Đâu là rào cản với phụ nữ tham gia chính trị?

Thứ tư, 02/03/2016 10:07
(ĐCSVN) - Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa.



Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Khá (Ảnh minh họa: KT)
Bước tiến trong bình đẳng giới

Năm 1946, tại buổi biểu quyết thông qua Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: Bản Hiến pháp tuy “chưa toàn diện” nhưng nó “tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do (…), phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân”.  Từ đó đến nay, trong quá trình phát triển của đất nước, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói chung và trong hệ thống các cơ quan dân cử nói riêng.

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã được tổ chức thành công tốt đẹp và chúng ta đã có thêm những điểm sáng mới trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ này đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ cấp xã chiếm 19,69% (tăng 1,59%); cấp huyện đạt 14,3% (tăng 0,3%); cấp tỉnh đạt 13,3% (tăng 1,9%); cấp Trung ương có 17/180 ủy viên chính thức, đạt 9,4% (tăng 0,8%). Đặc biệt, nhiệm kỳ này chúng ta có 3 đồng chí là nữ tham gia Bộ Chính trị, chiếm 15,7%.

Về sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội, theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Đông Timor, Philipin và Lào). Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững. Điều này thể hiện rõ qua thống kê số nữ đại biểu Quốc hội chiếm 21,77% ở khóa VII; 18% ở khóa VIII; 18,84% ở khóa IX;26,20% ở khóa X; 27,31% ở khóa XI; 25,76% ở khoá XII và 24,4% ở khóa XIII.

Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%. Kết quả trên cho thấy đã có sự gia tăng so với 3 nhiệm kỳ gần nhất. Tuy nhiên, qua mỗi nhiệm kỳ, các tỷ lệ này chỉ tăng dao động trong khoảng trên dưới 2% .

Những trở ngại và thách thức

Tại tọa đàm “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp” mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021 như Nghị quyết số 11 đã đặt ra.

Bộ trưởng cho rằng, vai trò của phụ nữ trong tham gia lĩnh vực chính trị nói chung và trong cơ quan dân cử nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết, các yếu tố văn hóa truyền thống và định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ xã hội, gia đình, của nam giới đối với phụ nữ mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn còn những nữ ứng cử viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri…

Công tác cán bộ nữ chưa có chiến lược cụ thể. Một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia đóng góp của chị em phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là trong tham gia quản lý, lãnh đạo…

Bộ trưởng phân tích, trong quy trình bầu cử chưa có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nữ ứng cử viên thường phải gánh nhiều cơ cấu, dẫn đến cơ hội trúng cử thấp hơn nam giới. Tỷ lệ thành viên nữ thấp trong Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp địa phương có thể ảnh hưởng tới việc ai sẽ được lựa chọn trở thành người ứng cử. Nữ ứng cử viên thường phải xếp vào danh sách ứng cử cùng những người ứng cử có khả năng trúng cử cao hơn (thường là nam giới giữ chức vụ lãnh đạo cao hơn).

Hơn nữa một số phụ nữ còn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp...

Ngày 22/5/2016 tới đây, sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp thì phải bảo đảm giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội, chỉ có 31% ứng cử viên là nữ, trong đó, số ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%. Để thực hiện việc trên, Bộ trưởng cho rằng việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt từ 35% trở lên. Tuyên truyền về những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ và các định kiến giới...

Kim Thanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực