Một đề xuất không hợp lý!

Thứ năm, 24/06/2021 17:19
(ĐCSVN) - Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi một số bộ, ngành liên quan tới vấn đề hạ lãi suất tiền gửi VND dần về 0%. Tuy nhiên, đề xuất này của VAFI đã liên tục vấp phải những ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các chuyên gia kinh tế, tài chính – ngân hàng.

VAFI đã có đề xuất gửi một số bộ, ngành liên quan tới vấn đề hạ lãi suất tiền gửi VND dần về 0%

(Ảnh: M.P) 

Viện dẫn việc tại các nước trong khối ASEAN, hiện có Thái Lan, Philipines, Malaysia, Singapore đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn với đồng nội tệ ở mức 0%/năm và lãi suất tiền gửi dài hạn khoảng 0,2 - 0,7%/năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, tiền gửi VND ngắn và trung hạn đang ở mức 3,5 - 6,2%/năm, VAFI cho rằng, đây là mức rất cao so các nước nói trên, dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao gấp hai đến ba lần. Điều này trở thành bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình. Tại các nước có nền kinh tế phát triển hiện nay, mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ đều ở 0%/năm. Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (-), nghĩa là thu phí tiền gửi, nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay. Điều này góp phần kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở, chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng thấp.

Theo VAFI, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể đưa dần lãi suất tiền gửi về 0%/năm. Trong đó bao gồm: tình hình chính trị ổn định; nền kinh tế phát triển với tốc độ cao; xuất khẩu liên tục tăng trưởng hai con số và là quốc gia xuất siêu, thu lượng lớn ngoại tệ nhờ xuất khẩu liên tục tăng trưởng; lượng kiều hối hàng chục tỷ USD/năm…

Phân tích cụ thể hơn, theo VAFI, lãi suất của Việt Nam khó hạ nhanh là vì chúng ta chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế, đồng thời cũng ngăn chặn được nó chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như chảy vào thị trường bất động sản hay vào ngoại tệ…

Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi do đặc thù riêng của từng nền kinh tế. Thực tế, hiện nay, do lãi suất huy động hạ xuống rất thấp, cộng hưởng với dịch bệnh kéo dài, cơ hội làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp suy giảm khiến dòng tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn.

Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, đầu ra cũng hết sức khó khăn. Điều này thể hiện rõ nhất qua lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng bốn tháng đầu năm 2021 chỉ tăng thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, mức tăng thấp nhất trong sáu năm và chỉ bằng một nửa so trước khi có dịch COVID-19. Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn có cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng 2,97% so cuối năm ngoái, còn tín dụng của nền kinh tế cũng mới tăng 4,97%. Việc có hạ thêm lãi suất hay không cần phải cân nhắc vì hiện nay, lãi suất tiền gửi đã thấp lắm rồi, nếu giảm thêm thì người dân có thể chuyển dịch tiền qua các kênh đầu tư khác.

Thậm chí, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm của VAFI đã liên tục vấp phải những ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các chuyên gia kinh tế, tài chính – ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn nhận định, đây là một đề xuất không hợp lý, không phù hợp môi trường tài chính ở Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, lý do khiến lãi suất 0% không thực hiện được ở Việt Nam đó là nếu muốn lãi suất bằng 0 thì các ngân hàng phải có độ rủi ro bằng 0. Rủi ro luôn đi kèm với lãi suất, là cái giá phải trả cho tiền tệ khi vay mượn, nhưng trong lãi suất đó phần gọi là bồi thường cho rủi ro, phần này càng cao thì rủi ro càng lớn, phần lãi cho rủi ro càng cao. Như vậy, nếu lãi suất bồi thường cho rủi ro bằng 0 thì rủi ro phải bằng 0. Điều này không thể thực hiện ở Việt Nam lúc này vì các ngân hàng đều có tỷ lệ rủi ro nhất định. Hiện chỉ có trái phiếu chính phủ, trong nội địa Việt Nam mới có rủi ro bằng 0, còn công cụ tài chính của các định chế tài chính khác đều có độ rủi ro.

Lãi suất cần nhìn từ hai khía cạnh. Thứ nhất, nội bộ nền kinh tế người gửi trong nước sẽ không chấp nhận lãi suất bằng 0% vì yếu tố rủi ro từ các ngân hàng. Thứ hai, người nước ngoài đầu tư qua hình thức mua trái phiếu, chứng khoán hoặc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để đầu tư, khi đầu tư vào Việt Nam mà mức độ rủi ro cao thì ta không thể nào trả cho họ lãi suất bằng 0%. Giả sử chúng ta áp dụng lãi suất bằng 0% trong khi lạm phát khoảng 3,5%, với mức độ làm phát như vậy thì người gửi tiền nhận lãi suất thực âm (-) 3,5%. Người ta sẽ rút tiền để đầu tư kênh khác như chứng khoán, vàng, thậm chí cả buôn lậu ngoại tệ, hay các kênh đầu tư phi chính thức như tiền ảo, sàn giao dịch đa cấp. Việc này sẽ tạo ra sự mất thanh khoản tức thì cho hệ thống ngân hàng, gây nên sự rối loạn cho hệ thống tài chính.

Ngoài ra, nếu tiền gửi ngân hàng có lãi suất bằng 0% thì nhà đầu tư có thể dồn tiền sang trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất đang ở mức cao. Nhưng điều này cũng mang đến rủi ro lớn về mặt hệ thống, vì các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu không có sự ổn định, không có tài sản thế chấp, chưa có xếp hạng tín nhiệm trái phiếu nên rủi ro ở mức cao. Nếu doanh nghiệp đó không may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng. Do đó, thay vì đề xuất giảm lãi suất xuống 0% thì nên gỡ bỏ tất cả các rào cản về lãi suất, để lãi suất tự vận hành theo cung cầu của thị trường, lãi suất có thể lên cao hay xuống thấp hơn.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ trí Thành cho rằng, việc ổn định lạm phát và đưa lãi suất thấp là chuyện tốt, nhưng đề xuất này không đủ lập luận khoa học và chưa đủ căn cứ, không đúng thời điểm thì cũng lại là vấn đề lớn. Thời điểm hiện tại, nhiều thứ chưa thích hợp cho việc này. Ngược lại, giả sử lãi suất được đưa về bằng 0% thì sử dụng đồng tiền ra sao? Có nên chặn dòng tiền vào bất động sản hay không? Nếu chặn thì chặn thế nào?… Đây cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục quán triệt yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Nhưng NHNN cũng nhất quán quan điểm chủ động điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất hài hòa và căn cứ trên việc cân đối tổng thể kinh tế vĩ mô.

Thực tế, phần lớn các quốc gia có lãi suất tiền gửi 0% sở hữu cấu trúc dân số già. Thứ họ dư thừa là tiền vốn. Chi phí vốn do đó rất thấp và cần cho vay ra ngoài như Nhật Bản. Việt Nam lại ở trạng thái khác khi đang trong cấu trúc dân số vàng. Các phúc lợi an sinh xã hội cho người dân chưa được cao như nhiều nước nên nhu cầu tiết kiệm của người Việt lớn. Người dân cần có kênh đầu tư an toàn để ký thác tiền tiết kiệm cũng như tạo ra lãi suất hợp lý.

Thiết nghĩ, chuyện một tổ chức ngành nghề đề xuất những ý tưởng, gợi mở và đóng góp xây dựng chính sách hợp lý hơn, tốt đẹp hơn là chuyện rất bình thường và nên làm cũng như nên được khuyến khích.  Nhưng việc chỉ nhìn vào con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là hết sức phiến diện và là một đề xuất không hợp lý!

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực