Mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng hoạt động ngày càng hiệu quả

Thứ sáu, 10/10/2014 08:08

(ĐCSVN) - Được thành lập trên cơ sở Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) trẻ em, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng ra đời từ tháng 3/2010 với chức năng chính là nâng cao năng lực cộng đồng về phát triển nghề CTXH, cung cấp các dịch vụ xã hội liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và trợ giúp người khuyết tật.

Theo thống kê, toàn thành phố Đà Nẵng hiện có gần 17% dân số cần tới sự trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội (CTXH), bao gồm 16 ngàn người khuyết tật, hơn 7 ngàn người cao tuổi, 23 ngàn hộ nghèo, gần 4 ngàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 18 ngàn đối tượng xã hội do xã, phường quản lý... Ngoài ra còn trên 1 ngàn người nghiện ma túy, hơn 50 gái mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS và hàng ngàn người sống trong gia đình ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình…

Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng cho biết: Việc ra đời các Trung tâm CTXH trong bối cảnh hiện nay khi nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nghề CTXH còn nhiều hạn chế, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn lực hạn hẹp là một khó khăn, thách thức lớn. Đặc biệt là tại khu vực miền Trung, việc đào tạo nghề CTXH và chuyên ngành tâm lý trị liệu chuyên sâu chưa được phát triển như hai đầu đất nước, đã phần nào ảnh hưởng đến việc phát triển nghề CTXH nói chung cũng như các hoạt động của mô hình Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng. Song với những lợi thế của thành phố như: địa bàn hoạt động không rộng, các chính sách an sinh xã hội tương đối đồng bộ; số lượng cán bộ bố trí cho ngành lao động tại địa phương đủ trên các lĩnh vực và đảm bảo về năng lực, sự tận tâm, nhiệt huyết với hoạt động xã hội; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ với nhiều mô hình hỗ trợ đa dạng cho các nhóm đối tượng và các chương trình trợ giúp NKT của các tổ chức quốc tế… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Trung tâm trong thời gian qua, giúp đem lại những kết quả nhất định.

 

Cán bộ Trung tâm trong một buổi tư vấn cộng đồng với chủ điểm “Hành động vì
một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.
(Ảnh do Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng cung cấp)


Hiện nay, Trung tâm đang hoạt động với đội ngũ nguồn nhân lực rất hạn hẹp, chỉ với 8 cán bộ, nhân viên, trong đó, có 2 nhân viên làm việc theo chế độ cộng tác viên đặc biệt, hoàn toàn không có lương mà thu nhập chính chỉ dựa vào tiền công của các Dự án nước ngoài trả cho mỗi ca trợ giúp xã hội được thực hiện thành công. Từ ngày mới thành lập cho đến nay, Trung tâm đã phát triển được mạng lưới 70 cộng tác viên tại tất cả 56 xã, phường trên địa bàn thành phố, trợ giúp cho hàng nghìn đối tượng yếu thế; đặc biệt trong đó đã có trên 3.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ có nguy cơ bỏ học, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ lang thang, trẻ mồ côi… nhận được sự can thiệp, trợ giúp của mạng lưới cộng tác viên xã, phường. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em tại cộng đồng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở xã hội như Làng SOS, Làng Hy Vọng.

Thông qua đường dây điện thoại nóng và trực tiếp tại Văn phòng, Trung tâm đã tiếp nhận trên 800 thông tin của phụ huynh, trẻ em và người khuyết tật. Với những trường hợp tư vấn đơn giản như tìm hiểu các chính sách, xin con nuôi, gửi con vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, xin cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, tư vấn nghề và việc làm cho người khuyết tật, tìm hiểu về tình hình con được người nước ngoài nhận nuôi… Trung tâm đã tư vấn và kết nối đến các cơ sở dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố. Đối với những trường hợp trẻ có khó khăn về hành vi, giao tiếp cán bộ Trung tâm tiếp cận, cùng gia đình lên kế hoạch hỗ trợ trẻ, trực tiếp can thiệp hành vi cho trẻ. Bên cạnh đó, hỗ trợ tâm lý cho cha mẹ trẻ giúp các bậc phụ huynh giải tỏa tâm lý, yên tâm hơn với sự phát triển của con mình. Qua quá trình can thiệp, các trẻ đã có sự thay đổi tích cực, gia đình quan tâm, hỗ trợ con trẻ nhiều hơn.

Với những trường hợp trẻ có biểu hiện khó khăn về tâm lý, các tư vấn viên của Trung tâm bằng việc sử dụng các thủ thuật chuyên môn, hỗ trợ tâm lý giúp trẻ phát triển cân bằng về mặt cảm xúc, nâng cao nhận thức để các em có hành vi ứng xử phù hợp, đồng thời tăng sức đề kháng cho các trẻ vượt qua những khủng hoảng trong cuộc sống. Điển hình như trường hợp em H (sinh 2005), ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Em H bị tăng động kèm với các dấu hiệu động kinh, cháu thường xuyên hoạt động không ngừng nghỉ, không chú ý, ít có giao tiếp mắt, thường xuyên đánh người khác vô cớ.... Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Trung tâm đã gặp gỡ gia đình trẻ để tìm hiểu thêm thông tin, tiếp cận với trẻ. Để hỗ trợ ca này, cán bộ Trung tâm đã tiến hành tham vấn tâm lý cho gia đình trẻ, đồng thời xây dựng kế hoạch để chuyên gia tâm lý hỗ trợ cho trẻ. Hiện nay, cha mẹ trẻ đã chấp nhận những khó khăn mà con đang gặp phải, thay đổi cách ứng xử với con, cùng phối hợp với cán bộ trung tâm để hỗ trợ trẻ. Riêng đối với trẻ, sau thời gian hỗ trợ trị liệu, bản thân cháu đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, có những hành vi ứng xử phù hợp với cha mẹ và mọi người xung quanh.

Hay như trường hợp của cháu M (sinh năm 2011), ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Cháu M khi được cán bộ Trung tâm tiếp nhận hầu như không có khả năng về ngôn ngữ, thường xuyên có những hành động lặp đi lặp lại, bắt chước các âm thanh và hành động trên truyền hình, ít giao tiếp mắt, thích chơi 1 mình.....gia đình đã đưa đi khám tại bệnh viện và được kết luận là tự kỷ. Xác định đây là trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, cán bộ trung tâm đã tiến hành xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho trẻ, đồng thời hướng dẫn mẹ trẻ những bài tập hỗ trợ tại gia đình. Sau khoảng 2 tháng, cháu đã nói được nhiều câu, biết chơi với bạn, có giao tiếp mắt tốt với người hỗ trợ. Bản thân gia đình cũng dần giảm sự lo lắng đối với trẻ, tích cực hỗ trợ trẻ nhiều hơn; đồng thời tin tưởng vào sự hỗ trợ từ phía cán bộ trung tâm.

 

Cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng
 thăm và tặng quà hỗ trợ cho đối tượng cần được trợ giúp xã hội (Ảnh: Trần Quỳnh)


Ngoài chức năng tư vấn, kết nối dịch vụ cho phụ huynh, nơi đây cũng trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, đặc biệt là trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng theo các chương trình, dự án như: kết nối và trợ giúp cho nhiều trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như có nguy cơ mất nguồn nuôi dưỡng, gia đình bị thiên tai; tặng quà Tết cho đối tượng người khuyết tật là nạn nhân bom mìn; tham gia hỗ trợ các hoạt động của dự án trợ giúp NKT do tổ chức USAID tài trợ; điều phối và kết nối trợ giúp người khuyết tật về các dụng cụ hỗ trợ hòa nhập, tập huấn các kỹ năng cho người khuyết tật và phụ huynh, hỗ trợ sinh kế, cải thiện môi trường tiếp cận, hỗ trợ dụng cụ học tập và học bổng cho học sinh khuyết tật học hòa nhập nhân dịp đầu năm học mới; quản lý mạng lưới hơn 300 cộng tác viên và 81 điểm phục hồi chức năng tại cộng đồng; cung cấp các trang thiết bị phục hồi chức năng cho các trung tâm y tế quận, huyện… Gần đây, Trung tâm đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế triển khai dự án tư vấn, hỗ trợ tâm lý và hỗ trợ sinh kế cho các bà mẹ đơn thân, yếu thế, gặp hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hệ thống cộng tác viên và cán bộ của Trung tâm đã tới tiếp cận, động viên, hỗ trợ các bà mẹ đơn thân vượt qua mặc cảm, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, Trung tâm còn tìm kiếm các nguồn kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho một số bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện nuôi con nhỏ, cải thiện cuộc sống.

Hiệu quả thiết thực nhất của những hoạt động này là đã bước đầu thiết lập mạng lưới cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, được tập huấn những kỹ năng phục hồi chức năng, kỹ năng CTXH, giúp tạo nguồn cán bộ xã hội cho thành phố theo định hướng phát triển nghề CTXH.

Theo nhận định của bà Trương Thị Như Hoa, hoạt động của Trung tâm đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH, truyền tải được cơ bản những kiến thức và kỹ năng CTXH cho đội ngũ cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và y tế các cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố. Để có được những kết quả này là nhờ sự quan tâm hướng dẫn chỉ đạo các bộ ngành liên quan, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ…, sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ xã hội các xã, phường.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định như đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới, hoạt động còn dàn trải vì vừa trải nghiệm mô hình, vừa cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ giao phó... nên chất lượng dịch vụ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào các chương trình dự án nên bấp bênh và bị động. Đội ngũ nhân viên tại Trung tâm được phân bổ quá mỏng nên chưa thể triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ cho các nhóm đối tượng cần sự trợ giúp khác tại cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ của mô hình Trung tâm CTXH.

Để phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm trong thời gian tới, cần kịp thời bổ sung những hành lang pháp lý cho việc phát triển nghề CTXH, có chính sách thu hút cán bộ đối với đội ngũ chuyên viên chuyên ngành tại Trung tâm, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong việc can thiệp, trợ giúp và cung cấp dịch vụ xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, phân bổ nguồn lực tài chính và tăng thêm định biên cho Trung tâm… Hiện nay Trung tâm vẫn đang tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm vận động nguồn lực từ các chương trình dự án và ngân sách trung ương để triển khai thực hiện và hỗ trợ nhiều hơn cho các chương trình, hoạt động hỗ trợ của Trung tâm./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực