Đừng để “tiền mất tật mang”

Thứ tư, 09/03/2022 09:48
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng cao đã khiến nhiều người này sinh tâm lý lo lắng. Không ít người đã đổ xô đi mua nhiều loại thuốc khác nhau để phòng ngừa và điều trị COVID-19. Điều đáng nói là trong đó có nhiều loại thuốc chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành; nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc thuộc được quảng cáo là nhập ngoại, “hàng xách tay”, “đặc trị COVID-19”…
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. (Ảnh chụp màn hình). 

Từ đầu năm 2022 đến nay, lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, một số đối tượng đã cố tình nhập lậu các loại thuốc không qua kiểm định và bán lại với giá cao cho người tiêu dùng. Lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán thuốc “đặc trị COVID-19” không rõ nguồn gốc. Mới đây, ngày 28/2, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra, thu giữ hơn 3.000 sản phẩm được quảng cáo là “có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19” tại một cơ sở kinh doanh ở quận Đống Đa (Hà Nội). Chủ cơ sở này khai nhận, đã thu mua các sản phẩm trên mạng, về bán kiếm lời.

Trước đó, lực lượng liên ngành Công an tỉnh Sơn La và Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã phát hiện chủ một quầy thuốc tại Tiểu khu 5, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang có hành vi kinh doanh thuốc “đặc trị COVID-19” không rõ nguồn gốc. Chủ quầy thuốc không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng chục hộp thuốc “đặc trị COVID-19”.

Các vụ việc này đã dấy lên trong dư luận những lo lắng về việc lưu hành, mua bán các loại thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng xã hội… Bởi việc sử dụng các loại thuốc này có thể sẽ đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe người bệnh.

Có thể thấy, thời gian gần đây, “thuốc điều trị COVID-19” đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trước diễn biến dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp, số F0 phát hiện trong cộng đồng tăng cao, để phòng dịch, nhiều người đã tìm mua những loại thuốc được "bạn bè mách"; thuốc được quảng cáo trên mạng hay mua theo đơn thuốc trên facebook với công dụng “điều trị COVID-19”. Đánh vào tâm lý lo lắng của F0 khi phải điều trị tại nhà, nhiều đối tượng đã tranh thủ rao bán các loại thuốc điều trị COVID-19 trên mạng xã hội để trục lợi. Các loại thuốc này thường được quảng cáo là do các nước Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… sản xuất, và “có tác dụng mạnh” trong điều trị COVID-19, “hiệu quả chỉ sau vài ngày sử dụng”. Do mang danh “hàng xách tay”, nên giá thành của các loại thuốc này đến tay người tiêu dùng không hề rẻ; thường mỗi hộp thuốc có giá giao động từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng, tùy loại và tùy từng thời điểm. Tại nhiều quầy thuốc tân dược, người dân cũng được tư vấn việc sử dụng một số loại thuốc tăng sức đề kháng, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị COVID-19… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên nghe theo lời đồn thổi và truyền tai nhau để mua thuốc điều trị COVID-19, bởi việc mua thuốc tùy tiện, không có chỉ định của bác sỹ có thể sẽ khiến người dân mua phải loại thuốc không phù hợp; việc dùng sai thuốc điều trị COVID-19 thậm chí có thể còn làm giảm sức khỏe, gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

 Thuốc điều trị COVID-19 được quảng cáo trên mạng xã hội. (Ảnh chụp màn hình). 

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các trường hợp xác định mắc COVID-19 nên thăm khám tại cơ sở y tế địa phương để có sự hướng dẫn tốt nhất về mặt chuyên môn, thay vì nghe theo lời truyền miệng hay lời tư vấn của những người bán hàng không có chuyên môn. "Điều này vừa khiến người dân mất tiền oan và nếu dùng sai thuốc thì có thể gây hại", bác sỹ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Cùng quan điểm nói trên, TS, bác sỹ Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhìn nhận, thuốc kháng virus là thuốc bán theo đơn, chỉ dùng với những đối tượng mà bác sỹ nhận thấy cần phải sử dụng. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ kháng thuốc và bảo đảm đủ thuốc dành cho những đối tượng thực sự cần thiết. Nếu người dân tự ý mua, sử dụng không theo chỉ định thì có thể có những nguy cơ cho chính người sử dụng thuốc đó vì thể trạng, sức khỏe không phù hợp.

Mặt khác, thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là các loại thuốc mới được nghiên cứu; các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Mỗi thuốc kháng virus có chỉ định cho một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do đó, việc dùng các loại thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sỹ. Đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Bác sỹ Hoàng Minh Đức (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: “Những trường hợp tự ý dùng thuốc kháng virus không theo chỉ định sẽ có thể bị ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng sinh sản, hoặc là ảnh hưởng đến các chức năng tiêu hóa, tiết niệu…”.

Kết quả thống kê cho thấy, phần lớn số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây đều có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, theo các bác sỹ, người bệnh không nhất thiết phải sử dụng các loại thuốc kháng virus mà chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng, tăng cường sức đề kháng. Thậm chí ngay tại các bệnh viện, bác sỹ cũng căn cứ vào triệu chứng mới kê thuốc loại kháng virus (nếu cần thiết) và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Do đó, trường hợp nếu phát hiện dương tính với COVID-19, người dân cần bình tĩnh, không nên quá hoang mang; cần báo ngay với cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn điều trị và kê đơn thuốc phù hợp. Đặc biệt, không nên tự ý tìm mua các loại thuốc chưa rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng.

Quyết định số 437/QĐ-BYT , ngày 27/02/2022 của Bộ Y tế . (Ảnh: TL).

Trước những diễn biến mới của tình hình dịch COVID-19, ngày 31/01/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 261/QĐ-BYT về "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”; trong đó, có những hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, chăm sóc sức khỏe đối với F0 điều trị tại nhà như: Việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng cho F0 tại nhà; danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà; danh mục thuốc chống viêm corticosteroid đường uống, thuốc chống đông máu đường uống…

Mới đây nhất, ngày 27/02/2022, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19”. Tại Quyết định này, Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn sử dụng 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là Molnupiravir và Remdesivir.

Thiết nghĩ, các địa phương và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nanag cao nhận thức trong việc lựa chọn các loại thuốc điều trị COVID-19. Đặc biệt, người mắc COVID-19 nên dựa vào những văn bản hướng dẫn, danh mục thuốc điều trị do Bộ Y tế công bố và kết quả thăm khám của cơ sở y tế để việc điều trị có hiệu quả, thay vì tự ý mua thuốc điều trị hoặc tin vào những đơn thuốc “thần thánh” trên mạng để tránh rơi vào các tình huống “tiền mất tật mang”./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực