Đừng để thí điểm trở thành việc “được chăng hay chớ”

Thứ tư, 17/08/2022 16:23
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Từ ngày 6/8 vừa qua, thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi, cụ thể là đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Khuất Duy Tiến nhằm thử nghiệm, tìm kiếm phương án tổ chức giao thông tối ưu, giảm xung đột giữa các loại phương tiện, giảm rủi ro tai nạn giao thông...
 Sau hơn 10 ngày thực hiện, đánh giá ban đầu về kết quả việc phân làn này có nhiều luồng ý kiến. 

Theo đó, đoạn đường này sẽ phân làn theo phương án 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô; đồng thời thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ. Trong tháng đầu thí điểm tổ chức phân làn (6/8 đến 6/9), lực lượng chức năng cơ bản nhắc nhở để thay đổi ý thức của người dân.

Đến nay, sau hơn 10 ngày thực hiện, đánh giá ban đầu về kết quả việc phân làn này có hai luồng ý kiến. Thứ nhất số ít người cho rằng bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhưng luồng ý kiến áp đảo còn lại cho rằng chưa thực sự hiệu quả, thậm chí có ngày làm giao thông hỗn loạn, do đó là “không cần thiết” vì “tắc vẫn hoàn tắc” mà “chỉ thấy tốn tiền”... Thậm chí còn tăng áp lực giao thông lên các phương tiện xe máy, nhất là vào giờ cao điểm vì chỉ có hai làn đường, lại phải đi chung với xe buýt...

Tuyến đường Nguyễn Trãi là huyết mạch giao thông phía Tây của thành phố Hà Nội, đi qua các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và được đầu tư hạ tầng tốt bậc nhất của Hà Nội với 5 - 6 làn xe mỗi hướng lưu thông. Tuy nhiên từ lâu tuyến đường này đã trở thành “ác mộng” với người tham gia giao thông vào mỗi khung giờ cao điểm. Đầu giờ buổi sáng, lượng phương tiện tại đây tăng đột biến theo hướng từ Hà Đông vào trung tâm thành phố Hà Nội, gây ùn tắc giao thông. Khung giờ cao điểm buổi chiều, ùn tắc xảy ra theo hướng ngược lại.

Chưa hết, sự phức tạp đó không chỉ liên quan tới mật độ giao thông khủng khiếp, mà còn thể hiện qua số lượng không hề nhỏ ngõ phố giao cắt, lối rẽ, điểm quay đầu... Vì thế khi người dân quay đầu để nhập làn dễ bị gây xung đột, làm ùn tắc giao thông. Thậm chí nếu đi đúng làn đường mà muốn quay đầu thì người đi xe máy phải băng ngang đường ô tô mới có thể quay đầu. Đường ngắn, nhiều ngõ ngách và điểm quay đầu nên tình trạng giao thông lộn xộn từ hôm thí điểm đến nay vẫn thường xuyên diễn ra. Do đó, việc phân làn thế nào cho hiệu quả, làm sao để tránh xung đột khi cứ một đoạn lại có lối rẽ, lối quay đầu… là điều không dễ dàng!

Điều đáng nói, trước đó, việc tổ chức giao thông xung quanh tuyến đường này cũng đã nhiều lần được điều chỉnh. Gần nhất, vào cuối tháng 6/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức lại giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở. Theo đó, toàn bộ phương tiện đi thẳng, rẽ trái không được đi dưới gầm cầu, mà sẽ phải rẽ phải vào Trường Chinh sau đó quay đầu ở điểm mở cách Ngã Tư Sở 700m và rẽ phải đi Tây Sơn hoặc đi thẳng để sang đường Láng.

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân thường xuyên đi qua khu vực này cho rằng, về lý thuyết, cơ bản giải pháp phân làn rất tốt. Tuy nhiên, về đặc thù thực tế đoạn đường này nhiều ngõ, phố, nhiều lối rẽ ngang nên tình trạng sắp xếp phân làn không được xuyên suốt, dẫn đến tình trạng lấn làn, chưa thấy hiệu quả…

Hơn nữa điều quan trọng là phải nhìn nhận đúng thực tế đang diễn ra. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra tại rất nhiều tuyến phố - thì liệu các giải pháp đã đưa ra và đang được thực hiện có thực sự hiệu quả và tạo đột phá hay chỉ đơn thuần là giải quyết được ùn tắc ở điểm này nhưng lại diễn biến phức tạp ở điểm kia...

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc phân làn cứng để đi lại ngăn nắp là rất cần thiết trên tuyến đường này. Để việc tổ chức lại giao thông hiệu quả, ý thức của người dân góp phần không nhỏ trong việc quyết định phương án điều chỉnh có thành công hay không? Do đó, cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, tích cực tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn…, thậm chí xử phạt thật nghiêm đối với người cố tình vi phạm quy định thì mới có thể đưa vào quy củ, nền nếp được. Bởi chỉ nhắc nhở hoặc mặc kệ sẽ rất nửa vời, không hiệu quả. Vì thế dù là thí điểm nhưng việc phân làn cũng cần làm triệt để nếu không sẽ dẫn đến những đánh giá thiếu khách quan, chính xác. Những đúng - sai, hợp lý hay không vì thế mới có thể rõ ràng trong thời gian tới.

Ủng hộ việc phân làn, chuyên gia giao thông, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho rằng: Việc điều chỉnh tổ chức giao thông khi hạ tầng chưa đáp ứng, tỷ lệ phương tiện quá tải so với mặt đường là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục theo dõi để từng bước điều chỉnh lại cho phù hợp. Người dân chỉ tự giác chấp hành khi họ thấy phù hợp, thuận tiện.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc dành phần đường cho mô tô, xe gắn máy và xe buýt phải được khảo sát kỹ, trên cơ sở đo đếm lưu lượng phương tiện cụ thể. Đặc biệt, tại các nút giao phải được xử lý một cách khoa học trên toàn tuyến mới đem lại hiệu quả. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cần đánh giá nhanh tình hình, xem xét tính khả thi của dải phân cách từng đoạn, thiếu đồng bộ trên toàn tuyến như hiện nay để có điều chỉnh sớm, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân ngay từ những ngày đầu tiên cưỡng chế các dòng phương tiện đi đúng luật, đúng làn.

Về lâu dài, để giải quyết tình trạng này, ở bình diện hẹp là trục đường Nguyễn Trãi, Hà Nội nên công bố quy hoạch/ hoặc chí ít là kế hoạch tổng thể tổ chức giao thông trên địa bàn toàn thành phố, với các bước đi, lộ trình và đánh giá tác động. Nhìn rộng hơn ra cả thành phố, cái chính là ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thành phố cần phải có quy hoạch, tổ chức giao thông tổng thể nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến đường. Từ đó xác định ra tuyến nào có thể phân làn được, tuyến nào không, không nên thực hiện theo kiểu cứ làm, được thì được, không được thì thôi. Và việc thí điểm rơi vào quên lãng, và người dân vẫn là người phải hứng chịu những thí điểm “được chăng hay chớ”…/.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực