Bình thường và bất thường

Thứ sáu, 14/10/2022 09:44
(ĐCSVN) - Theo lẽ bình thường, trong các kỳ thi tuyển, người có điểm cao sẽ trúng tuyển. Song, những mùa tuyển sinh đại học gần đây, nhiều thí sinh dù điểm bình quân mỗi môn đạt trên 9,5 nhưng vẫn không trúng tuyển. Dư luận cho rằng đây là điều bất thường. Nhiều ý kiến đề xuất nên chăng có những điều chỉnh về phương thức tuyển sinh đại học theo hướng khoa học, sát thực tiễn.

Lạm phát điểm thi đại học…

 Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. (Ảnh: Nam Du).

Nét chung của hai mùa tuyển sinh đại học gần đây đó là tại nhiều ngành đào tạo, thí sinh phải đạt mức điểm gần tuyệt đối mới có cơ hội trúng tuyển. Điển hình như năm 2021, ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an nhân dân, có điểm chuẩn lên tới 30,34 điểm với nữ (khối C00); điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân là 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01. Bên cạnh đó, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nhiều ngành mà điểm chuẩn khối C00 cũng ở mức “tuyệt đối” hoặc “gần tuyệt đối” như Ngành Hàn quốc học (30 điểm), Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).

Mới đây nhất, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục ghi nhận 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng đều là 29,95 điểm. Kế tiếp là ngành Báo chí với 29,9 điểm… Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin với 29,15 điểm.

Còn tại Trường ĐH Hồng Đức, (Thanh Hóa) điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2022 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất vào trường lên tới gần 40 điểm (thang điểm 40). Cụ thể, 2 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và ĐH Sư phạm Lịch sử chất lượng cao - cùng 39,92 điểm. Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. Ngoài ra, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao, với 29,75 điểm (thang điểm 30). Trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt gần 9,92 điểm mới trúng tuyển.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với điểm thi trung bình mỗi môn hơn 9 điểm nhưng thí sinh vẫn có nguy cơ trượt đại học là một dấu hiệu hết sức bất thường. Ai cũng thấy điểm thi cao, thậm chí rất cao nhưng lại trượt đại học là bất bình thường. Và lo ngại nhất là điều bất thường trở nên bình thường. Điểm trúng tuyển gần như tuyệt đối đang phản ánh những bất ổn trong phương thức tuyển sinh; đồng thời gây rối loạn định hướng của thí sinh, phụ huynh cho các mùa tuyển sinh tiếp theo. Vấn đề đặt ra là cách thức giải quyết gốc rễ của sự bất bình thường này như thế nào.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần đổi mới thi cử, tuyển sinh đại học. (Ảnh: Trinh Phúc).

Chia sẻ về tình trạng lạm phát điểm thi đại học, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm nay, điểm trúng tuyển vào những ngành “hot” lại tiếp tục cận ngưỡng gần như tuyệt đối. Trong đó ngành có Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội; ngành Quốc tế học, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Báo chí ở tổ hợp C00 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. “Nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô - để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên”, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ thêm.

Đưa điểm thi đại học về giá trị thực

Có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của một số trường đại học luôn ở mức cao, thậm chí gần như tuyệt đối. Đó là do mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; một số ngành đào tạo có tỷ lệ tuyển thẳng cao; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, với độ phân hóa đề thi như hiện tại, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.

Cùng chung quan điểm trên, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng. Từ đó, xác định điểm chuẩn tuyển sinh phù hợp theo hướng trả lại giá trị thực cho điểm thi đại học.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Huyền Thanh).

Thực tế, trong kỳ tuyển sinh năm 2022 vừa qua, những trường đại học thực hiện tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn. Cụ thể, điểm chuẩn của 8 trường trực thuộc Bộ Công an năm nay đều giảm so với năm 2021 và không có ngành nào vượt quá 26,5 điểm; điểm chuẩn các trường đối với thí sinh nam dao động từ 15,1 đến 22,93 điểm; đối với thí sinh nữ, điểm chuẩn dao động từ 15,63 đến 26,26 điểm. Trong khi điểm chuẩn năm trước cao nhất là 30,34 điểm.

Nguyên nhân là do năm nay Bộ Công an tổ chức bài thi đánh giá năng lực công an nhân dân, với mục đích có thang đo đáp ứng được tiêu chí xét tuyển vào các trường ĐH Công an Nhân dân. Kết quả của bài thi sẽ được dùng kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp để xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường công an nhân dân (chiếm tỷ lệ 40%) và điểm bài thi Bộ Công an (chiếm tỷ lệ 60%).

Tương tự, điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng giảm so với năm 2021. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của 60 chương trình đào tạo. Trong đó, có 5 chương trình trường không sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.

Được biết, theo định hướng của Bộ Giáo dục & Đào tạo, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đưa điểm thi đại học về giá trị thực, hạn chế tình trạng lạm phát điểm trúng tuyển đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần điều chỉnh việc ra đề thi tốt nghiệp THPT, siết lại các kiến thức trong đề thi để tránh tình trạng “giỏi ảo”. Về lâu dài, cần tính toán lại việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học vì mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau. Nên tăng tính tự chủ của các trường trong việc tuyển sinh trên cơ sở vai trò quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục & Đào tạo, thông qua quản lý đề án tuyển sinh của các trường.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đại học nên sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh; kết hợp giữa sử dụng kết quả thi tốt nghiệp với kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, kỳ thi đánh giá năng lực thực tế của thí sinh… để xác định điểm chuẩn và tuyển được những thí sinh thực sự phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Tuyển sinh là khâu đầu tiên, giữ vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo đại học. Tuy nhiên, việc thí sinh có điểm thi rất cao nhưng vẫn trượt đại học thực sự là dấu hiệu bất thường trong công tác tuyển sinh đại học. Thực tế những năm gần đây cho thấy, không phải lúc nào điểm chuẩn cao cũng đồng nghĩa với việc cơ sở đào tạo tuyển được những thí sinh có chất lượng, phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Do đó, cần sớm khắc phục dấu hiệu bất thường nói trên, cần đưa điểm thi đại học về giá trị thực. Đó là cách để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào của các trường đại học hiện nay./.

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực