leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương 

(ĐCSVN) – Đó là những chia sẻ của đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2021).

Tiếp nối truyền thống vẻ vang

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, năm 2021, ngành Tuyên giáo của Đảng kỷ niệm 91 năm xây dựng và trưởng thành. Trong thành tựu chung đó, ngành Tuyên giáo tỉnh Hải Dương đã có những đóng góp thiết thực như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: 91 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, công tác Tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhất là thế hệ những cán bộ đã và đang công tác trong ngành Tuyên giáo. Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cách đây 91 năm, sau Hội nghị thành lập Đảng (03/02/1930), nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ta là tuyên truyền những văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01/8” nhân kỷ niệm ngày Quốc tế đỏ 01/8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Từ đó ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác Tuyên giáo của Đảng.

Căn cứ vào những tài liệu và sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

 

leftcenterrightdel
 

Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa sâu sắc, là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng- lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng Cộng sản cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công tác tư tưởng cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước để từ đội ngũ này đã giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

Trải qua lịch sử 91 năm xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác Tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng và đây là dịp để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác Tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác Tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Ngành Tuyên giáo tỉnh Hải Dương được hình thành trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 8/1947). Từ đó đến nay, công tác Tuyên giáo đã tham mưu giúp cấp ủy các cấp trong tỉnh, trực tiếp bồi dưỡng ý chí, cổ vũ động viên, xây dựng và phát triển sức mạnh của toàn đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh, thực hiện mọi nhiệm vụ, cùng cả nước làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ đã trực tiếp tuyên truyền, giáo dục đưa đường lối đổi mới của Đảng thành hiện thực; khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đương đầu với khó khăn thách thức, vượt khó vươn lên của nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân và các thành phần kinh tế, tạo nên sức phát triển mới với những thắng lợi to lớn, toàn diện và khá vững chắc qua 35 năm đổi mới. Công tác Tuyên giáo đã đóng góp không nhỏ để Hải Dương từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đều cao hơn bình quân chung của cả nước; từ năm 2017 Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành trong cả nước tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về Trung ương, đặc biệt, năm 2019 thu ngân sách của tỉnh đạt trên 20 nghìn tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, hệ thống Tuyên giáo của tỉnh đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động theo hướng chuyển đổi số với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí có nhiều chuyển biến tích cực; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội; phối hợp tốt với các cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hải Dương… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng trong việc triển khai hiệu quả các chủ trương lớn của tỉnh, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã bồi dưỡng, rèn luyện, bổ sung cho Đảng bộ nhiều cán bộ lãnh đạo có uy tín, năng lực, trình độ và kinh nghiệm công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các cấp, các ngành. Cán bộ Tuyên giáo nghỉ hưu vẫn luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, kỷ luật phát ngôn, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2021. 

8 nhiệm vụ trọng tâm

PV: Thưa đồng chí, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Tuyên giáo tỉnh Hải Dương sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì để hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ này?

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc: Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, song song với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặt ra cho công tác Tuyên giáo cần tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phát huy vai trò định hướng, nắm bắt dư luận, tập trung tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo các cấp trong tỉnh cần phải tập trung chỉ đạo, làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung cao độ, làm tốt công tác tuyên truyền về triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng có trọng điểm về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những quyết sách lớn của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, những chỉ đạo, chủ trương, chính sách lớn của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19 và các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế.

Hai là, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh phải xác định rõ phương châm hành động là "chủ động, sáng tạo, nhanh, rộng, hiệu quả" với giải pháp xuyên suốt  “chuyển đổi số để nâng tầm Tuyên giáo”. Công tác Tuyên giáo của tỉnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, trong đó, phải chú ý cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả; chọn lọc chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm; xác định thời gian, thời điểm phù hợp, thực hiện 5 rõ trong triển khai thực hiện công việc.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đa dạng hóa loại hình tổ chức theo hướng chuyên sâu phù hợp với đối tượng gắn tăng cường thảo luận đối thoại và liên hệ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để việc học tập, quán triệt Nghị quyết thiết thực và hiệu quả hơn. Gắn chặt nghiên cứu Nghị quyết để vận dụng sáng tạo trong xây dựng chương trình hành động, sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, theo hướng bám sát đặc điểm,  nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, từng ngành để làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng chương trình hành động phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Gắn chặt công tác chính trị, tư tưởng với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương (như công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác giải phóng mặt bằng các dự án; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phát triển văn hóa, con người Hải Dương; bảo vệ môi trường...). Nắm sát tình hình dư luận xã hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, khơi dậy niềm tự hào, ý chí, khát vọng, đổi mới, sáng tạo, phát triển bứt tốc đi lên của tỉnh Hải Dương.

Bốn là, tập trung tham mưu xây dựng Đảng về đạo đức, tham mưu triển khai có hiệu quả Kết luận 01- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo hướng đổi mới, 5 rõ, gắn học tập với làm theo và nêu gương, tạo nét mới trong triển khai, thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đăng ký, xây dựng kế hoạch nêu gương. Việc thực hiện đăng ký nêu gương cần triển khai theo hai hướng: đăng ký khắc phục hạn chế yếu kém và đăng ký công việc đổi mới sáng tạo trên các hoạt động công tác thực tế. Kết quả thực hiện việc đăng ký học tập, làm theo và nêu gương được xác định là một căn cứ để đánh giá cán bộ hằng năm.

Năm là, công tác Tuyên giáo phải hướng mạnh về cơ sở, thực hiện thông tin nhiều chiều, mở rộng dân chủ, tích cực đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra từ cuộc sống. Tăng cường thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở; biên soạn những tài liệu tuyên truyền thật sự ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện và phù hợp với từng đối tượng để phổ biến trong nhân dân; phát huy cao độ, có hiệu quả các hình thức thông tin như báo chí, mạng internet, đài truyền thanh 2 cấp huyện và xã…Chú trọng hơn nữa việc cung cấp thông tin chính thống nhanh, (đổi mới tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ, tài liệu giao ban Bí thư chi bộ) tới đội ngũ cấp ủy cơ sở, đồng chí bí thư chi bộ để tạo sự kịp thời có định hướng thống nhất cao ngay trong sinh hoạt chi bộ của cán bộ đảng viên từ cơ sở.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, công tác khoa giáo và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương theo hướng tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và vận dụng thực tế.

Bảy là, phát huy vai trò Cơ quan Thường trực, tham mưu kiện toàn, xây dựng và triển khai có chất lượng, hiệu quả Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (BCĐ 35 các cấp), không để những ảnh hướng xấu, thông tin thất thiệt gây không tốt trong dư luận nhân dân.

Tám là, nắm chắc thực trạng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở, dự kiến nhu cầu, chủ động tạo nguồn và triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển đội ngũ. Tiếp tục bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực tư duy và hành động cho đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo các cấp từ tỉnh tới cơ sở để từng bước nâng tầm công tác Tuyên giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

 

 


 

 

Hiền Hòa - Phạm Cường (thực hiện)
30/07/2021 13:44