Sự kiện trong nước:
|
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thân mật thăm hỏi các chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ của Trung đoàn 43 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ninh, ngày 16/4/1994. (Ảnh: TTXVN) |
- Ngày 01/12/1920: Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sinh ra trong gia đình quê hương giàu truyền thống yêu nước cách mạng, trong cảnh nước mất nhà tan đã sớm hun đúc trong đồng chí lòng yêu nước và nhiệt huyết cách mạng, ý chí căm thù giặc sâu sắc.
Tháng 09/1992, đồng chí được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước và giữ chức danh này đến năm 1997. Sau đó, đồng chí được bổ nhiệm làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Đồng chí Lê Đức Anh qua đời vào ngày 22/4/2019. Với 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
- Ngày 01/12/1958: Mỹ - Diệm đã đầu độc hơn 6.000 tù nhân yêu nước ở trại giam Phú Lợi, tỉnh Bình Duong, làm cho 1.000 người chết. Một phong trào quần chúng đấu tranh chống địch khủng bố tàn sát nổ ra khắp Sài Gòn và miền Nam, nhất là trong giới công nhân, lao động, kéo dài đến tháng 3/1959. Ở Hà Nội và miền Bắc có nhiều cuộc tuần hành, mít tinh lên án tội ác dã man này của Mỹ - Diệm và đòi trả lại tự do cho những người kháng chiến và đồng bào yêu nước ở miền Nam đã bị chúng giam giữ, cầm tù.
- Ngày 01/12/1960: Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Người đã ký vào bản Tuyên bố chung, sau đó chụp ảnh chung với các đoàn đại biểu.
Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Hội nghị đoàn kết Á - Phi của Ấn Độ. Bức điện có đoạn: “Tôi xin thân ái gửi đến các đại biểu... Chúc hội nghị thành công tốt đẹp, góp phần vào việc đấu tranh đòi thủ tiêu chủ nghĩa thực dân, đòi giải trừ quân bị và chấm dứt chiến tranh lạnh, để bảo vệ tự do, độc lập và hòa bình”.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 01/12/1945: Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, được thành lập tại Paris (Pháp); có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của các lực lượng phụ nữ dân chủ, tiến bộ trên thế giới; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị; đoàn kết đấu tranh nhằm chống chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, vì một thế giới hòa bình, không có chạy đua vũ trang và đảm bảo các quyền của phụ nữ.
|
Một dải ruy băng màu đỏ, biểu tượng của Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, được chiếu trên Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: UN) |
- Ngày 01/12/1988: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chọn ngày 01/12 hằng năm là Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhằm đẩy mạnh sự phối hợp của toàn nhân loại trong việc phòng, chống dịch bệnh này. Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động thành chiến dịch toàn cầu lần đầu tiên từ ngày 01/12/1997.
Đây không chỉ là một lễ kỷ niệm những thành tựu của cộng đồng mà đó còn là lời kêu gọi hành động để trao quyền và hỗ trợ cộng đồng trong vai trò lãnh đạo của họ. Mọi người trên khắp thế giới đang cùng nhau hỗ trợ những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV, đồng thời tưởng nhớ những người đã mất vì AIDS.
- Ngày 01/12/1925: Ngày sinh của Martin Rodbell. Martin Rodbell là nhà hóa học và nội tiết học người Mỹ, từng đoạt giải Nobel Y sinh vì đã có công phát hiện ra protein G. Rodbell tin tưởng rằng có sự tương thông các cơ quan sinh học với máy tính, đặc biệt là về sự dẫn truyền thông tin. Đây chính là tư tưởng quan trọng giúp Rodbell tìm ra và hiểu được vai trò của protein G.
- Ngày 01/12/1959: Hiệp ước Nam cực được ký kết tại Washington (Mỹ) giữa 12 quốc gia có quan tâm lớn đến châu lục băng giá không người bản địa, trở thành thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ trang đầu tiên trong Chiến tranh lạnh. Hiệp ước Nam Cực có hiệu lực năm 1961. Hiệp ước tuyên bố lục địa băng giá này là tài sản chung của loài người, không thuộc về bất kỳ ai và không quốc gia nào được khẳng định chủ quyền./.