Lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 12/06/2020 17:01
(ĐCSVN) - Phụ nữ là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề giới lại chưa được chú trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Theo số liệu của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lực lượng lao động nữ ở nông thôn nước ta có khoảng 26,2 triệu người. 44% trong số đó hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 63,4%. Với tương quan tỷ lệ như thế, bà Trần Thu Thủy - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng nếu không tính đến vai trò của phụ nữ là bỏ phí ít nhất 50% nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ cần được tạo điều kiện để nâng cao tiếng nói của họ trong công tác lập kế hoạch
và quá trình xác định các ưu tiên thực hiện của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
ở cơ sở. 

Trên thực tế, vấn đề giới đã bị bỏ qua trong thiết kế Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015. Giai đoạn 2016 - 2020, vấn đề giới được đưa vào Chương trình như một tiêu chí “chuyên đề hẹp” bằng chỉ tiêu 18.6: “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội” - một trong 49 chỉ tiêu của 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp xã. Hệ quả của cách tiếp cận “chuyên đề hẹp” là vấn đề giới đã không được cân nhắc xuyên suốt trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn lại.

 Hiện nay, hệ thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tổ chức tại 63 tỉnh, thành, 707 cấp huyện, 10.614 cấp xã, 98.015 thôn, bản với khoảng 18 triệu hội viên. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã chỉ đạo thực hiện rộng khắp phong trào “5 không, 3 sạch” (5 không: không đói nghèo, không bạo lực gia đình, không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).

 Phong trào 5 không, 3 sạch đã được thể chế hóa thành các chỉ tiêu xã nông thôn mới. Tuy nhiên, phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ thường bị gắn với những định kiến giới, được coi là chỉ “phù hợp” với các nhiệm vụ không thiết yếu, mang tính phụ của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chẳng hạn như trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, quét dọn làng xóm, đường phố, nhà cửa, thu dọn rác thải... Những định kiến này khiến phụ nữ ít được tham gia vào các nhiệm vụ như xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các hoạt động phi nông nghiệp, tạo thu nhập cao… Định kiến này dường như cũng áp dụng cả đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ chỉ là cơ quan phối hợp, tuyên truyền, vận động thay vì vai trò chủ trì hay trực tiếp quản lý thực hiện một số hoạt động cụ thể.

 Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng, những đóng góp của phụ nữ vào kết quả đạt được của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là vô cùng lớn và không thể phủ nhận. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần chuyển từ vai trò bị động sang chủ động tham gia xây dựng tiêu chí cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhằm đưa vấn đề giới trở thành nội dung xuyên suốt trong Chương trình, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan.

 Việc xác định giới là một vấn đề xuyên suốt trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng phản ánh yêu cầu của Luật Bình đẳng giới, đó là giải quyết vấn đề giới như một phạm trù kinh tế - xã hội toàn diện, góp phần thực hiện Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

 TS. Phạm Thái Hưng, chuyên gia Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) khuyến nghị, trong giai đoạn 2021 - 2025, trước hết, cần quy định mức tối thiểu tỷ lệ phụ nữ tham gia các cuộc họp lập kế hoạch để nâng cao tiếng nói của họ trong công tác lập kế hoạch, trong quá trình xác định các ưu tiên trong khuôn khổ Chương trình. Thiết kế và thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng nên cân nhắc bảo đảm lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới, trong đó, số phụ nữ được hưởng lợi là một tiêu chí ưu tiên. Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách đưa ra những hành động tích cực, đảm bảo mức độ tối thiểu phụ nữ tham gia trong các hoạt động hỗ trợ sản xuất.

 Sửa đổi các tiêu chí giáo dục, y tế để đảm bảo tỷ lệ hoàn thành tiêu chí đối với phụ nữ và trẻ em gái không thấp hơn nam giới và trẻ em trai. Các tiêu chí khác liên quan đến hộ gia đình và cá nhân có thể điều chỉnh nhằm đảm bảo cả phụ nữ và nam giới đều được ghi nhận như nhau đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu đó. Đồng thời, có dòng ngân sách riêng cho các hoạt động liên quan đến giới. Trường hợp lồng ghép vào những dòng ngân sách khác thì cần quy định rõ về tỷ lệ %. Tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ như một cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện thay vì chỉ là cơ quan vận động, phối hợp thực hiện Chương trình./.                                                                                                                                              

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực