Dấu ấn của một nhiệm kỳ Quốc hội

Thứ năm, 21/04/2016 17:42
(ĐCSVN) – Sau mỗi lời tuyên thệ, lời hứa, điều mà cử tri mong mỏi là những chương trình hành động phải cụ thể, quyết liệt và thật sự hiệu quả để xứng đáng với sự mong đợi và kỳ vọng của Nhân dân. Sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ, tin tưởng của cử tri là phần thưởng cao quý nhất đối với người đại biểu Nhân dân!

Kỳ họp thứ 11 thành công đã khép lại một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII  dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới, để lại những dấu ấn sâu đậm, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.


Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thành công tốt đẹp. (Ảnh: Đình Nam)

Nhắc đến kết quả, thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, trước hết phải nói đến công tác lập hiến, lập pháp - nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Quốc hội.

Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 thể hiện được ý Đảng, lòng dân, khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng ta, niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Hiến pháp đề cao quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong việc thực hiện các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng pháp luật với khối lượng 107 luật, bộ luật được ban hành, tăng gần gấp đôi so với nhiệm kỳ Quốc hội trước (67 luật, bộ luật). Trong đó, nhiều bộ luật quan trọng được thông qua như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương…Nổi bật là Bộ luật Dân sự năm 2015 thể  chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự,  Bộ luật Dân sự năm 2015 bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Với quy định mới mang tính chất đột phá: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”, góp phần bảo vệ một cách kịp thời và triệt để hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự…

Bên cạnh đó, quy trình lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật. Các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến theo hướng bảo đảm công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ theo lộ trình cải cách tư pháp. Nhiều vụ án lớn trọng điểm đã đưa đưa ra xét xử đáp ứng mong mỏi và tin tưởng của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng như: vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm; vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; vụ án Agribank chi nhánh nam Hà Nội...

Thông qua tiếng nói của cử tri và các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội, 2 vụ án oan sai trong hàng thập kỷ đã được làm sáng tỏ như: vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén…

Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lần điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và hằng năm sát hợp với thực tiễn; đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư  pháp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, với phạm vi giám sát rất phong phú, đa dạng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời chỉ ra những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật cần sớm được khắc phục, sửa đổi, bổ sung.

Hoạt động chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng chất lượng, thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ý chí của người dân, đề cao tinh thần xây dựng, tính dân chủ, công khai, tranh luận, đối thoại và ý thức trách nhiệm, tự phê bình của người được chất vấn. Nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm cao cả trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã dốc hết những lời “gan ruột” về các vấn đề trọng đại của đất nước như kinh tế, xây dựng nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu đã nói hết những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau. Trong đó, để lại dấu ấn trong lòng cử tri là phát biểu của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cảnh báo về một số quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ vào thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ", cũng như hiện tượng chạy nước rút những "chuyến tàu vét" trước khi hạ cánh hay bức xúc “kêu gọi đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh”; ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”;  ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): “Con đường dài nhất Việt Nam không phải từ Mục Năm Căn đến Mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức”…

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành các phiên chất vấn linh hoạt, hiệu quả, tạo nên bầu không khí trao đổi thẳng thắn, đầy tính xây dựng, mang tính chất gợi mở các vấn đề, giải pháp trọng tâm tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi...

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát; việc “tái” giám sát được tiến hành thường xuyên, trước hết là xem xét kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Giám sát chuyên đề được tăng cường, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đời sống; các nghị quyết, kiến nghị giám sát về cơ bản đúng, trúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả rõ rệt.

Quốc hội hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh sát thực tế và đây cũng là nguồn thông tin để giúp cho người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực.

Tại kỳ họp này, để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã hai lần quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước với số phiếu tập trung rất cao, thể hiện niềm tin tưởng, kỳ vọng của các vị đại biểu Quốc hội đối với các chức danh này.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức trước cờ đỏ sao vàng,
trước Quốc hội và đồng bào cả nước. (Ảnh: Đình Nam)

Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc kỳ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, cam kết trước Quốc hội và Nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong công tác đối ngoại, Quốc hội tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132. Đây là sự kiện chính trị ý nghĩa, đối ngoại tạo sự đồng thuận lớn, là sự kiện văn hóa mang tính lịch sử, tạo dấu ấn về hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách trong lòng bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục; việc chuẩn bị một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng trình Quốc hội; công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu…Đáng chú ý, có những văn bản chưa kịp ra đời đã “chết yểu” hoặc không mang tính khả thi “từ trên trời rơi xuống” như: Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống,  tạo nên tình trạng “nhờn” pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn mang tính hình thức, có việc chưa thực sự đi sâu, phân tích toàn diện nội dung giám sát; giám sát chuyên đề chưa đầy đủ, sâu sát, hình thức giám sát chủ yếu là nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương, do đó có những sai phạm chỉ đến khi cử tri, báo chí phát hiện, kiến nghị thì các cơ quan chức năng mới biết; hay vẫn còn tình trạng án oan, án sai…

Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII có 2 đại biểu nữ tự ứng cử bị bãi miễn cho thấy công tác giám sát “đầu vào” không chặt chẽ dẫn đến sai phạm phải xử lý của 2 nữ đại biểu này, tạo nên dư luận không tốt trong cử tri, nhân dân và đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm cho khóa tới.

Hoạt động chất vấn đã tiến một bước, nhưng cử tri cũng mong muốn các đại biểu và các tư lệnh ngành không chỉ nêu vấn đề cử tri bức xúc, quan tâm mà cần có giải pháp cụ thể, đi tới cùng vấn đề, thực hiện đến cùng “lời hứa” trách nhiệm trước cử tri và cần có chế tài để xử lý các vị tư lệnh ngành không thực hiện lời hứa trước cử tri...

Có thể khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân.  Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, cử tri mong muốn trong nhiệm kỳ tới, thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, luôn vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân là nhân tố quyết định; quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục và luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân để kịp thời có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Đây chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quốc hội!

Đồng thời, cử tri cũng mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu Quốc hội, bởi đây là yếu tố quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đề cao vai trò, trách nhiệm, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cử tri cả nước gửi gắm niềm tin và đặt nhiều kỳ vọng vào các lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn và mong muốn các vị lãnh đạo biến lời nói thành hành động với  nhiều quyết sách bám sát vào thực tiễn đời sống như vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phòng chống tham nhũng, bảo đảm an sinh xã hội...

Xin dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII thay cho lời kết: “Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm, với ý thức trách nhiệm trước Nhân dân và tiền đồ của đất nước, nhất định Quốc hội khóa XIV và các khóa tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”./.

Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực