PV: Dù đã có đầy đủ quy định, định hướng về tăng tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND, nhưng thực tế cho thấy, trong các khóa vừa qua, tỷ lệ này tăng không cao , thậm chí có khóa còn giảm, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng cán bộ nữ. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân vì sao?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu gồm mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nhận thức về bình đẳng giới của một bộ phận cán bộ chủ chốt ở các ngành, địa phương chưa được đầy đủ, nên tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa nói ở trong nhân dân.
Thứ hai là phần đông chị em phụ nữ cũng còn một số chị em với cương vị của mình còn tự ti, chưa chủ động trong hoạt động chính trị, trong đó mạnh dạn trong tiếp cận với các nhóm đối tượng trong xã hội để thể hiện chính kiến của mình, thể hiện khả năng, năng lực của mình.
Thứ ba, một nguyên nhân cần phải chia sẻ với chị em phụ nữ là chị em phụ nữ với trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong gia đình vẫn chi phối lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia của chị em trong tất cả các lĩnh vực.
Thứ tư là trong cơ cấu bố trí đại biểu trong các đơn vị bầu cử thì thường chị em phụ nữ hay phải đảm nhận thêm những tiêu chí, ngoài tiêu chí là nữ còn là người dân tộc, ngoài Đảng…. Phải nói rằng, gần đây số phụ nữ tham gia vào bầu cử ở các đơn vị bầu cử tỷ lệ có nơi có thể đến trên 30%, nhưng khi đến kết quả trúng cử lại thấp so với mục tiêu.
PV: Vậy thưa Bộ trưởng, chúng ta cần có những giải pháp gì để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào Quốc hội, HĐND?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào ĐBQH nói riêng cũng như đại biểu HĐND các cấp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, cần nhiều giải pháp.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới, chúng tôi đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức các hội thảo, tập huấn với nữ đại biểu để họ có cơ hội chủ động hơn trong việc tham gia ứng cử cũng như nhận đề cử ĐBQH.
Cùng với đó là tập huấn kỹ năng tiếp xúc, lý giải các vấn đề với cử tri, làm cơ sở để chị em tự tin hơn. Như vậy, khi tranh cử thì tỷ lệ trúng cử sẽ cao hơn.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình tập huấn riêng với những chị em có danh sách sẽ được đưa vào bầu cử ĐBQH, HĐND để khi tranh cử chủ động hơn, cách thể hiện của mình chủ động mạch lạc hơn.
PV: Một số ý kiến cho rằng, việc quy định độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ cũng ảnh hưởng và hạn chế sự tham gia vào Quốc hội, HĐND. Bộ trưởng có đề xuất gì để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ứng cử ĐBQH, HĐND nhiều hơn?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tuổi nghỉ hưu của phụ nữ theo qui định hiện nay là nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, nhưng theo khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động cũng qui định rất rõ, sẽ có một bộ phận chị em có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn. Với trách nhiệm của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã có Đề án là với chị em làm công tác lãnh đạo, quản lý thì trước tiên tuổi nghỉ hưu bằng nam giới là 60 tuổi.
Tuy nhiên, Đề án ra đời trong điều kiện qui định về bầu cử trong Đảng đã qui định rồi. Vì vậy, Bộ Chính trị cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và tới đây Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý về công chức, viên chức sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Chúng tôi là cơ quan quản lý về lao động nhưng phải làm khách quan về bình đẳng giới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất để nếu chưa sửa luật thì Đề án nâng độ tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ sẽ sớm được thực hiện vào nhiệm kỳ tới.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB& XH Phạm Thị Hải Chuyền. (Ảnh: Hà Nam).
PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông trong thúc đẩy sự tăng trưởng của phụ nữ vào tham gia các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và tham gia vào Quốc hội, HĐND nói riêng? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của phụ nữ vào tham gia các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung và tham gia vào Quốc hội, HĐND nói riêng. Vì vậy, ngoài những việc đã làm, tôi rất mong các cơ quan truyền thông hãy lấy mục tiêu vì bình đẳng giới và mục tiêu bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, HĐND hiện nay để gắn bó với những cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị cho bầu cử, thường xuyên tuyên truyền tốt hơn, cụ thể hơn. Công tác truyền thông cần đến với cả những chị em ở vùng sâu, vùng xa và chị em ở cơ sở./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!