Phải đổi mới phương pháp và nội dung lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, 21/03/2016 18:27
(ĐCSVN) – Để xác định rõ nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội trước hết phải đổi mới phương pháp và nội dung lập kế hoạch phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường.

Một Kỳ họp Quốc hội (Ảnh minh họa: KT)
Cần đổi mới căn bản công tác lập kế hoạch

Trong tham luận “Vai trò của Quốc hội trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” tại Hội thảo Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, theo Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, một trong những quyền hạn và nghĩa vụ của Quốc hội là: “Quyết định kế hoạch kinh tế -xã hội của đất nước”.

Ông cho rằng cần thừa nhận một thực tế là, mặc dù Quốc hội nước ta đã không ngừng đổi mới về cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua và ngày càng khẳng định vị trí vai trò của mình trong đời sống chính trị đất nước, nhưng kết quả hoạt động của Quốc hội còn khoảng cách khá xa so địa vị pháp lý là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, được Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội đã quy định.

Nhược điểm của các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nước ta trong những năm qua là thường nặng về sự áp đặt các mục tiêu mang ý muốn chủ quan hơn là một bản kế hoạch để qua đó dẫn dắt các chủ thể của một nền kinh tế hoạt động theo định hướng của nhà nước. Vì vậy trên thực tế dường như các mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ trình ra Quốc hội mới phản ánh được ở khía cạnh “phải làm gì” mà chưa phản ánh được các nội dung quan trọng hơn là  “làm cách nào” và “ai làm”. Do đó thực tế giữa mục tiêu kế hoạch và chính sách kinh tế không gắn liền với nhau.

Theo ông, yêu cầu đầu tiên hiện nay là phải đổi mới căn bản công tác lập kế hoạch trong đó bao gồm các khâu như công tác phân tích,dự báo; tách biệt giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện; nhất là gắn các mục tiêu với các nhóm chính sách điều chỉnh vĩ mô.

Ông cho rằng, đối với những kế hoạch kinh tế -xã hội 5 năm Quốc hội cần quyết định các chỉ tiêu liên quan đến các chỉ số phát triển con người (HDI), vì đó là mục tiêu cuối cùng đánh giá trình độ phát triển và rất gần gũi với đặc điểm của nền kinh tế XHCN. Bên cạnh đó, có thể tham khảo để lựa chọn một số chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu thiên niên kỷ mà nước ta đang xây dựng và phấn đấu thực hiện bao gồm các chỉ tiêu phản ánh tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc quyết định các mục tiêu định lượng cần quyết định thêm những chỉ tiêu phản ánh sự chuyển biến về chất của sự phát triển. Ví dụ, chỉ tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo sau mỗi 5 năm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hay chỉ tiêu nâng ngưỡng nghèo nhằm phản ảnh mục tiêu công bằng xã hội.

Mặc khác, việc quyết định những chỉ tiêu mang tính cưỡng chế theo hiệu lực pháp luật, cũng cần đề ra những chỉ tiêu mang tính chất khuyến nghị đối với Chính phủ trong công tác điều hành. Để phù hợp với tính linh hoạt của thị trường nên giảm bớt những chỉ tiêu mang tính pháp lệnh nhất là trong lĩnh vực kinh tế mà tăng thêm những chỉ tiêu mang tính khuyến nghị nhằm định hướng cho sự điều hành của Chính Phủ cũng như định hướng hoạt động của toàn xã hội...

Ông góp ý, đối với kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế-xã hội, chủ yếu Quốc hội quyết định các định hướng liên quan đến chất lượng của sự phát triển; các chỉ tiêu cần thiết để xác định các bước tiến bộ trên con đường công nghiệp hoá, tính chất của sự phát triển bền vững. Phần quan trọng hơn là quyết định các quyết sách bảo đảm điều kiện thực thi kế hoạch, để làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật có liên quan (gắn với chương trình pháp luật của Quốc hội).

Đối với kế hoạch phát triển xã hội kinh tế hàng năm, nên hạn chế bớt các chỉ tiêu mang tính pháp lệnh mà nên tập trung vào việc quyết định những chính sách kinh tế trong năm...

Ông cũng cho rằng, cần có sự phân biệt giữa mục tiêu và phương tiện trong quyết định của Quốc hội. Bởi về nguyên tắc khi Quốc hội quyết định các mục tiêu thì quyết định các phương tiện để bảo đảm cho việc thực thi.Tuy nhiên, không phải mọi phương tiện thực thi kế hoạch đều thuộc về nhà nước, nên càng không thuộc về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Do đó, cần tách các chỉ tiêu kinh tế, mang tính phương tiện như tỷ lệ huy động vốn đầu tư/GDP...ra khỏi hệ thống chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội quyết định, mà thay vào đó là chính sách huy động vốn đầu tư. “Khi dự báo tổng vốn đầu tư bảo đảm cho tốc độ tăng GDP, trong đó xác định phần vốn đầu tư của Nhà nước, của khu vực tư nhân. Quốc hội chỉ nên quyết định chỉ tiêu đầu tư ngân sách nhà nước, trong kế hoạch sử dụng ngân sách hoặc quyết định phương thức tài trợ ngân sách nhà nước để khuyến khích đầu tư tư nhân” – ông ví dụ.

Đổi mới phương thức quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Trên cơ sở đổi mới nội dung và phương thức lập kế hoạch, để Quốc hội có thể quyết định những nội dung của kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm phù hợp với quyền hạn và nhiệm vụ của Quốc hội cần phải thay đổi quy trình xem xét và ra quyết định của Quốc hội về vấn đề này.

TS Trần Du Lịch cho rằng, trước hết, cần thay đổi nội dung báo cáo kinh tế- xã hội của Chính phủ trước Quốc hội, chuyển từ tính chất mô tả kết quả sang phân tích các mối quan hệ bên trong đưa đến những kết quả đó. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế cần phải có báo cáo phân tích các yếu tố cấu thành tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế; các chính sách đã thực thi tác động đến các yếu tố đó.

Tiếp đó, cần gắn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với chính sách, công cụ thực thi. “Vừa qua trong các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm đều có nêu các chính sách và giải pháp. Tuy nhiên trên thực tế nhiều chính sách và giải pháp không được triển khai và cũng chưa làm rõ được mối quan hệ của các chính sách và giải pháp đó với các mục tiêu kinh tế xã hội đã quyết định” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Để giải quyết tồn tại này, ông đề nghị khi Quốc hội quyết định các mục tiêu kinh tế xã hội hàng năm cần gắn liền với việc quyết định nội dung các chính sách và giải pháp thuộc thẩm quyền Quốc hội. Ví dụ, một chính sách liên quan đến một hoặc nhiều đạo luật cụ thể thì quyết định việc sửa bổ sung hoàn thiện các đạo luật đó. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm mang tính ngắn hạn, nếu chưa nhìn thấy được cụ thể giải pháp thực thi, thì tự thân những mục tiêu đó thiếu tính khả thi. Đây là vấn đề rất quan trọng liên quan đến hiệu quả và hiệu lực các quyết định của Quốc hội.

Đồng thời gắn quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm với quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm. Phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm là công cụ tài khóa có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm việc thực thi kế hoạch kinh tế - xã hội. Do đó để có cơ sở phân bổ ngân sách đầu tư Quốc hội nên quyết định mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế xã hội trước khi quyết định việc phân bổ ngân sách đầu tư và có sự liên kết giữa đầu tư với các mục tiêu kinh tế-xã hội. Do đặc điểm Quốc hội nước ta chỉ có hai kỳ họp giữa năm và cuối năm nên nếu trong kỳ họp giữa năm quyết định mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho năm sau để làm cơ sở cho việc quyết định phân bổ ngân sách vào kỳ họp cuối năm thì sẽ gặp khó khăn trong công tác dự báo để ra quyết định, do đó trong điều kiện chưa có sự thay đổi về thời gian họp và số lượng các kỳ họp của Quốc hội thì có thể trong kỳ họp giữa năm Quốc hội cần có Nghị quyết về định hướng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm sau để làm cơ sở cho việc dự toán phân bổ ngân sách đầu tư. Trong kỳ họp cuối năm khi đã đủ các yếu tố để quyết định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm sau sẽ có sự điều chỉnh chính sách đầu tư (nếu mục tiêu phát triển kinh tế –xã hội có thay đổi) tương ứng với sự thay đổi các mục tiêu phát triển kinh tế –xã hội.

Ông cũng cho rằng, đổi mới bản thân nội dung các Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế-xã hội nhằm bảo đảm tính cưỡng chế của pháp luật (Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực như một đạo luật), nhưng cũng tránh sự trói buộc cứng nhắc hạn chế tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ. Do đó, trong Nghị quyết luôn luôn có phần khuyến nghị, không mang tính cưỡng chế, nhưng có ý nghĩa như nhưng tín hiệu được phát ra từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đối với xã hội.

Ở khía cạnh khác, theo ông, không chỉ là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, mà muốn nâng cao chất lượng việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cần nâng cao năng lực bộ máy tham mưu giúp việc của Quốc hội, trước hết là khả năng cung cấp thông tin, phân tích và đánh giá tác động của các quyết sách của Quốc hội.Đây là nhân tố rất quan trọng để bảo đảm chất lượng các quyết định của Quốc hội.

 

Ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, để xác định rõ nội dung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội trước hết phải đổi mới phương pháp và nội dung lập kế hoạch phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường. Kế hoạch phát triển kinh tế –xã hội nên xây dựng theo hướng nặng về tính chất dự báo và định hướng; tách biệt giữa mục tiêu và phương tiện thực thi; đồng thời gắn liền với chính sách để huy động nguồn lực. Quốc hội nên quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm theo hướng giảm bớt những chỉ tiêu pháp lệnh mà cần mở rộng những chỉ tiêu mang tính khuyến nghị cho công tác điều hành của Chính phủ; đồng thời gắn các mục tiêu phát triển với các quyết sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc khuyến nghị những giải pháp thuộc công tác điều hành của Chính phủ./.

 

 

 

Kim Thanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực