Nghĩ về Hà Nội xưa là hình ảnh của 36 phố phường cổ kính, là những người phụ nữ Hà thành trong tà áo dài kín đáo, thướt tha, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, chuẩn mực. Trong họ là sự hài hòa, từ nếp sống tới trang phục cho đến những bước đi dáng đứng.
Tài liệu nghiên cứu mỹ thuật cho thấy, áo dài phụ nữ Hà thành ban đầu được thiết kế dài, cách gót chân khoảng 10 phân. Sau ảnh hưởng của trào lưu mặc áo dài Sài Gòn khiến chúng ngắn lên ngang bắp chân, sau đó lại trở về áo dài xưa thướt tha.
Trang phục của phụ nữ Hà thành xưa thường là áo dài vạt, nếu xẻ tà, cũng được xẻ một cách khéo léo kín đáo, màu sắc sử dụng thường nhã nhặn, chất vải mềm mại. Dù không có thiết kế táo bạo hay gợi cảm, không trang trí cách điệu hoa văn trên thân áo, hay màu mè, nhưng tà áo dài của người con gái Hà thành ngày ấy luôn chứa đựng nét đẹp dịu dàng, thanh tao.
Trong những bước phát triển từ tà áo dài truyền thống, thời kỳ cải cách nổi bật vào năm 1934, khi ra đời dòng áo dài tân thời Lemur. Có thể nói đó là lần thứ hai y phục phụ nữ Việt Nam được cải cách mạnh mẽ, bởi Lemur Nguyễn Cát Tường quan niệm quần áo “như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức”, “có vẻ mỹ thuật lịch sự”, “nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà…, có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn” (trên Phong Hóa số 86, năm 1934).
Hoạ sỹ Lemur Cát Tường sáng tạo đa dạng kiểu cổ tay áo (kiểu trái tim, đuôi tôm, thắt ôm cổ tay…). Rồi ông “bỏ cổ áo cao đi, đừng theo Tàu nữa!” để thay thế bằng nhiều kiểu cổ áo mở rộng như cổ bẻ, cổ viền, cổ đính đăng ten, cổ hình trái tim… Từ chiếc áo dài kiểu xưa có thân áo rộng và thẳng, ông thiết kế nhấn nhẹ để có sự phân biệt giữa phần ngực và phần bụng. Áo trông gọn hơn nhưng vẫn kín đáo, rộng rãi (chứ chưa ôm sát thân thể như về sau này) và điểm chia tách hai tà trước và sau vẫn được giữ bên dưới eo như áo dài xưa.
Từ những sáng tạo của Lemur Cát Tường, lần đầu tiên vẻ đẹp theo tinh thần mỹ thuật Âu Tây đã được đưa vào y phục phụ nữ Việt Nam.
Những năm gần đây, trong đời sống, xã hội Thủ đô, áo dài luôn xuất hiện cùng các hoạt động quan trọng như lễ, tết, cưới hỏi của người dân Thủ đô. Giữa thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn trẻ, dù họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, hay đang thả bộ trên hè phố.
Trong đời sống, xã hội hiện đại những nhà thiết kế thời trang không ngừng sáng tạo, thiết kế áo dài bằng tư duy thẩm mỹ của riêng mình về chất liệu, màu sắc, kết cấu, hình dáng và nghệ thuật trang trí... nhưng cùng tôn vinh vẻ đẹp và cùng tạo nên một sản phẩm áo dài nghệ thuật mang đậm đà bản sắc Việt.
Áo dài hiện diện từ công sở, đường phố, những dịp lễ trọng đại của quốc gia hay của cá nhân... Sự xuất hiện năng động đó được các nhà thiết kế cách tân phù hợp, gần gũi với đời sống của con người trong xã hội và có nhiều tạo hình mới hình thành nên những phong cách khác nhau như: Phong cách truyền thống, phong cách hiện đại đáp ứng nhu cầu thị hiếu và thẩm mỹ của mọi phụ nữ Việt Nam.
|
|
Những tà áo dài đương đại nhuốm màu hoài cổ. |