Kiều bào hiến kế chuyển đổi số, khắc phục tác động của đại dịch

Thứ sáu, 30/10/2020 14:56
(ĐCSVN) – Với mong muốn ghi nhận những ý kiến đóng góp của kiều bào đối với những vấn đề trọng tâm về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ngày 30/10, Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội nghị kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam.

Chuyển đổi số thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi phát biểu khai mạc hội nghị 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết: TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, là trung tâm lớn về kinh tế- văn hóa, giáo dục và đào tạo khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của Việt Nam, là nơi được nhiều kiều bào lựa chọn sinh sống và làm việc. Nhiệm kỳ 2015- 2020, đánh dấu một nhiệm kỳ thành công của Thành ủy, chính quyền và Nhân dân TP, vẫn tiếp tục giữ vững vị trí đầu tầu kinh tế của cả nước, với mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 7,72%. Đặc biệt, TP đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Những thành tích nói trên có những đóng góp không nhỏ của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài.

“Đây là động lực để TP tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng TP trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, văn hóa của cả khu vực” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho rằng: Trong những năm gần đây, cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình chuyển đổi số đã tác động nhiều mặt đến đời sống, xã hội của nước ta, từ hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ đến vấn đề sản xuất, kinh doanh, việc làm và những sinh hoạt thường nhật của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy thì ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế- xã hội ngày càng trở nên quan trọng, đây là đòn bẩy quan trọng để tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; là cơ hội vô giá để phát triển đất nước, như đánh giá của một số chuyên gia.

Nhằm nắm bắt được những cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách về việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749 phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Tại Quyết định số 77 về chủ trương khắc phục đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Chính trị quyết định phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những mục tiêu dài hạn và quan trọng của nước ta hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hy vọng các chuyên gia, tri thức, kiều bào cùng đại diện các bộ, ban, ngành địa phương, doanh nghiệp sẽ có những trao đổi, thảo luận hiệu quả đóng góp ý kiến tích cực cho công tác hoạch định chủ trương, chính sách điều hành của Nhà nước, Chính phủ và TP Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung vào vai trò chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và xây dựng đô thị thông minh. Đây là dịp để các chuyên gia, trí thức, kiều bào đóng góp ý kiến bào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, với những mục tiêu cụ thể.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh bày tỏ vui mừng khi thời gian qua, các kiều bào luôn đồng hành cùng đất nước và thành phố. Những tình cảm đó rất trân trọng và đáng quý, là sự cổ vũ để thành phố phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện “nhiệm vụ kép” - bởi lẽ thành phố là một đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước; sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ tác động trực tiếp đến phục hồi kinh tế cả nước.

 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các doanh nhân, trí thức, kiều bào về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển du lịch...

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho hay dưới tác động của đại dịch, lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 149.000 tỉ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh hơn 25.000 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong bày tỏ, TP mong muốn được lắng nghe các ý kiến của các doanh nhân, trí thức, kiều bào về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển du lịch, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số; đóng góp ý kiến để TP phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, thảo luận kỹ các giải pháp để kêu gọi kiều bào đầu tư nhiều hơn của TP Hồ Chí Minh.

Góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: Để thực hiện mục tiêu kép, Việt Nam không chỉ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm ngặt, không để dịch lây lan trở lại mà phải tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa tiền tệ, đẩy nhanh quá trình phát triển của nền kinh tế, trong đó tập trung vào các ngành du lịch, vận tải… để hỗ trợ các ngành khác; tháo gỡ khó khăn cho các ngành tín dụng, ngân hàng; ưu tiên đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA; chuyển đổi số phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên quốc gia…

 Kiều bào đóng góp ý kiến tại hội nghị 
  GS Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chỉ ra sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hoá thay thế lao động đang mở ra cơ hội tiến nhanh vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, chiến tranh công nghệ gay gắt cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng; dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hoá chuỗi cung ứng để giảm rủi ro cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tiến hành phân tích và thống kê được 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… Về xuất khẩu, chúng ta có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm dich vụ viễn thông, y tế…” - GS Trần Ngọc Anh nêu ý kiến.

GS Ngọc Anh cũng nhận xét Việt Nam có một thế mạnh vô cùng quan trọng, có hàng trăm ngàn kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu… làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia. Lực lượng này sẵn sàng tư vấn, hợp tác để phát triển đất nước, nhất là đóng góp hiểu biết của mình cùng chính quyền, nhà quản lý để xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước…

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Ban Kinh doanh Chiến lược Tập đoàn FFPT cũng nhấn mạnh vai trò ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong định hướng phát triển DN. “Trong giai đoạn dịch, hành vi văn hóa số đã đi vào DN thì khả năng tồn tại và bứt phá cao hơn, còn ngược lại thì khả năng duy trì, sống sót thấp” - ông Sơn nhận định.

Diễn ra từ ngày 29-30/10, tại TP Hồ Chí Minh, hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” đã tập trung thảo luận một số vấn đề: Giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phát triển kinh tế đất nước; Vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và các diễn giả kiều bào có uy tín, thời gian qua đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng đất nước.

Hội nghị là nơi để các cơ quan hoạch định chính sách thông tin đầy đủ tới người Việt Nam ở nước ngoài và đặc biệt tới doanh nhân trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình kinh tế Việt Nam; khó khăn, thách thức đối với các lĩnh vực của nền kinh tế và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là cơ hội để kết nối các cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước trên từng lĩnh vực cụ thể, tăng cường cơ hội hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng trong nước trong việc phát triển kinh tế nói chung và hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn thời kỳ COVID-19 nói riêng. 

 

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực