Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ sáu, 09/12/2022 20:25
(ĐCSVN) - Truyền thông chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp kiều bào hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ đó, kiều bào ta càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước đồng thời giúp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế.

Đây là nội dung được Tiến sỹ Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp)  nêu ra trong Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 12/2022 do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

 Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Lê Vệ Quốc, trên cơ sở thực tiễn, kết hợp với việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; các định hướng lớn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp hổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 30/3/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.

“Việc ban hành Đề án có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay và yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL - khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật” – ông Lê Vệ Quốc khẳng định.

Từ góc độ người dân, truyền thông chính sách, pháp luật ngay từ khâu dự thảo văn bản được coi là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình". Thông qua truyền thông dự thảo chính sách, nhiều phản ánh, ý kiến của người dân được ghi nhận kịp thời để hoàn thiện dự thảo, qua đó đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì vậy, ông Lê Vệ Quốc nhấn mạnh rằng, việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật không những nhằm đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật mà có ý nghĩa hết sức quan trọng trong củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII về phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường đồng thuận xã hội , đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.

Khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình. Điều 18 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCNVN năm 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.

“Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” – ông Lê Vệ Quốc nói.

Đại diện Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, điều này đã được xác định cụ thể tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng mà Kết luận số 12-KL/TW đề ra là “đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta” tới cộng đồng NVNONN và “hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”.

Phát biểu về nội dung này, tiến sỹ Lê Vệ Quốc cho rằng, nội dung thông tin truyền thông cho người Việt Nam ở nước ngoài các chính sách, quan điểm của Đảng, pháp luật thực định của nhà nước cũng như các dự thảo chính sách pháp luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó thể hiện  phương châm “đi trước mở đường”, góp phần quan trọng giúp đồng bào ta ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngược lại, thông qua việc tham gia đóng ý kiến, phản hồi đối với các dự thảo chính sách pháp luật liên quan, người Việt Nam ở nước ngoài đã thông tin, phản ánh những vướng mắc, khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào ta tới với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước, góp phần gắn kết chặt chẽ khối đại đoàn kết toàn dân, từ đó làm cho kiều bào ta càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, đồng thời giúp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế.

“Chính vì vậy, truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được coi là cách thức, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu mà Kết luận số 12 nêu trên đã xác định” – ông Lê Vệ Quốc nói.

Giải pháp tăng cường truyền thông về dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài

 Tăng cường truyền thông Dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh: VGP/LS)

Xác định hoạt động truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động có tính chất đặc thù, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc đã nêu ra những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, trong đó có việc thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời xác định đây là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, trong đó các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm chính để chủ động có kế hoạch thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật.

Theo ông Lê Vệ Quốc, để các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội được truyền thông đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng kế hoạch và tổ chức truyền thông về nội dung dự thảo chính sách theo quy định tại Quyết định số 407 đến người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các dự thảo chính sách pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng; nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan thiết thực đến người Việt Nam ở nước ngoài như: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; xuất cảnh, nhập cảnh; pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở; chính sách về bảo hộ của nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài cũng như chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực thu hút chuyên gia trí thức, kiều bào; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; các Điều ước quốc tế liên quan…

Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn về truyền thông dự thảo chính sách pháp luật liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, vai trò thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luậ trung ương là đại diện lãnh đạo của Bộ Ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc ở nước ngoài phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Một giải pháp khác được ông Lê Vệ Quốc nhắc tới đó là cần xác định hoạt động truyền thông dự thảo chính sách cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động có tính chất đặc thù, do vậy cần đa dạng hóa hoạt động truyền thông dự thảo chính sách pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả như: xây dựng tài liệu truyền thông dự thảo chính sách pháp luật ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, được dịch ra tiếng nước ngoài phổ thông; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng chuyên biệt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, các ứng dụng mạng xã hội, trong đó, hệ thống các thông tin nội bộ, Cổng/trang thông tin của các cơ quan đại diện nước Cộng hoà XHCNVN ở nước ngoài cũng có vai trò hết sức quan trọng; lồng ghép trong các diễn đàn, gặp mặt kiều bào Việt Nam ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, ông Lê Vệ Quốc cũng đề xuất tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan thông tin, truyền thông với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan ngoại giao trong truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính thức, chính xác và đầy đủ. “Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài” – đại diện Bộ Tư pháp khẳng định.

Ngoài ra, ông Lê Vệ Quốc cũng cho rằng có cơ chế để cơ quan báo chí phối hợp, cùng tham gia thực hiện truyền thông chính sách, trong đó có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ truyền thông chính sách cho cơ quan báo chí thực hiện... để bảo đảm hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực