Giáo dục về văn hoá gốc của người Việt

Thứ hai, 28/06/2021 15:48
(ĐCSVN) – Việc giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài có những yêu cầu đặc thù về nội dung và phương pháp. Trong đó, yêu cầu giáo dục về văn hoá gốc của người Việt, làm sống lại những nét đặc sắc văn hoá cội nguồn thông qua ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: HN) 

Nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên, đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 27/6, trường Tiếng Việt Lạc Long Quân (Ba Lan) và Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã phối hợp tổ chức chương trình Hội thảo trực tuyến “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài”.

Tham dự Hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đinh Hoàng Linh, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba LanTrần Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân Lê Xuân Lâm, cùng đại diện một số cơ quan trong nước, các giảng viên, nhà nghiên cứu ngôn ngữ cùng hơn 100 đại biểu các giáo viên dạy tiếng Việt ở 28 quốc gia...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cho biết, nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm, trong đó có công tác dạy tiếng Việt cho con em người Việt trong cộng đồng. Thời gian qua, công tác dạy và học tiếng Việt đã đạt được những kết quả tích cực. Tại Ba Lan, việc dạy và học tiếng Việt đã được duy trì và phát triển gần 22 năm ở trường Lạc Long Quân với đội ngũ giáo viên và Ban giám hiệu trách nhiệm, tâm huyết cao với công việc. Đại sứ Nguyễn Hùng ghi nhận, biểu dương những kết quả tích cực trong công tác dạy và học tiếng Việt của nhà trường thời gian qua, đặc biệt là sáng kiến về Hội thảo, đã tạo diễn đàn để các giáo viên trao đổi thông tin về công tác giảng dạy, đồng thời đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Theo ông Đinh Hoàng Linh, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay đã có nhiều chính sách, biện pháp được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dạy và học tiếng Việt. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng quan tâm xây dựng các chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình, phát thanh và mạng Internet. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều hình thức hỗ trợ hoạt động dạy và học tiếng Việt như cung cấp sách giáo khoa, tài liệu, hỗ trợ xây dựng trường lớp, tổ chức các khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài…

Tuy nhiên, ông Đinh Hoàng Linh cũng lưu ý công tác dạy và học tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất định. Trong bối cảnh đó, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Hội người Việt Nam tại Ba Lan và trường tiếng Việt Lạc Long Quân trong nỗ lực duy trì, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc trong cộng đồng.

Tại điểm cầu chính tại Warszawa (Ba Lan), ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch hội đồng trường Tiếng Việt Lạc Long Quân, Trưởng ban tổ chức Hội thảo, cho biết: “Hội thảo tập trung vào các vấn đề: nội dung và chương trình dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài; kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt (hình thức trực tuyến và không trực tuyến); áp dụng công nghệ trong việc giảng dạy tiếng Việt; chia sẻ thông tin về tình hình dạy và học tiếng Việt ở một số nước trên thế giới”.

 Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai (Australia) chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: HN)

Tại Hội thảo, nhiều thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã chia sẻ việc giảng dạy tiếng Việt gắn với văn hóa cội nguồn, đặc biệt văn hóa truyền thống như dân ca, văn học dân gian... Việc giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài có những yêu cầu đặc thù về nội dung và phương pháp. Trong đó, yêu cầu giáo dục về văn hoá gốc của người Việt, làm sống lại những nét đặc sắc văn hoá cội nguồn thông qua ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng.

Ngoài ra, một số thầy cô đề cũng xuất việc tăng cường hoạt động ngoại khóa gắn với việc tổ chức các trò chơi văn hóa dân gian, biểu diễn văn nghệ, mở câu lạc bộ đọc sách... Các thầy cô đều cho rằng điều đầu tiên quyết định việc kết quả học tập và rèn luyện tiếng Việt của các em học sinh là sự quan tâm của phụ huynh và môi trường gia đình là nơi các em trải nghiệm nói tiếng Việt đầu tiên và hiệu quả.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới, các đại biểu tham gia Hội thảo trực tuyến “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” cũng cùng nhau chia sẻ tiện ích về áp dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Việt trực tuyến. Bên cạnh đó, các thầy cô tham gia giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài cũng chỉ ra những hạn chế của việc giảng dạy theo mô hình này như:khó khăn trong quản lý học sinh, tương tác giữa học sinh với giáo viên, việc kiểm tra và việc luyện phát âm cho các học sinh theo dõi học sinh học tập gặp khó khăn.../.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực