Vận động bầu cử đúng luật để chọn người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện của dân

Thứ năm, 28/04/2016 21:27
(ĐCSVN) - Vận động bầu cử đúng luật để chọn người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện của dân. Đây là hình thức vận động bầu cử lành mạnh theo quy định của pháp luật, là bước có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thành công của cuộc bầu cử.


Theo quangnam.gov.vn

Từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp (gọi tắt là đại biểu dân cử) đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ là thời gian ứng cử viên đại biểu dân cử tiến hành vận động bầu cử thông qua các cuộc tiếp xúc cư tri và các phương tiện thông tin đại chúng.

Để lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, xứng đáng là người thực sự tiêu biểu đại diện của nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, cần tạo điều kiện để tất cả cử tri đều biết được thông tin về các ứng cử viên, bảo đảm để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với đại diện cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện được tiếp xúc rộng rãi với cử tri ở từng xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã được tiếp xúc rộng rãi với cử tri ở từng thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị bầu cử.

Mọi cử tri đều có quyền tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử. Cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày giờ, địa điểm ứng viên tiếp xúc cử tri để cử tri được biết và bố trí tham dự, khắc phục tình trạng cử tri “chuyên trách” thường xảy ra trong một số cuộc bầu cử trước đây. Cử tri biết được thông tin về ứng cử viên thì cử tri sẽ tích cực đi bỏ phiếu, có trách nhiệm với lá phiếu của mình, hạn chế và khắc phục tình trạng bầu hộ, bầu thay hoặc “bầu chiếu lệ”, không căn cứ tiêu chuẩn đại biểu để lựa chọn bầu người  thật sự tiêu biểu.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên ngoài việc thông báo những vấn đề cơ bản về lý lịch bản thân, cần báo cáo chương trình hành động. Kinh nghiệm qua các cuộc bầu cử cho thấy, mong muốn của cử tri là các ứng cử viên không nên trình bày chương trình hành động chung chung, mà cần nêu cụ thể những vấn đề sát hợp với địa phương, cơ sở, nêu lên được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân…Vì vậy, Ban thường trực MTTQ và chính quyền địa phương, cơ sở thuộc đơn vị bầu cử, cần tổ chức để ứng cử viên tìm hiểu, thu thập thông tin về điều kiện, đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hóa; truyền thống cách mạng; tình hình kinh tế - xã hội; tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức của địa phương; đặc điểm dân cư; đời sống nhân dân; những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân (nếu có)… trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát hợp.

Các ứng cử viên cần hứa với cử tri những việc có thể làm nếu được tín nhiệm là đại biểu dân cử. Đặc biệt nên trình bày với cử tri những gì mình có thể thực hiện được để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương, cơ sở nơi mình ứng cử.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cần thực sự phát huy dân chủ của cử tri, mọi cử tri đều bình đẳng về quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, có thể chất vấn ứng cử viên về những vấn đề mình quan tâm trên tinh thần xây dựng, tạo không khí thân thiện, cởi mở giữa cử tri và các ứng cử viên.

Ứng cử viên dù là người được cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội....giới thiệu hay là người tự ứng cử đều bình đẳng trước pháp luật do đó cần chủ động gần gũi, gặp gỡ, trò chuyện với cư tri. Các cuộc tiếp xúc cử tri là dịp để  ứng cử viên đại biểu dân cử “tập dượt” kỹ năng thuyết trình trên diễn đàn, cử tri sẽ dành sự tín nhiệm cho những ứng cử viên nói trúng, nói đúng những vấn đề của địa phương, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng chính đáng của cử tri. Vì vậy, để có thể thu hút được sự chú ý và “giành điểm cộng” của cử tri, khi trình bày chương trình hành động cần ngắn gọn, xúc tích, mạch lạc, có thể gửi chương trình hành động đến các cử tri tham dự, nhưng không nên quá phụ thuộc vào bản đã viết sẵn; trân trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến của cử tri, giải thích, trả lời cử tri khi có yêu cầu… Ứng cử viên cần coi các cuộc tiếp xúc cử tri là  cơ hội rất quan trọng để thể hiện, xây dựng hình ảnh bản thân và tranh thủ sự tín nhiệm của cử tri đối với ứng cử viên. Sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên cần liên hệ với Thường trực Ủy ban MTTQ và chính quyền địa phương, cơ sở thuộc đơn vị bầu cử để rút kinh nghiệm, thu thập ý kiến nhận xét về chương trình hành động và cách thức trình bày trước cử tri để bổ sung, hoàn chỉnh, bảo đảm cho các cuộc tiếp xúc cử tri tiếp theo được tốt hơn.

***

 Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp năm 2016 là một sự kiện chính trị quan trọng và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân. Với yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, các ứng cử viên được giới thiệu trong danh sách ứng cử đã được hiệp thương lựa chọn kỹ càng, đều xứng đáng là đại biểu, cơ hội trúng cử của các ứng viên là ngang nhau. Tổ chức tốt công tác vận động bầu cử thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên và thông qua phương tiện thông tin đại chúng sẽ góp phần quan trọng lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu, xứng đáng là đại diện của nhân dân, nói tiếng nói của dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp./.

 

Hồng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực