Ngày này năm xưa: 30/11

Thứ bảy, 30/11/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 30/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về kỷ niệm ba tháng độc lập và việc ứng cử vào Quốc hội. Bác được phân công ứng cử tại Hà Nội.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 30/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về kỷ niệm ba tháng độc lập và việc ứng cử vào Quốc hội. Bác được phân công ứng cử tại Hà Nội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa III. Ảnh tư liệu

- Ngày 30/11/1948, trong bài “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay” đăng trên Báo Sự Thật, đề cập công tác kiểm tra, Bác viết: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích... Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy... Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”.

- Ngày 30/11/1951, nhà văn Nam Cao hy sinh. Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29/10/1915, ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán thời kỳ phát triển cuối cùng 1940 - 1945. Cùng với các nhà trí thức lớn của Việt Nam tham gia cách mạng, ông đã dùng ngòi bút chống lại cường quyền, áp bức và phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các tác phẩm của ông thấm đẫm chủ nghĩa hiện thực, vị nhân sinh, thể hiện nội dung nhân đạo sâu sắc và giá trị thời đại lớn lao. Những nhân vật như lão Hạc, giáo Thứ, Chí Phèo, Bá Kiến không thể phai mờ trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ. Trong chuyến đi công tác vào vùng địch hậu (thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) ông đã bị sát hại.

- Ngày 30/11/1953, Bác viết bài “Chiến sĩ cầu đường” đăng trên báo “Cứu Quốc” đưa ra quan điểm: “Bất kỳ việc gì, ở ngành nào, quần chúng đều có kinh nghiệm và nhiều sáng kiến quý báu. Cán bộ biết gần gũi quần chúng, biết lãnh đạo quần chúng thì công việc to lớn mấy, khó khăn mấy cũng thành công. Công việc cầu đường cũng vậy”.

- Ngày 30/11/1954, nói chuyện với anh chị em công chức thủ đô sau ngày tiếp quản, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta... Tôi chắc rằng đại đa số anh chị em đều muốn tiến bộ, cho nên nhiều người sẽ muốn học. Song các anh em phụ trách hướng dẫn cần phải chú ý: làm thế nào cho việc học tập thiết thực, vui vẻ; không nên câu nệ, hình thức, tuyệt đối tránh cách nhồi sọ. Lý luận và thực hành phải đi đôi với nhau”.

- Ngày 30/11/1964, Bác dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ và bảo vệ hoà bình, họp tại Hà Nội, Bác nhấn mạnh: “Hội nghị lịch sử này là kết tinh của mặt trận nhân dân toàn thế giới đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, nhất là đế quốc Mỹ... Mỗi thắng lợi của nhân dân thế giới là một thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Và mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là một thắng lợi của nhân dân thế giới”.

- Ngày 30/11/1968, Bác viết “Điện gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên” nhân chào mừng thắng lợi của Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ lần thứ hai của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên. Bức điện biểu dương: “Như vậy là quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Tôi tin chắc rằng Tây Nguyên nhất định cùng cả nước tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

- Ngày 30/11/1982, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia. Pháp lệnh gồm 5 chương với 19 điều và khẳng định: Tài liệu lưu trữ quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, không một cơ quan, tập thể hoặc cá nhân nhân nào được chiếm làm của riêng.

Sự kiện quốc tế:

- Nhà văn Mark Twain sinh ngày 30/11/1835 và mất năm 1910. Ông là nhà văn Mỹ, một cây bút giàu chất hài hước, có ảnh hưởng lớn đến văn học Mỹ thế kỷ XX. Mark Twain đã trở thành nhà văn nổi tiếng với cáctác phẩm: Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Đời sống trên dòng sông Mississippi ...

- Ngày 30/11/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường trung học số 405 ở Moscow. Sau khi đi xem các cơ sở vật chất của trường, Người thăm hỏi tình hình giảng dạy, học tập của nhà trường và chụp ảnh kỷ niệm với các cháu học sinh./.

PV (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực