”.

Được biết, hiện Cục SHTT (Bộ KH&CN) đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương trong cả nước đăng ký bảo hộ CDĐL, phát huy hiệu quả loại tài sản SHTT này./.

(Còn nữa)

Bài 1: Chỉ dẫn địa lý – “cú huých” đưa nông sản Việt ra biển lớn

Bài 2: Bảo hộ CDĐL nước ngoài - Cơ hội lớn cho “vựa vải” miền Bắc

Bài 3: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý – cơ hội cho nông sản Sơn La

Bài 5: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý: Kinh nghiệm nhìn từ thế giới

Nhóm PV Thời sự
31/05/2021 15:35