Thực hiện tốt công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ ba, 29/11/2022 18:27
(ĐCSVN) – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh tình hình quốc tế, khu vực, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những yêu cầu của đất nước, yêu cầu về việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước đã và đang đặt ra cho công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài những nhiệm vụ mới.

Ngày 29/11, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (gọi tắt là Nghị quyết 23). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, chủ trì Hội nghị.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về NVNONN, nhấn mạnh trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 23 được thực hiện quyết liệt, kịp thời. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở trong và ngoài nước đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 23 trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, đồng thời phổ biến rộng rãi tới đông đảo NVNONN. Trên cơ sở Nghị quyết 23 và yêu cầu thực tiễn của công tác NVNONN, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng và kiến nghị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng về công tác NVNONN, trong đó phải kể tới Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45 ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị và Kết luận 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện những Nghị quyết/Chỉ thị/Kết luận nêu trên. Các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động về công tác NVNONN của cơ quan và địa phương mình. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 23 và các văn bản chỉ đạo của Đảng trong công tác NVNONN được thực hiện nghiêm túc, bài bản, thường xuyên.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Trịnh Hà trình bày Báo cáo trung tâm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao

Cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh và có đóng góp quan trọng

Theo Báo cáo trung tâm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, trong 20 năm qua, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Đáng chú ý, thành phần cộng đồng ngày càng đa dạng, trong đó số lượng du học sinh, lao động xuất khẩu, người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có xu hướng tăng. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao.

Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính đến hết năm 2021, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỉ USD và hàng ngàn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội. Kiều hối liên tục tăng, năm 2021 đạt 18,1 tỉ USD, tăng 5,2% so với năm 2020; đưa tổng kiều hối từ năm 2003 - 2021 đạt khoảng 187 tỉ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ trong nước. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, kiều bào đã quyên góp hơn 80 tỉ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong nước. Nhiều sáng kiến tập hợp, kết nối chuyên gia, trí thức người Việt tại các địa bàn đóng góp cho những vấn đề phát triển đất nước được đề xuất và triển khai. Kiều bào tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Các hội đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.

leftcenterrightdel
 Nhiều ý kiến phát biểu về kết quả triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN, các vướng mắc và hướng tháo gỡ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợn hơn cho NVNONN.

Những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, cuộc sống của một bộ phận NVNONN tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Một số tổ chức hội đoàn NVNONN gặp nhiều thách thức trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức, kinh phí hoạt động. Tình hình phạm tội trong cộng đồng NVNONN có xu hướng gia tăng. Các tổ chức và cá nhân người Việt cực đoan ở nước ngoài tiếp tục chống phá với hình thức tinh vi hơn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác NVNONN còn một số hạn chế như: Việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN còn bất cập, nhất là vấn đề quốc tịch và thu hút đầu tư, đãi ngộ chuyên gia, trí thức là kiều bào ở nước ngoài. Công tác vận động, đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh số lượng kiều bào thế hệ thứ hai ngày một gia tăng, ít gắn bó với quê hương Việt Nam. Việc phát huy nguồn lực của NVNONN chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cộng đồng, mới tập trung chủ yếu vào nguồn lực kinh tế, chưa chú trọng đến nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, cụ thể là vai trò của kiều bào trong quảng bá thương hiệu quốc gia và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, quản lý đối tượng du học sinh, lao động xuất khẩu... còn bất cập; tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt Nam học tập và làm việc tại nước ngoài ngày một tăng về số lượng và tính chất vi phạm. Công tác thông tin, tuyên truyền về những vấn đề bà con quan tâm cũng như các quy định, pháp luật của nước sở tại có lúc chưa kịp thời, chưa đạt được hiệu lực, hiệu quả như mong muốn và chưa tiếp cận nhiều nhóm đối tượng, nhất là thế hệ kiều bào trẻ. Công tác hỗ trợ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc chưa đáp ứng nhu cầu và điều kiện của từng địa bàn.

Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng về đại đoàn kết đối với NVNONN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu nêu rõ: Quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết đối với NVNONN được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Đảng từ Nghị quyết 23-NQ/TW về công tác đại đoàn kết, đến Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của NVNONN trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao, công tác NVNONN ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương. Công tác đại đoàn kết, vận động cộng đồng hướng về quê hương, đất nước, thu hút nguồn lực NVNONN đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực liên quan đến NVNONN đã được xây dựng, ban hành, chế độ chính sách và khen thưởng đối với NVNONN có công trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước được tích cực triển khai, góp phần quan trọng động viên, khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, tham gia đóng góp cho đất nước. Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt ngày càng được chú trọng và đã có nhiều tiến triển tích cực, góp phần cơ bản xây dựng cộng đồng NVNONN hội nhập thành công và có vị thế ở sở tại. Công tác quản lý lao động, du học sinh VNONN... tiếp tục được tăng cường, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực lao động, xuất nhập cảnh, con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài... được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NVNONN. Tổ chức bộ máy làm công tác NVNONN đã được củng cố, kiện toàn đảm bảo sự phối hợp từ Trung ương đến địa phương và CQĐD VNONN. Cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả để làm tốt vai trò tham mưu, thống nhất quản lý công tác NVNONN.

Ngoài ra, tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận về: Kết quả triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến NVNONN, các vướng mắc và hướng tháo gỡ nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợn hơn cho NVNONN về thăm thân, làm ăn, đầu tư, nghiên cứu khoa học… tại quê hương; Nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động NVNONN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở trong và ngoài nước; Công tác hỗ trợ, vận động NVNONN đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An; Tình trạng lao động Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại, tình trạng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, nguyên nhân, hệ quả và vai trò của các cơ quan chức năng trong nước, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc ngăn chặn, hạn chế tình trạng này; Công tác thông tin, truyền truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và giáo dục ý thức chính trị đối với NVNONN sang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài – vai trò của các cấp ủy ngoài nước và các đề xuất, kiến nghị./.

Tin, ảnh: Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực