(ĐCSVN) - Trong phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đánh giá cao sự thay đổi, phát triển của ngành y trong thời gian qua, đặc biệt trong việc thực hiện giảm tải bệnh viện, Đề án Bệnh viện vệ tinh, bảo hiểm y tế...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang): “Trong 5 năm qua, ngành y tế đã rất dũng cảm”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang). Ảnh: Tuấn Minh Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên, trong 5 năm qua ngành y tế rất dũng cảm. Ngành y tế dám sắp xếp lại bộ máy y tế lùng nhùng từ trước đến nay, ngang, dọc, trực thuộc huyện, tỉnh, bây giờ đã quy về một mối do tỉnh quản lý. Đây là một vấn đề rất mạnh. Ngành y tế dám đi đúng các quy luật kinh tế, đó là điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Tôi nhớ khi ban hành Thủ tướng Chính phủ hỏi Bộ trưởng có dám tự tin không? Thủ tướng cũng lo, nhưng ngành y tế đã quyết tâm. “Đây là dũng khí chúng ta dám làm đúng quy luật của nó”- đại biểu Tiên nói.
Một dũng khí nữa là ngành y tế thực hiện việc đưa bác sỹ ở các tuyến trung ương về địa phương làm luân phiên và thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh là những vấn đề tốt để thúc đẩy phát triển. Có như vậy, chúng ta mới giảm tải được 40% về tuyến trung ương.
Điểm rất nổi bật nữa của ngành y tế thời gian qua, theo Đại biểu Tiên là chúng ta phấn đấu được 77% dân số có bảo hiểm y tế, vượt 2 % so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Đây là những thành tựu lớn, chúng ta phải đưa vào trong báo cáo. Việc này tạo tiền đề cho ngành y tế, người dân được hưởng.
Tuy nhiên, trong nghị quyết sắp tới của Quốc hội về vấn đề Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, phải bổ sung, trong 5 năm tới, chúng ta làm gì?
Ông Tiên cho biết, khi Đoàn giám sát về y tế của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đi giám sát ở miền núi, có một thực tế rằng, mặc dù người dân miền núi được Nhà nước lo đầy đủ nhưng họ vẫn rất ít đi khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Tình trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tại y tế xã chung toàn tỉnh gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguyên nhân là do chi phí vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tuyến xã ở vùng ngoại thị, nông thôn vùng thấp.
"Không được tạo ra sự cào bằng như vậy. Tiền nhà nước đã cho rồi, nhưng chúng ta tổ chức thực hiện thế nào để cho người miền núi được hưởng, chứ nếu không chúng ta không bảo đảm được công bằng trong chính sách chăm sóc sức khỏe”, đại biểu Tiên bày tỏ.
Về vấn đề bình đẳng công tư y tế tư nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, Ủy ban nhận được rất nhiều văn bản của hội y tế tư nhân khẳng định bệnh viện tư nhân chỉ làm việc 40% công suất. “Hiện nay, gần như chúng ta chỉ quan tâm tới bệnh viện Nhà nước, còn bệnh viện tư nhân chúng ta thành lập ra để làm gì? Để người ta chơi, hay chúng ta sợ bị chiếm mất thị phần?Chúng tôi nghĩ phải có chính sách rất bình đẳng"- đại biểu Tiên nói.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản (Bình Định): Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản (Bình Định). Ảnh: QH
Đại biểu Trần Văn Bản cho biết, về an sinh xã hội, các chính sách đầu tư cho y tế, giáo dục đã được quan tâm đúng mức như năm 2015 chi cho y tế dự toán 65 nghìn tỷ đồng, thực hiện 69 nghìn tỷ đồng đạt 100,6%, chi cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề dự toán là 185 nghìn tỷ đồng, thực hiện là 187 nghìn tỷ đồng đạt 101%.
“Trong 5 năm 2011-2015, đầu tư cho y tế và giáo dục, đào tạo đều tăng, đây là những cố gắng lớn của Chính phủ để chi cho an ninh xã hội, đáp lại sự quan tâm đó ngành y tế đã khắc phục được những tồn tại, từng bước được củng cố và phát triển các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch như tỷ lệ giường bệnh kế hoạch là 23 giường đạt 24 giường trên 1 vạn dân”- đại biểu Trần Văn Bản cho biết
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng kế hoạch là 15 %, giảm còn 14% đã có nhiều biện pháp hữu hiệu, đồng bộ để giảm quá tải bệnh viện như xây dựng mới. Song song với bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cho 600 bệnh viện tuyến huyện và xây dựng mới Bệnh viện K2, K3, Bệnh viện U bướu, Bệnh viện Nhiệt đới và nhiều bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Bản trong thời gian qua, ngành y tế đã tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển các kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh đi đôi với đào tạo chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới. “Năm 2015, bổ sung thêm 13 bệnh viện vệ tinh, nâng số bệnh viện vệ tinh lên 60 bệnh viên của 15 bệnh viện hạt nhân. Đến nay, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch phẫu thuật lồng ngực, ghép thận... nhờ đó mà tình trạng chuyển lên tuyến trên của các bệnh viện vệ tinh đã giảm đáng kể”- Đại biểu Trân Văn Bản dẫn chứng.
Đại biểu Trần Văn Bản cũng nói thêm, ngành y tế cũng đã đẩy mạnh thực hiện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh kết hợp với tập huấn quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong toàn ngành y tế. Vì thế tinh thần thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của cán bộ y tế trong các bệnh viện đã được nâng lên rõ rệt. Cũng trong năm 2015 nước ta đã sản xuất được vắcxin và Việt Nam là một trong 39 nước đạt được chứng nhận của hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin của Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan phát triển Liên hợp quốc xếp nước ta vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân GDP.
“Nhìn chung, trong 5 năm qua, ngành y tế đã có những bước tiến vượt bậc, đồng bộ mà những nhiệm kỳ trước đây trăn trở chưa thực hiện được, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại khuyết điểm ngành y tế đã, đang sửa chữa, khắc phục để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn”- Đại biểu Trần Văn Bản khẳng định./.
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Tuấn Minh
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Tuấn Minh