Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn TP Hà Nội
Mở đầu góp ý, đại biểu Quốc Bình cho hay, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là một nhiệm kỳ hết sức đặc biệt, đây là nhiệm kỳ mà công tác làm Hiến pháp, làm luật hết sức nặng nề nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Quốc hội đã hoàn thành việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và thông qua sửa đổi, bổ sung gần 100 luật và các bộ luật cụ thể hóa các chế định mới của Hiến pháp.
Trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội khóa XIII đã xem xét từng vấn đề, cân nhắc tác động đến môi trường, đến hiệu quả kinh tế trước mắt và lâu dài, phạm vi ảnh hưởng trong nước và các nước trong khu vực như quyết định chủ trương về sân bay Long Thành. Nhiều quyết định của Quốc hội đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống như quyết định về ngân sách quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, công trình thủy điện hồ chứa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, hỗ trợ ngân sách đóng tàu và đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số, tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội, tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn v.v...
Tuy nhiên, từ những kết quả và mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ khóa XIII, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị, Quốc hội nghiên cứu một số nội dung. Một là, mọi hoạt động Quốc hội nói chung, các cơ quan Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội luôn gắn với sự lãnh đạo đường lối đổi mới toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, gắn với những trọng tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Do vậy, sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các chủ thể trong cơ cấu của tổ chức Quốc hội với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương là nội dung cần được coi trọng, góp phần cho Quốc hội phát huy ngày càng tốt hơn nhiệm vụ là cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Hai là, gắn bó mật thiết với cử tri, liên hệ thường xuyên với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định, mà còn là yêu cầu bức thiết để đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội nắm bắt được thực tiễn nguyện vọng, ý chí của người dân, làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, cải tiến phương pháp và chỉ đạo sát sao các hoạt động của 63 đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội có điều kiện luôn gắn bó với cử tri, đảm bảo hiệu quả hoạt động cao hơn nữa.
Ba là, Quốc hội đang trong tiến trình kiện toàn Quốc hội, bầu Quốc hội khóa XIV. Quốc hội đều thấy rõ vai trò, chất lượng của đại biểu Quốc hội quyết định rất quan trọng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Quốc hội cần đánh giá sâu sắc và cụ thể hơn các đại biểu Quốc hội khóa XIII, mạnh dạn đề xuất các đại biểu Quốc hội có tiêu chuẩn chất lượng để tái cử Quốc hội khóa XIV, đảm bảo cơ cấu tái cử theo mục tiêu đề ra; đặc biệt, cần coi trọng trước hết là năng lực thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu, ứng cử viên để khi trở thành đại biểu Quốc hội sẽ phát huy tốt, chủ động sáng tạo trong việc xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chức năng của đại biểu Quốc hội.
Bốn là, tiếp tục không ngừng cải tiến phương thức nội dung tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu chuyên trách nhằm bảo đảm bảo thực hiện nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đề ra, coi trọng vai trò của công tác giám sát để các quyết định luật do Quốc hội ban hành được đưa vào cuộc sống, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, cải tiến cách làm luật bằng nhiều hình thức thích hợp, tận dụng tối đa trí tuệ của các chuyên gia tư vấn với các chuyên ngành thuộc các đối tượng. Các dự án luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cần gửi sớm, chỉ đạo các cơ quan soạn thảo khi trình thông qua dự án luật phải kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn. Quốc hội chỉ tiến hành xem xét thông qua. Một dự án luật nên có đầy đủ dự thảo văn bản hướng dẫn kèm theo để tránh tình trạng chậm văn bản hướng dẫn hoặc văn bản hướng dẫn lại có quy định mâu thuẫn với luật làm cho luật khi ban hành chậm vào cuộc sống.
Năm là, cần tạo ra một thiết chế quan hệ điều hành trong Quốc hội để có sự trao đổi và xử lý thường xuyên giữa đại biểu Quốc hội với đại biểu Quốc hội. Giữa đại biểu Quốc hội với các đoàn đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giữa đại biểu Quốc hội, các cơ quan Quốc hội với Chính phủ các cơ quan Chính phủ, ban, ngành, Trung ương. Giữa đại biểu Quốc hội và các cơ quan Quốc hội, cử tri cả nước. Có như vậy mới tạo ra Quốc hội thực sự cải cách thực hiện được chức năng Quốc hội một cách kịp thời, khoa học, tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao nhất. Điều đó chỉ có thể giải quyết được khi tiến hành xây dựng triển khai đề án Quốc hội điện tử./.