leftcenterrightdel
 

(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động ở nước ta có nhiều biến động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực khi số lao động mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập ngày càng tăng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường lao động, chủ động cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh được dự báo sẽ dần phục hồi.

Dịch bệnh đã làm “tê liệt” thị trường lao động

Trong chín tháng đầu năm 2021, ước tính cả nước có trên 15 triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... bởi dịch COVID-19. Tính riêng 21 tỉnh, thành phố phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh, số lao động tạm ngừng việc gần bốn triệu người. 

Tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn, nhất là lao động phổ thông làm việc trong các ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử... Thiếu nhân công nghiêm trọng nhất đang diễn ra trong các doanh nghiệp dệt may khi số lao động mà các doanh nghiệp cố gắng có được cũng chỉ đáp ứng được khoảng 65-70% nhu cầu. 

leftcenterrightdel
 

Thực tế, do tình trạng đình trệ kéo dài buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê. Việc lao động ồ ạt trở về quê thời gian qua tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, tạo nên nghịch lý về cung - cầu lao động. Mặt khác, khi việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp giảm, người lao động phải tìm kiếm việc làm ở khu vực phi chính thức, dẫn đến số người làm công việc tự do tăng lên.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 20 triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, chiếm hơn 57% số người tham gia lao động xã hội, cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế, lao động ở khu vực phi chính thức luôn chịu nhiều thiệt thòi trong khi họ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Bởi, đa số họ làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn so khu vực kinh tế chính thức, lại không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, hiện nay, 30 - 35% lực lượng lao động đã dịch chuyển về các địa phương. Thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại đang là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã và đang thực hiện giãn cách xã hội. Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khi mở cửa kinh tế trở lại khi chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện mới.

Thực tế, ngoài tiêm vaccine cho người lao động, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp bảo đảm sản xuất an toàn với dịch, không bị đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực. Củng cố đơn hàng và duy trì nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19 đã và đang là nỗi lo lắng, trăn trở của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may, da giày có hàng trăm nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp ngành này cho biết, ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine, cần có giải pháp giúp họ chủ động quản lý, phòng dịch cho người lao động để đảm bảo chung sống an toàn với dịch và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cũng như sản xuất.

leftcenterrightdel
 

Bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này, Cục trưởng Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình nhận định, nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các tỉnh, thành phố tập trung nhiều ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, một số địa phương có nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì lại dôi dư lao động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực là hiện hữu. Dịch bệnh đã làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam vốn thu hút nhân lực nhiều nhất cả nước.

Cùng nhận định này, PGS TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc hàng loạt người lao động di chuyển khỏi nơi cư trú như thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo gánh nặng giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho các địa phương có lao động hồi hương. Tại các vùng kinh tế, không phải sau này khi kiểm soát được dịch bệnh, tổ chức sản xuất trở lại là gọi ngay được công nhân quay về. Người lao động khi đã phải về quê thì rất sợ cuộc sống bấp bênh. Họ chỉ trở lại khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát, doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Trước nguy cơ này, hiện các doanh nghiệp đã xây dựng kịch bản nhân sự chuẩn bị sẵn sàng khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Giải pháp trước mắt là huy động tất cả nguồn lực từ nội bộ, đối tác để liên tục tuyển mới nhân sự. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường chế độ phúc lợi cho nhân viên, đồng thời có chính sách nghỉ bù để đảm bảo tuân thủ Luật Lao động. 

Tạo kênh hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động

Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải thích ứng an toàn với dịch bệnh bằng việc đẩy nhanh tiêm phủ vaccine cho người lao động và hỗ trợ người lao động để bảo đảm hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép được lấy người lao động từ các địa bàn không có ca lây nhiễm từ phường, xã ở địa phương, thực hiện các xét nghiệm, đảm bảo an toàn để đưa vào làm việc. Nếu cứ khoanh vùng như hiện nay, doanh nghiệp sẽ rất khó đảm bảo lực lượng lao động để khôi phục sản xuất. Việc số lượng lớn lao động rời các đô thị lớn về quê tránh dịch sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất tiêu cực đến thị trường lao động. Theo đó, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực khi tăng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đã có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, với khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9/2021.

Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Các tỉnh có đông lao động trở về là: An Giang 40.000 người, Sóc Trăng 33.000, Kiên Giang 32.000 người, Cà Mau gần 21.000 người, Hậu Giang 9.211 người...

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch. Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố trọng điểm như: TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn, trong khi một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn.

Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Theo đó, có khoảng 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động, tập trung cao nhất ở Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TP Hồ Chí Minh (31,8%). Xét theo nhóm ngành, điện tử thiếu hụt lao động cao nhất với 55,6%, tiếp theo là da giày 51,7%, may 49,2%, sản xuất thiết bị điện 44,5%, dệt 39,5%.

leftcenterrightdel
 

Mới đây, tại hội nghị triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài. Thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân. Những nơi để đứt gãy nguồn cung lao động có thể là do doanh nghiệp né đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa có trách nhiệm với người lao động khi họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với những bức bối, áp lực trong thời gian dài phải giãn cách, sống khó khăn trong các khu trọ, nên nhiều người quyết định rời thành phố.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp. Đối với người lao động trên địa bàn, cần tổ chức nắm các thông tin cơ bản như: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6/2021 trở lại đây. Các địa phương cũng cần phối hợp nhau trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong các ngành, lĩnh vực trọng yếu của địa phương để sẵn sàng về y tế cho người lao động khi tham gia thị trường lao động. Đồng thời, các địa phương bố trí nguồn lực và chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

leftcenterrightdel
 

Niềm tin trở lại sẽ là bệ đỡ cho việc khôi phục nền kinh tế

Hình ảnh những dòng người chọn cách vượt cả ngàn cây số, bằng mọi phương tiện, kể cả đi bộ, để trở về nhà từ đầu tháng 10 đến nay khiến TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xót xa nhận xét, không tìm ra việc làm, tìm ra chỗ kiếm tiền để sống, thì họ phải bỏ về quê thôi. Không ai có thể giữ họ ở lại.

Trong dòng người đó, không chỉ có người lao động của các doanh nghiệp, mà còn là những lao động tự do, như bán vé số, buôn bán vỉa hè, làm thuê giúp việc gia đình… Gánh nặng họ mang không chỉ là cuộc sống của chính mình, mà cả gia đình ở quê. Khi không còn việc làm, không có thu nhập, không thể có tiền gửi về quê… Nhiều người không hẳn mất việc, vì doanh nghiệp của họ được hoạt động theo hình thức “ba tại chỗ”, nhưng họ không thể vào ở hẳn trong nhà máy, vì còn gia đình, con cái… nên đành phải nghỉ. 

Ngay cả khi một số địa phương đã nới giãn cách, không phải tất cả doanh nghiệp chọn mở lại vì điều kiện ràng buộc vẫn nặng nề, chi phí lớn, rủi ro cao, như yêu cầu xét nghiệm toàn bộ người lao động 2 lần/tuần ở Bình Dương, yêu cầu lao động phải ở “vùng xanh”… nên tỷ lệ không nhỏ người lao động tiếp tục thất nghiệp, phải tìm cách tồn tại.

Thật ra, ngay khi có những dấu hiệu người dân tìm cách rời khỏi TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/10, trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có đông người dân, lao động ngoại tỉnh tuyên truyền, giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine đầy đủ; tiếp tục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực tế, nhất quán trong quan điểm “Lao động là một trong những vấn đề đại sự quốc gia”, trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết định của Chính phủ đều hướng tới, xoay quanh vấn đề an sinh xã hội và luôn đặt cuộc sống, sức khỏe và sinh mạng của người dân là trên hết và trước hết. Minh chứng rõ nét nhất là Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã trở thành giải pháp cứu cánh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; là bước đệm an sinh quan trọng nối liền lại những mối đứt gãy của thị trường lao động. Là điều kiện tiên quyết để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ những người muốn về, đang trên đường về, để họ trở về an toàn. Các địa phương, doanh nghiệp có công nhân bỏ đi đừng sợ thiếu lao động, đừng sợ chi phí lao động tăng, dù chắc chắn điều này sẽ xảy ra. Các địa phương có người về cũng đừng sợ dịch bệnh, vì nếu được tổ chức tốt, người dân không phải trốn tránh, dịch bệnh sẽ trong tầm kiểm soát. Khi làm tốt vấn đề an sinh, kịch bản phục hồi kinh tế địa phương, sự trở lại của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ mở ra những hướng đi mới mẻ, rộng rãi. Đó là cơ hội có ngay nguồn lao động của các địa phương đón nhận người về, tin là các doanh nghiệp sẽ bắt rất thấy rất nhanh, từ đó lên kế hoạch đầu tư mở rộng hoặc đầu tư thêm. Với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… nguy cơ thiếu lao động hiện hữu có thể sẽ xoay chuyển bài toán chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, sử dụng ít lao động… mà lâu nay vẫn lấn cấn trong ứng xử với số lượng lớn doanh nghiệp thâm dụng lao động.

TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn nhìn thấy cơ hội khắc phục điểm hạn chế về mặt bố trí không gian lãnh thổ, trong đó có vấn đề tương quan giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, vốn được đề cập từ lâu.

leftcenterrightdel
 

Theo TS Bùi Tất Thắng, biểu hiện cụ thể của hạn chế này là lực lượng đông đảo lao động nhập cư từ các tỉnh vào các thành phố lớn và các khu công nghiệp, kéo theo là gia đình của họ, đang gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn lớn. Nay một số doanh nghiệp, công ty muốn khôi phục sản xuất cũng không dễ khi chiêu mộ, sắp xếp lại lực lượng lao động của mình. Vì vậy, những giải pháp tái cơ cấu kinh tế được tiếp cận cụ thể từ góc độ không gian phát triển thiết thực hơn. Khi đó, bên cạnh các mục tiêu đang được đặt ra là tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn, thì cải cách cơ cấu, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế cần gắn kết với hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động. Với cách này, không chỉ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cả người dân sẽ nhìn thấy cơ hội mới từ các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế… để từ đó tự nâng cấp, chuẩn hóa mình. Sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng quan trọng nhất lúc này là sự thống nhất trong thông điệp và thực thi, giữa Trung ương và địa phương trong mọi chính sách. Đừng để có ai bị bỏ lại phía sau vì khoảng cách này.

Một năm nhiều mất mát của nền kinh tế đang dần qua đi, nhưng qua nhanh hay chậm, mất nhiều hay ít, thậm chí là tìm kiếm được cơ hội gì… phụ thuộc vào các hành động hiện tại, từ các cấp lãnh đạo cao nhất cả Nhà nước, Chính phủ, tới chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Người đứng đầu có thể sẽ phải bước ra khỏi vùng an toàn, hoặc phải thay đổi tư duy trong lựa chọn và điều hành chính sách; sẽ có lúc phải chọn cách khó, dám làm, dám chịu để vừa chống dịch, nhưng không để doanh nghiệp đóng cửa, người dân mất việc…

Nhưng đổi lại, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của người lao động vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quyết sách của Chính phủ sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc nỗi lại nguồn cung lao động để thực thi các kế hoạch phục hồi kinh tế tới đây.

leftcenterrightdel
 

Bài 3: Linh hoạt giữ lao động ở lại

            Bài 2: Nỗ lực nối lại chuỗi lao động bị "đứt gãy"

                                    Bài 1: Lao động - vấn đề "đại sự" cho cả trước mắt và lâu dài

Minh Phương
29/10/2021 15:40